Thế giới ngầm của biệt đội chỉ điểm cho FBI

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:12, 06/01/2022

Khác với các đặc vụ chính thức, những người chỉ điểm của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) có thể làm những việc như thâm nhập bất hợp pháp, dùng bẫy tình để lần ra thông tin tình báo quan trọng.

THẾ GIỚI NGẦM CỦA BIỆT ĐỘI CHỈ ĐIỂM CHO FBI

Khác với các đặc vụ chính thức, những người chỉ điểm của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) có thể làm những việc như thâm nhập bất hợp pháp, dùng tình dục để "nhử mồi" nhằm lần ra thông tin tình báo quan trọng.

"ĐỘI QUÂN" CHỈ ĐIỂM TRONG BẢNG LƯƠNG CỦA FBI

Thế giới ngầm của biệt đội chỉ điểm cho FBI - 1

Trụ sở FBI ở thủ đô Washington DC, Mỹ (Ảnh: Eagle).

"Người chỉ điểm" là cụm từ dùng để chỉ những người mà FBI gọi là "nguồn nhân lực bí mật", là một trong những nguồn tin cho các cuộc điều tra của FBI hay của cảnh sát Mỹ. Với vai trò là nguồn cung cấp thông tin, họ được coi là "tài sản" của FBI.

FBI có một mạng lưới người chỉ điểm gồm hàng nghìn người sử dụng cho các chiến dịch khác nhau ở cả trong và ngoài nước. Sau vụ khủng bố 11/9/2001, số người chỉ điểm được FBI tăng cường tuyển mộ nhiều đến mức chính phủ Mỹ phải phát triển phần mềm đặc biệt để giúp kiểm soát đội quân hùng hậu này. Thành viên mạng lưới chỉ điểm của FBI khá đa dạng. Đó có thể là một giáo sư đại học, luật sư, nhà báo, một huấn luyện viên thể hình, một vũ nữ thoát y, một người nhập cư hay thậm chí người từng có tiền án hoặc trẻ vị thành niên. Trong một số trường hợp, người chỉ điểm được chọn do có bề ngoài thích hợp cho cuộc điều tra mà không cần có mối quan hệ từ trước đó với các mục tiêu của FBI.

Trước khi tiếp cận người chỉ điểm tiềm năng, các đặc vụ của FBI sẽ thu thập thông tin tiểu sử về người đó, trong đó có cả thông tin về điểm yếu và những thông tin có tính mang sức ép nếu cần. Một số người chỉ trích rằng, FBI có thể tận dụng chính sách về nhập cư để tuyển dụng người chỉ điểm. Ví dụ, năm 2005, Yassine Ouassif, một người di cư vượt biên từ Canada vào Mỹ đã bị thu giữ thẻ xanh, và bị đưa lên một chiếc xe buýt tới San Francisco. Họ yêu cầu anh liên hệ với FBI khi đến nơi. Cuối cùng, anh nhận được đề nghị từ FBI: hoặc trở thành người chỉ điểm hoặc bị tước thị thực.

Đặc vụ FBI có thể sử dụng vỏ bọc để tuyển mộ người chỉ điểm, bao gồm cả hình thức chiêu mộ trực tuyến. Cuộc gặp đầu tiên giữa đặc vụ FBI với người chỉ điểm tiềm năng được gọi là "The Bump" và có thể diễn ra theo một số hình thức khác nhau.

Thế giới ngầm của biệt đội chỉ điểm cho FBI - 2

Thành phần của đội quân chỉ điểm cho FBI rất đa dạng (Ảnh minh họa: Intercept).

Nhiệm vụ của đội quân chỉ điểm chủ yếu là giúp FBI tìm kiếm những phần tử khủng bố, cực đoan tiềm tàng, ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố. Người chỉ điểm có thể thực hiện sứ mệnh ngầm mà FBI giao phó ở nước ngoài mà không cần thông báo cho nước sở tại.

