Vừa đi vừa ngậm ống hút, em bé 4 tuổi gặp tai nạn bất ngờ

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 18:26, 05/01/2022

Vừa đi vừa ngậm ồng hút, bé trai 4 tuổi bị vấp ngã, ống hút đâm vào vòm họng, dẫn đến rách niêm mạc khẩu cái. Theo các bác sĩ, đây là tai nạn thường xảy ra với trẻ.

Bác sĩ Tống Hồ Từ Phương, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết nơi đây vừa tiếp nhận bệnh nhi 4 tuổi bị rách niêm mạc khẩu cái.

Trước đó, bé trai cầm bình có ống hút inox vừa đi vừa uống. Bé bị vấp ngã, ống hút đâm vào vòm họng, dẫn đến rách niêm mạc khẩu cái. Vết thương ăn sâu và vùng hầu miệng rất nhiều mạch máu nhỏ phức tạp. Bệnh nhi được gây mê và khâu vết thương, kịp thời xử trí.

be-trai(1).jpg
Bé trai bị rách khẩu cái khi vừa đi vừa ngậm ống hút. Ảnh: BSCC.

Theo BS.CKI. Hồ Vân Phụng, Phó Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt , Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện nay, tình trạng trẻ gặp tai nạn do các vật dụng như ống hút, đũa, muỗng, bút, thanh kim loại, que gỗ… gây rách môi, má, lưỡi, rách khẩu cái, nặng hơn có thể đâm thủng thành sau đang xảy ra thường xuyên. Một số trường hợp trẻ dùng ống hút trà sữa bằng nhựa cứng hay ống hút inox, vừa đi vừa uống không may bị vấp ngã, ống hút đâm vào họng làm rách niêm mạc khẩu cái.

Tại Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 thời gian qua liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị rách khẩu cái cứng hoặc khẩu cái mềm. Vết thương vùng khẩu cái nằm sâu trong khoang miệng, chảy máu nhiều, rất khó quan sát và xử trí.

Bác sĩ Phụng cho biết người nhà bệnh nhi đưa con đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng rất lo lắng, không biết phải xử trí ban đầu thế nào.

ong-hut.jpg
Theo các bác sĩ, cha mẹ không nên cho trẻ dùng ống hút bằng hữa, inox hoặc ống hút bằng tre...

Bác sĩ Tống Hồ Từ Phương khuyến cáo, tai nạn sinh hoạt ở trẻ em rất khó lường, nhiều trường hợp xảy ra từ tính năng động của trẻ, cũng như sự chủ quan của các bậc phụ huynh.

“Tai nạn là sự việc ngẫu nhiên, không mong muốn và không biết trước. Tuy nhiên, mọi tai nạn đều được hạn chế nếu chúng ta cẩn thận, giáo dục và giám sát”, bác sĩ Từ Phương cho biết.

Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường, trung bình mỗi năm tại nước ta có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm 15-19 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), thấp nhất là nhóm từ 0-4 tuổi (19,5%).

wer.jpg
Tốt nhất, cha mẹ nên cho trẻ dùng ống hút bằng giấy để tranh các rủi ro xảy ra khi sử dụng...

Theo các bác sĩ, ống hút, đũa, muỗng... là các vật dụng thông dụng được dùng trong sinh hoạt gia đình và các hàng quán... vì sự tiện lợi. Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm được làm từ nhựa, tre, inox và giấy...

Bác sĩ Phụng cho rằng, để giảm thiểu tai nạn ở trẻ, phụ huynh cần cẩn thận, không cho trẻ dùng ống hút cứng bằng kim loại hoặc nhựa cứng. Khi uống, không đi tới lui, chạy nhảy. Phụ huynh cần nói cho trẻ biết những tình huống tai nạn sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, cần giám sát, dẹp bỏ những công cụ gây nguy cơ tai nạn cho trẻ.

Theo bác sĩ Phụng, khi ăn uống, trẻ nên ngồi một chỗ, không đi lại, chạy nhảy đùa giỡn, tránh vấp ngã khi đang cầm một vật cứng. “Trẻ nhỏ rất hiếu động. Vì vậy, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ cầm và chơi những đồ chơi cứng, dạng thanh que. Nếu phát hiện, thân nhân nên nhắc nhở trẻ, đồng thời giải thích để trẻ hiểu lý do”, bác sĩ Phụng chia sẻ.

Khi trẻ chẳng may bị tai nạn, cha mẹ cần hết sức bình tĩnh. Trước hết, cần trấn an bé. Sau đó, dùng gòn hoặc gạc làm sạch vùng miệng một cách nhanh nhất. Cụ thể, phụ huynh cần xác định vùng nào đang chảy máu trong miệng, rồi cho trẻ cắn gạc ấn vào vùng chảy máu nhằm giảm lượng máu chảy ra từ vết thương. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại bệnh viện hoặc trung tâm cấp cứu gần nhất để Bác sĩ xử trí khâu vết thương cho trẻ.

“Hiện nay do tình hình dịch bệnh COVID-19, đa số các trẻ ở nhà học online, trẻ có nhiều thời gian chơi đùa hơn nên tai nạn này xảy ra với tần suất nhiều hơn. Mong rằng sau bài chia sẻ này, thân nhân sẽ nâng cao cảnh giác hơn nữa, thường xuyên nhắc nhở trẻ để tránh những tai nạn không may xảy ra, giúp trẻ vui chơi an toàn trong mùa dịch”, bác sĩ Phụng chia sẻ thêm.

Phương Linh (T/H)