4 mẹo thể hiện trí tuệ cảm xúc trong CV xin việc làm

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 15:30, 04/01/2022

Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng đánh giá, kiểm soát, thấu hiểu cảm xúc của bản thân cũng như của mọi người xung quanh. EQ đặc biệt quan trọng tại nơi làm việc vì nó giúp tạo ra các tương tác xã hội tích cực và điều hướng một tập thể hòa hợp. Những nhân viên có EQ cao sẽ có tinh thần ổn định, khả năng làm việc nhóm tốt, biết cách ứng xử giữa người với người và dễ dàng thích ứng trong nhiều tình huống.

Do đó, thể hiện trí tuệ cảm xúc ngay từ khi viết CV xin việc làm là điều ứng viên không nên coi nhẹ. Hãy cùng khám phá 4 mẹo thể hiện EQ của bạn trên CV xin việc sau đây. Dù bạn kiếm việc làm online tại nhà hay công sở, chúng cũng sẽ rất hữu ích.

image.png

Sử dụng các kỹ năng liên quan tới EQ

Chứng minh mình có EQ cao trong CV là một thách thức khá lớn, bởi nhà tuyển dụng chỉ thực sự tin tưởng khi trực tiếp kiểm nghiệm ứng viên trong vòng phỏng vấn. Một trong những cách dễ nhất để cho thấy EQ trong CV là sử dụng các từ ngữ chỉ kỹ năng, tính cách thể hiện được trí tuệ cảm xúc.

Hãy đọc kỹ mô tả công việc. Nếu vị trí bạn ứng tuyển đòi hỏi kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, hoặc quản lý đội ngũ, bạn có thể sẽ có lợi thế cạnh tranh nếu bạn thể hiện những khả năng đó ngay trong CV. Chỉ đơn giản viết rằng “Tôi có EQ cao” là chưa đủ để thực sự gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Những kỹ năng nổi bật của trí tuệ cảm xúc bạn có thể liên hệ với kinh nghiệm cá nhân để viết vào CV là:

  • Lãnh đạo, làm việc nhóm.
  • Khả năng thuyết phục khách hàng.
  • Kiểm soát tốt cảm xúc dưới áp lực.
  • Lắng nghe, đóng góp ý kiến mang tính xây dựng.
  • Truyền cảm hứng cho tập thể…

Mô tả các hành động thể hiện EQ

Không chỉ dừng lại ở liệt kê kỹ năng, sẽ hiệu quả hơn nữa nếu đề cập đến các hành động, thành tích cụ thể mà qua đó trí tuệ cảm xúc của bạn đã tỏa sáng. Những hành động này cần cho thấy bạn là một người sâu sắc, có thể hiểu rõ cảm xúc con người trong bất cứ việc gì, từ lãnh đạo, làm việc nhóm, hỗ trợ tuyển dụng cho đến đàm phán, thuyết phục khách hàng, đối tác. Có thể bạn không biết, nhưng nhiều tình huống mà bạn coi là tác vụ thường ngày lại thể hiện rõ trí tuệ cảm xúc của bạn.

Ví dụ, bạn đã đáp ứng thời hạn được giao như thế nào? Bạn có đa nhiệm không? Bạn đã từng đàm phán thành công với bao nhiêu đối tác? Bạn có thể giải quyết tranh chấp cho mọi người trong nhóm?...

image-1-.png

Một số hành động, thành tích bạn có thể cân nhắc cho vào CV như:

  • Thuyết phục những thành viên phản đối để đi đến một quyết định chung.
  • Truyền đạt một thông điệp gây tranh cãi và đạt kết quả tích cực.
  • Tăng thành tích của đội bán hàng.
  • Cải thiện chỉ số hài lòng của khách hàng.
  • Giải quyết xung đột giữa các thành viên trong nhóm

Phù hợp với vị trí ứng tuyển

Khi thể hiện trí tuệ cảm xúc của bạn trên CV xin việc làm, hãy lưu ý đến tính chất vị trí ứng tuyển và môi trường làm việc của công ty đó. Chăm sóc khách hàng, bán hàng, marketing, nhân sự... đều là những công việc cần trí tuệ cảm xúc cao, và đều có trách nhiệm riêng theo ngành cụ thể. Làm việc nhóm, lãnh đạo tập thể, giải quyết xung đột... có thể sẽ hoàn toàn khác nhau trong các môi trường khác nhau. Vì vậy, nghiên cứu kỹ vị trí ứng tuyển là việc không thừa chút nào để có thể chọn ra những kỹ năng, hành động ấn tượng - cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người phù hợp với công ty họ.

Càng cụ thể càng tốt

Càng trình bày cụ thể, CV của bạn sẽ càng thu hút nhà tuyển dụng. Nếu bạn có EQ cao, buổi phỏng vấn là nơi bạn có nhiều cơ hội tỏa sáng, đặc biệt vì người phỏng vấn thường đặt câu hỏi về cách bạn phản ứng trong một số tình huống cụ thể.

Bằng cách làm nổi bật trí tuệ cảm xúc trong CV, bạn có khả năng nhận được nhiều câu hỏi xoay quanh chủ đề đó hơn trong buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, dù muốn cụ thể tới đâu, CV xin việc làm chỉ có đủ không gian cho bạn thể hiện những ý chính mà thôi. Hãy nhớ chuẩn bị các thông tin chi tiết hơn, phong phú hơn về trí tuệ cảm xúc của bạn để hoàn toàn chinh phục nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn.

T/H