Động cơ của những người chỉ điểm không giống nhau, có người hợp tác với FBI vì họ bất bình, lo ngại với những gì mà họ nhìn thấy và cho rằng cần có sự can thiệp của giới chức trách, có người là bởi muốn tìm kiếm một thỏa thuận với các công tố viên hoặc đơn giản là để nhận lương.

Phần tử chỉ điểm của FBI được trả từ 100.000 USD, hoặc có thể nhiều hơn nữa tùy vào tính chất mỗi vụ án. Martin Stolar, một luật sư hình sự tại New York, cho biết những khoản tiền chi trả lớn này là cách để FBI duy trì được sự kiểm soát đối với đội quân chỉ điểm vốn bao gồm không ít nhân vật có tiền án và sẵn sàng phá bỏ thỏa thuận bất cứ lúc nào.

Theo chính sách chi trả của FBI, ngoài khoản tiền thù lao dành cho người chỉ điểm, cơ quan này cũng chi trả các chi phí liên quan như tiền thuê nhà, chi phí đi lại, tiền ăn, viện phí.

Craig Monteilh, một người từng làm chỉ điểm cho FBI, cho biết ông nhận được thù lao gần 180.000 USD trong khoảng thời gian một năm. Ông cũng được chi trả các hóa đơn viện phí, sinh hoạt phí 8.200 USD/tháng. "Tôi được chi trả mọi thứ, thậm chí cả những thứ mà tôi không thực sự tiêu dùng. Tất cả những gì họ làm là nhằm để che đậy mọi thứ đề phòng những vướng mắc pháp lý", Monteilh nói.

Trong số hơn 15.000 người chỉ điểm của FBI chỉ có một số ít được coi là "chuyên nghiệp". Những người chỉ điểm chuyên nghiệp thường được FBI tuyển dụng trước khi bắt đầu tìm cách thâm nhập vào một tổ chức tội phạm hay cực đoan nào đó.

Vì sao FBI lại cần đến một mạng lưới chỉ điểm khổng lồ như thế trong khi nhân lực của cơ quan này có thừa? Vấn đề ở chỗ, đội quân chỉ điểm cho FBI có thể làm bất cứ điều gì mà một nhân viên chính thức không được phép làm, từ những vụ lục soát không cần lệnh của tòa án cho đến quan hệ với các mục tiêu để lần ra những phần tử cốt yếu hoặc những âm mưu khủng bố.

Mike German, một cựu điệp viên ngầm giấu tên của FBI cho biết: "Thông thường, những thông tin mà người chỉ điểm cung cấp sẽ giúp mở đường cho điệp viên chính thức của FBI thâm nhập vào tổ chức mục tiêu để bí mật điều tra. Sau đó, người chỉ điểm phải nhường chỗ cho điệp viên hoạt động bởi vì những điệp viên chuyên nghiệp mới hiểu thông, biết thạo luật pháp và có những kỹ năng cần thiết".

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người chỉ điểm trở thành điệp viên ngầm cho FBI trong một thời gian dài. Trong khi một số nhân vật hoàn thành công việc trong giới hạn cho phép thì một số khác được yêu cầu đóng vai trò tích cực hơn, nhiệm vụ của họ không chỉ giới hạn ở việc cung cấp thông tin cho FBI mà còn tham gia vào nhiều cuộc điều tra. Khi đó, họ đóng vai trò giống như một đặc vụ.

Một người chỉ điểm giấu tên tiết lộ, anh được tuyển dụng để giám sát các thành phần có quan điểm Hồi giáo quá khích trong một thời gian dài. Không lâu sau khi đảm nhận, anh ta hầu như hoàn thành các nhiệm vụ mà một điệp viên ngầm không thể làm được do bị luật pháp hạn chế.

