Câu chuyện về chiếc khí cầu đầu tiên của Liên Xô

Đối ngoại - Ngày đăng : 12:46, 05/01/2022

Năm 1920, cuộc Nội chiến Nga kết thúc, chính phủ Liên Xô quyết định bổ sung khí cầu cho không quân. Ngành công nghiệp này lúc đó đã lụi tàn, nên ban đầu họ quyết định tận dụng di sản từ thời Sa hoàng.

Dưới thời Sa hoàng, chiếc khí cầu đầu tiên do Nga sản xuất đã bay lên bầu trời vào năm 1908. Nó được chế tạo sau khi nước này học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia khác, chủ yếu là Pháp. Chiếc khí cầu đầu tiên được đặt tên đơn giản là “Uchebniy” (Huấn luyện), với mục đích thực sự là huấn luyện kỹ năng điều khiển cho các phi công máy bay trong tương lai. Khí cầu “Uchebniy” có chiều dài 40m và di chuyển với tốc độ 21 km/giờ.

Sau đó, người ta quyết định không chế tạo chiếc khí cầu thứ hai nữa, mà mua sẵn do nước ngoài sản xuất, cụ thể cũng là Pháp. Chiếc khí cầu này được Bộ Chiến tranh Đế chế Nga mua lại và đặt tên là “Thiên nga” (dài 61m, vận tốc 36 km/giờ).

Chiếc khí cầu thứ ba mang tên “Chim ưng” thì được sản xuất tại chính nước Nga. Nó có chiều dài 70m và đạt tốc độ lên tới 43 km/giờ.

“Krasnaya Zvezda” tại trạm khí cầu gần làng Salizi ở ngoại ô Petrograd (nay là Saint-Petersburg), năm 1921. Ảnh: wikimedia.org 

Theo nhiều nguồn thông tin, vào đầu Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, đội khí cầu của Nga gồm có 21 – 23 chiếc. Trong đó 8 chiếc được sản xuất trong nước và số còn lại được mua của Pháp, Đức, Anh và Thụy Điển.

Năm 1920, khi những người Bolshevik lên nắm quyền thì họ đã quyết định nghiên cứu khả năng sử dụng khí cầu nhằm mục đích quân sự. Việc khảo sát những nơi lưu giữ và nhà kho đã mang lại kết quả thảm hại. Tất cả các phương tiện bay dạng khí cầu đều trong tình trạng hư hỏng do không được bảo dưỡng thích hợp. Chiếc khí cầu duy nhất còn có thể sửa chữa là Astra-XII, được mua lại của Pháp vào năm 1913. Nó đã từng phục vụ trong chiến tranh, nhưng đến năm 1915 thì được rút vào lực lượng hậu bị, sau đó tháo rời và cất giữ.

Sau khi phục hồi phần vỏ và giỏ khí cầu, dòng chữ “Krasnaya Zvezda” (Sao đỏ) đã xuất hiện trên thiết bị bay này. Trong quá trình sửa chữa, người ta sắp xếp lại toàn bộ phần cơ khí và làm một hệ thống treo mới. Ngày 23-11-1920, khí được bơm vào bên trong vỏ và đưa khí cầu đến trạm đặt gần làng Salizi, ngoại ô Petrograd (nay là Saint-Petersburg).

Khí cầu “Krasnaya Zvezda” có các đặc điểm chính như sau: Chiều dài 78m, sức chở khoảng 5,5 tấn, hai động cơ cho tốc độ 59 km/giờ, chở được tối đa 12 người.

Theo số liệu, các chuyến bay thử nghiệm được bắt đầu vào cuối tháng 12-1920 hoặc ngày 3-1-1921. Khí cầu “Krasnaya Zvezda” thực hiện 6 chuyến bay với tổng cộng 16 giờ trên không trung. Thật không may, chuyến bay thứ 7 đã kết thúc trong thảm họa.

Sau đó, ở Liên Xô trong thời gian dài người ta không còn đề cập đến việc chế tạo khí cầu nữa. Mãi đến năm 1932, một chiếc khí cầu cũng có tên “Krasnaya Zvezda” đã được chế tạo và số phận của nó may mắn hơn. Chiếc khí cầu mới này có ký hiệu là B-3. Nó đã được sử dụng tích cực và thành công trong hơn 4 năm, vào cuối năm 1936 thì ngừng hoạt động.

QUỐC KHÁNH (theo RG.ru)