Thanh toán QR Code tăng mạnh dịp cuối năm
Cuộc sống số - Ngày đăng : 20:55, 04/01/2022
Chị Uyên (Tân Phú, TP.HCM) thường mua hàng hoá thiết yếu mỗi ngày trên kênh online của Bách hoá Xanh. Tại phần thanh toán, chị thường chọn hình thức trả tiền bằng ví điện tử. Website sẽ tạo một mã QR Code, chị chỉ cần mở ứng dụng MoMo để quét, việc thanh toán diễn ra nhanh chóng trong vài giây.
Chồng chị Uyên cũng hiếm khi mang theo tiền mặt. Tại các quán cà phê hay cửa hàng tiện lợi, thậm chí khi đi siêu thị, chồng chị cũng mở ví điện tử để quét mã QR.
Số lượng điểm chấp nhận thanh toán QR Code tăng lên cũng góp phần gia tăng lượng người giao dịch bằng QR Code. |
Theo số liệu của Payoo – hệ thống kết nối thanh toán phổ biến tại Việt Nam, trong 3 tháng cuối năm 2021, tổng mức chi tiêu mua sắm được ghi nhận qua nền tảng này tăng trưởng khá, trải đều ở các phương thức thanh toán khác nhau. Trong đó, thanh toán QR Code là một trong hai hình thức được người dùng ưa chuộng hơn cả (hình thức thanh toán còn lại là trả góp).
Cụ thể, trong 3 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng của giao dịch QR Code tăng hơn 30%/tháng.
Payoo nhận định thanh toán QR Code tăng trưởng do hai nguyên nhân: Các ngân hàng đẩy mạnh phát triển hệ thống mobile banking và tăng trưởng thanh toán quét QR của ví điện tử, một phần khác đến từ việc người dùng dần hạn chế các phương thức thanh toán có tiếp xúc trực tiếp để đảm bảo an toàn trong dịch bệnh.
Hiện nay, hầu như mọi chuỗi bán lẻ, nhà hàng, cà phê, quán ăn, cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM hay nhiều thành phố lớn khác đều có đủ các hình thức thanh toán QR Code tại quầy. Khách hàng có thể dùng ví MoMo, Moca, ShopeePay, ZaloPay, Payoo, VNPay hay các ứng dụng ngân hàng để thanh toán.
Với mã QR từ VNPay, khách hàng có thể dùng gần như mọi ứng dụng ngân hàng để quét mã và thanh toán. Như chị Uyên thường dùng ứng dụng ngân hàng Vietcombank hay Vietinbank để quét mã QR của VNPay ở những cửa hàng chưa có MoMo.
Sự gia tăng của số lượng điểm chấp nhận và ứng dụng chấp nhận thanh toán QR đã góp phần lớn vào việc phổ biến hình thức giao dịch này. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay có hơn 30 ngân hàng tại Việt Nam, 9 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua QR Code, toàn thị trường có khoảng 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code.
Cũng theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, trong 10 tháng của năm 2021, tăng trưởng về lượng giao dịch bằng QR Code chỉ đứng sau thanh toán di động, vượt hơn các hình thức thanh toán khác. Cụ thể, số lượng và giá trị giao dịch qua điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) tăng tương ứng hơn 14% và 12,6% so với cùng kỳ, qua kênh Internet tăng tương ứng 49% và 29%; qua kênh điện thoại di động tăng 72% và 85%; qua kênh QR Code tăng 54% và 120%... Nhìn số liệu có thể thấy giá trị các giao dịch qua QR Code đang tăng trưởng mạnh nhất.
Về thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2020 so với 2019, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 48,2% về lượng và 2% về giá trị. Riêng 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ 2020, số lượng giao dịch không tiền mặt vẫn tăng, nhưng giá trị giao dịch tăng vọt lên. Cụ thể, các con số tăng trưởng lần lượt là 53,61% và 26,36%.
Trả lời ICTnews, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch – đồng sáng lập Ví điện tử MoMo, cho hay mặt tích cực của dịch bệnh trong 2 năm qua là góp phần đẩy mạnh lượng người dùng các hình thức thanh toán kỹ thuật số. Trong đó, dễ thấy nhất là việc người dùng sử dụng ví điện tử để thanh toán các hàng hoá thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày.
Tính đến 21/12, ví điện tử này đạt 31 triệu người dùng, tăng 11 triệu người dùng so với tháng 9/2020 (tăng 55%). Cùng với đó, số điểm chấp nhận thanh toán đạt 140.000 điểm trên khắp cả nước, tăng 20.000 điểm so với cuối năm 2020.
Nhờ gia tăng cả về số lượng người dùng, điểm chấp nhận thanh toán lẫn đối tác kinh doanh, ông Diệp cho hay doanh thu công ty ước tính tăng gần gấp đôi so với năm 2020.
Hải Đăng