"Tôi có thể dò xét những nơi mà họ (đặc vụ FBI) không thể dò xét nếu không có giấy phép. Tôi có thể làm mọi việc mà luật pháp ngăn cấm bởi vì tôi không phải sĩ quan FBI bị ràng buộc bởi lời tuyên thệ", một người chỉ điểm giấu tên của FBI chia sẻ với truyền thông.

FBI chỉ đề nghị người chỉ điểm cung cấp những thông tin mà họ muốn nắm bắt mà không cần biết người đó sẽ hành động như thế nào. Nhờ những người chỉ điểm như thế mà FBI có thể mở cuộc đột kích thành công vào những nơi cất giấu vũ khí và chất nổ của tội phạm khủng bố, ngăn chặn các vụ khủng bố tiềm tàng.

TỪ THÂM NHẬP BẤT HỢP PHÁP ĐẾN BẪY TÌNH

Thế giới ngầm của biệt đội chỉ điểm cho FBI - 3

Nhiệm vụ chính của người chỉ điểm là giúp FBI lần ra manh mối của những âm mưu khủng bố tiềm tàng (Ảnh minh họa: Indepedent).

Saeed Torres, một cựu thành viên băng đảng Black Panther, là một trong số những người chỉ điểm được FBI tuyển mộ để đóng giả làm "phần tử Hồi giáo cực đoan" với biệt danh là "Shariff". Mục tiêu của Torres là Tarik Shah, nghệ sĩ piano ở khu Bronx phía bắc thành phố New York bị buộc tội hỗ trợ vật chất cho các phần tử al-Qaeda năm 2007 và sau đó lĩnh án 15 năm tù tại một nhà tù liên bang.

Ngoài ra, Torres có nhiệm vụ kết bạn với một người da trắng quy theo đạo Hồi có tên Khalifa al-Akili mà FBI nghi ngờ là phần tử cực đoan. Mặc dù Torres báo cáo Al-Akili không gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia cũng không có âm mưu khủng bố, FBI vẫn yêu cầu Torres tìm kiếm bằng chứng để buộc tội người này.
Cuối cùng, Torres cũng hoàn thành nhiệm vụ mà FBI giao phó và nhận thù lao 250.000 USD. Torres tiết lộ ông kiếm được hàng chục nghìn USD nhờ giúp FBI tạo bằng chứng dẫn đến ít nhất 5 vụ buộc tội. "Tôi cần tiền. FBI chỉ cần phát lệnh bắt giữ người", Torres chia sẻ có phần day dứt.

Cũng giống Saeed Torres, Craig Monteilh chấp nhận chỉ điểm cho FBI vì cần tiền. Vào năm 2006, Craig Monteilh, một huấn luyện viên thể hình người Pháp gốc Syria từng có thời gian ngồi tù vì tội lừa đảo, được giao nhiệm vụ đóng giả làm một phần tử Hồi giáo cực đoan để theo dõi những người có cảm tình với khủng bố trong số các thánh đường Hồi giáo ở hạt Orange, bang California. Để khai thác được thông tin, Monteilh thậm chí đã lên giường với những phụ nữ Hồi giáo ở đây.

Monteilh chia sẻ với hãng tin Guardian rằng, ông không hề nao núng, do dự sau khi những người quản lý ở FBI "bật đèn xanh" cho phép ông quan hệ với những phụ nữ Hồi giáo mà họ đang nhắm đến trong một sứ mệnh ngầm.

Thời điểm đó, Monteilh cũng không ngần ngại ghi âm lại những cuộc trò chuyện chăn gối với những người phụ nữ kia và sau đó chuyển cho FBI. "Họ (FBI) nói, nếu điều đó giúp ích cho hoạt động tình báo thì cứ xúc tiến, nên tôi đã làm", Monteilh kể lại thời gian khi làm đặc vụ ngầm cho FBI để thâm nhập vào cộng đồng người Hồi giáo ở California.

