Nông sản nghẽn ở cửa khẩu phía Bắc: Nhiều FTA đã ký, vì sao xuất khẩu vẫn tắc?
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 15:20, 04/01/2022
Bộ Công Thương cho biết, tính đến 3/1, tổng số xe chở nông sản gồm thanh long, dưa hấu, mít...xuất sang Trung Quốc đang nằm chờ ở các cửa khẩu phía Bắc là 4.250 xe. Trong đó, các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh (Móng Cái, Hoành Mô, Phong Sinh) là 1.388 xe, các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma) là 2.588 xe…
Tắc biên vì điểm yếu cố hữu
Bộ Công Thương cho biết, tuy rất nhiều FTA đã được ký nhưng do tình hình sản xuất ở Việt Nam chưa bám sát tín hiệu, nhu cầu thị trường; chất lượng, bao gói sản phẩm nhiều khi không đảm bảo; vùng trồng chậm được đăng ký; công tác truy xuất nguồn gốc chưa được quan tâm... nên nhiều sản phẩm chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), không xuất được theo hình thức chính ngạch và cũng không tiêu thụ được ở các thị trường khác.
Khẳng định đây là "điểm yếu cố hữu của sản xuất và xuất khẩu nông sản", Bộ Công Thương cho biết, trong số hàng hóa đang ùn tắc tại biên giới phía Bắc, lượng hàng chờ xuất khẩu theo hình thức “tiểu ngạch” lớn hơn nhiều so với lượng hàng chờ xuất khẩu theo hình thức “chính ngạch” qua cửa khẩu quốc tế. Việc không đủ điều kiện để xuất “chính ngạch” cũng giải thích vì sao các hình thức vận chuyển khác như đường biển, đường sắt rất thuận lợi nhưng rất ít thương nhân Việt Nam có thể tận dụng được.
Việt Nam đã ký FTA với Trung Quốc, công tác đàm phán về thuế nhập khẩu đã hoàn tất, rất nhiều nông sản đã được hưởng thuế nhập khẩu 0% khi xuất vào Trung Quốc nhưng đàm phán về quản lý chất lượng hàng hóa còn chậm nên tới nay mới có 9 loại trái cây của ta được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Tất cả các loại trái cây còn lại chỉ có thể xuất khẩu vào Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân, dẫn đến phụ thuộc gần như 100% vào các cửa khẩu phụ, lối mở, tức là những điểm thông quan thường bị đóng đầu tiên khi dịch bệnh xảy ra.
Bởi thế, thời điểm hiện nay, khi phía Trung Quốc dừng hoàn toàn hoạt động thông quan tại gần như tất cả các cửa khẩu thì lập tức lượng nông sản đang dồn ứ, chờ thông quan theo đường tiểu ngạch không thể thông quan. Theo Bộ Công Thương, nhiều cửa khẩu quan trọng với lượng hàng hóa xuất khẩu thông thường rất lớn đã chịu ảnh hưởng từ chính sách “zero COVID” của Trung Quốc như Kim Thành (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh).
Với những cửa khẩu còn tạm thời mở cửa như Hữu Nghị, Chi Ma, Hoành Mô… quy trình giao nhận hàng hóa được siết rất chặt để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh, dẫn đến ùn tắc trên diện rộng.
Ngoài ra, việc đàm phán về thủ tục kiểm dịch cũng chậm tương tự nên tỷ lệ trái cây Việt Nam phải qua kiểm tra lên tới 100% trong khi Thái Lan chỉ 30%, dẫn đến thời gian thông quan kéo dài, gia tăng ách tắc, nhất là khi vào chính vụ thu hoạch.
Trong khi đó,, các địa phương tuy đã quan tâm tới sản xuất, xuất khẩu nông sản nhưng cũng có lúc, có nơi chưa được thực sự sâu sắc. Cơ sở hạ tầng (bao gồm hạ tầng thương mại, logistics) cửa khẩu biên giới đường bộ chưa được dầu tư nâng cấp theo kịp nhu cầu và quy mô thương mại song phương.
Kết nối đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc qua hai cửa khẩu quốc tế đường sắt (Lào Cai - Hà Khẩu và Đồng Đăng - Bằng Tưởng) chưa đồng bộ cũng khiến đường sắt không thể phát huy đầy đủ vai trò trong vận tải, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và giảm tải cho đường bộ.
Giải tỏa cách nào?
Để giải quyết triệt để tình trạng này, tháo gỡ khó khăn cho chủ hàng và doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc, đại diện Bộ Công Thương khẳng định phải có các giải pháp căn cơ, các bộ ngành, địa phương cùng vào cuộc.
Cụ thể, UBND các tỉnh sản xuất nông sản lớn phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng tầm nông sản Việt, từ đó đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu “tiểu ngạch”.
Các giải pháp quan trọng nhất là giảm sản xuất tự phát, tăng sản xuất theo tín hiệu thị trường và theo đơn đặt hàng, nâng cao và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thuỷ sản, đáp ứng sự trông đợi của người tiêu dùng trong nước và ngoài nước; phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân về phương thức sản xuất, nuôi trồng, đóng gói, chế biến...để đáp ứng tiêu chuẩn của từng nước, từng khu vực nhập khẩu; đẩy mạnh việc đăng ký vùng trồng cũng như công tác truy xuất nguồn gốc để tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch và giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Bộ Công Thương tư vaán, UBND các tỉnh sản xuất nông sản lớn nên tìm hiểu mô hình kết nối sớm để tiêu thụ nông sản sang Trung Quốc của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương để chủ động áp dụng tại tỉnh mình, qua đó vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho dân, vừa giúp giảm bớt tình trạng ùn ứ tại các tỉnh biên giới khi vào vụ thu hoạch.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tích cực đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng số lượng trái cây được chính thức xuất khẩu vào Trung Quốc cũng như thị trường khác; đẩy nhanh đàm phán các nghị định thư cần thiết với Trung Quốc để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải qua kiểm tra khi xuất khẩu vào nước này; nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành và các sản phẩm; khai thác hiệu quả tối đa 17 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.
UBND các tỉnh biên giới chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng logistics, đặc biệt là mở rộng, tăng diện tích các kho bãi, địa điểm tập kết cho hàng hóa và phương tiện vận tải hàng hóa làm thủ tục thông quan thuận lợi.
Hạn chế bố trí các khu tập kết hàng hóa, phương tiện quá gần cửa khẩu khiến khó mở rộng và khó điều tiết, phân luồng khi lượng hàng và phương tiện tăng cao.
Hòa BìnhLoạt biện pháp "giải cứu" nông sản
Chia sẻ với VTC News, đại diện Bộ Công Thương cho biết đã trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm tới các cơ quan phía Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn, khơi thông hoạt động giao thương qua các cửa khẩu trên đất liền, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, trái cây tươi qua biên giới.
Tìm cách khắc phục tình trạng hạn chế về nhân lực bốc xếp, kéo dài thời gian hoạt động của các cửa khẩu, thống nhất quy trình, biện pháp phòng chống dịch; tăng cường công tác phổ biến thông tin, quy định mới của thị trường Trung Quốc cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm thúc đẩy đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu.
Bộ Công Thương cũng có kế hoạch chuyển nhanh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính...).