Một đặc vụ hoạt động ngầm sẽ bị kỷ luật nặng nếu tự ý có quan hệ tình dục với đối tượng đang bị điều tra. David Gomez, cựu đặc vụ FBI trải qua nhiều năm điều tra khủng bố giải thích: "Nếu FBI ra lệnh cho anh ta quan hệ tình dục với mục tiêu thì FBI sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý".

Thế giới ngầm của biệt đội chỉ điểm cho FBI - 4

Craig Monteilh - một trong những người chỉ điểm đã lên tiếng chống lại chương trình gây tranh cãi của FBI (Ảnh: Getty).

Công việc của Monteilh khá suôn sẻ và mang lại cho ông 11.000 USD mỗi tháng. Monteilh đã thu thập thông tin hàng trăm số điện thoại, hàng nghìn địa chỉ email cùng hàng loạt video ghi lại cảnh bên trong các giáo đường, tại nhà riêng hay các doanh nghiệp có liên quan đến người Hồi giáo.

Tuy nhiên, sứ mệnh "giăng bẫy" của Monteilh cuối cùng không được như ý. Một chuyện ngược đời đã xảy ra, chính những người trong cộng đồng Hồi giáo ở California đã tố giác với FBI về việc Monteilh có tư tưởng cực đoan mà không hề biết rằng Monteilh đang thực hiện sứ mệnh ngầm của FBI.

Khi chân tướng của Monteilh bị bại lộ, những việc làm của ông trở thành trung tâm của một vụ kiện dân sự chống FBI từ phía các tổ chức Hồi giáo ở California. Sau này, Craig Monteilh cảm thấy day dứt về những việc làm của mình và đã công khai lên tiếng chống lại chương trình gián điệp ngầm gây tranh cãi của FBI. Monteilh cho rằng, FBI đã bỏ rơi ông sau mọi chuyện. Monteilh cùng với một số nguyên đơn đã theo đuổi vụ kiện chống lại FBI. Vụ kiện cuối cùng bị bác bỏ vì lý do "bí mật quốc gia".

Shahed Hussain, một công dân Pakistan, cũng đã kiếm được hàng chục nghìn USD khi làm người chỉ điểm cho FBI trong các vụ điều tra tiến hành tại ít nhất 3 châu lục kể từ năm 2002. Tuy nhiên, vai trò của Hussain đã trở thành đề tài gây tranh cãi trong phiên tòa xét xử 4 công dân Mỹ bị nghi ngờ liên quan đến âm mưu dùng tên lửa tấn công máy bay quân sự Mỹ và âm mưu đánh bom khủng bố ở New York hai năm trước đó. Luật sư của các bị cáo nói rằng, chính Hussain đã giăng bẫy khiến các thân chủ của họ bị kết tội.

Những câu chuyện liên quan đến nguồn chỉ điểm của FBI tuy không mới nhưng công cụ điều tra hiệu quả này đã trở thành đề tài gây tranh cãi sau nhiều lần lực lượng ngầm này được đưa ra ánh sáng trong một loạt phiên tòa xét xử khủng bố. Những sứ mệnh ngầm của FBI làm dấy lên câu hỏi những hoạt động này có vi phạm quyền riêng tư cá nhân của công dân hay không.

Trong khi đó, FBI lập luận, việc sử dụng mạng lưới người chỉ điểm ngầm là phù hợp để phát hiện những âm mưu khủng bố tiềm tàng. FBI cũng cho rằng, các vụ kiện nên được bác bỏ bởi nó có thể làm lộ các thông tin tình báo liên quan đến hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố, gây tổn hại cho an ninh quốc gia. Theo họ, những thông tin về việc ai đang bị điều tra, lý do tại sao cũng như chi tiết về các nguồn tin và phương thức hành động của FBI cần được giữ bí mật bởi đó được coi là "bí mật quốc gia".

Minh Phương
Theo NYT, Guardian, Conversation, Intercept