Năm cường quốc hạt nhân nói gì về việc sử dụng vũ khí nguyên tử?
Đối ngoại - Ngày đăng : 13:15, 04/01/2022
Năm cường quốc hạt nhân gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ đã ra tuyên bố chung khẳng định quan điểm phản đối sử dụng kho vũ khí hạt nhân vì mục đích tấn công. Các nước cũng cam kết hợp tác cùng nhau trong quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân.
“Chúng tôi khẳng định chiến tranh hạt nhân không thể mang lại chiến thắng và cũng không bao giờ nên xảy ra”, tuyên bố chung của 5 nước được công bố hôm 3/1 nhấn mạnh.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga. (Ảnh: DPA) |
“Việc sử dụng hạt nhân sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường, chúng tôi cũng khẳng định vũ khí hạt nhân chừng nào còn tồn tại chỉ nên phục vụ mục đích phòng vệ, ngăn chặn hành động gây hấn và ngăn chặn chiến tranh”, tuyên bố chung cho hay.
Năm cường quốc hạt nhân cho biết sẽ tiếp tục tuân thủ “các cam kết và thỏa thuận kiểm soát vũ khí, giải trừ, không tăng thêm số lượng cả song phương và đa phương”. Năm nước nhấn mạnh kho vũ khí quốc gia của họ không nhằm tấn công vào bất cứ nước nào.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định tuyên bố chung hiếm hoi thể hiện sự đoàn kết của nhóm P5 là một diễn biến quan trọng đối với an ninh quốc tế.
“Chúng tôi hy vọng trong môi trường an ninh quốc tế phức tạp như hiện nay, việc thông qua một tuyên bố mang tính chính trị của các nhà lãnh đạo P5 sẽ giúp giảm mức độ căng thẳng quốc tế và kiềm chế cuộc đua vũ trang”, RT dẫn lời bà Zakharova.
Nhóm 5 cường quốc hạt nhân hay còn gọi là P5 không phải là những nước duy nhất trên thế giới sở hữu các loại vũ khí nguyên tử. Theo đó, cả Ấn Độ và Pakistan cũng đang nắm trong tay loại vũ khí nguy hiểm này. Israel được cho đã có sẵn một kho hạt nhân. Triều Tiên cũng đã tiến hành thử nghiệm các thiết bị hạt nhân.
Tuyên bố chung của nhóm P5 được đưa ra giữa lúc mối quan hệ giữa một số thành viên trong nhóm đang rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Điển hình, Nga – Mỹ đang tranh cãi về việc các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ được đặt ở châu Âu. Trong khi đó, giới chức Washington cáo buộc Moscow có kế hoạch “xâm chiếm” Ukraine khi điều động số lượng lớn binh sĩ và vũ khí về phía biên giới Ukraine. Về phần mình, điện Kremlin nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.
Trước thời điểm diễn ra cuộc đàm phán giữa NATO và Nga, Mỹ cho biết nước này sẽ không rút vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu. Trong một động thái làm gia tăng căng thẳng, Tổng thống Alexander Lukashenk tuyên bố Belarus có thể trở thành nơi lưu trữ tên lửa của Nga.
Ngoài ra, giới chức Mỹ còn nhiều lần lên tiếng chỉ trích và bày tỏ mối quan ngại trước thông tin Trung Quốc gia tăng nhanh chóng quy mô kho vũ khí hạt nhân.
Bắc Kinh khẳng định nước này thi hành chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên và vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không đe dọa bất cứ quốc gia nào”.
Vào tháng 9/2021, Mỹ - Anh - Australia bất ngờ cho công bố về sự ra đời của liên minh quốc phòng mới mang tên Aukus. Theo nội dung trong thỏa thuận Aukus, Mỹ và Anh sẽ giúp Australia sở hữu 8 tàu ngầm hạt nhân hiện đại để thực hiện những sứ mệnh tầm xa và tàng hình.
Cho tới nay chỉ có 6 nước vận hành tàu ngầm hạt nhân trang bị vũ khí nguyên tử gồm Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nga, Mỹ và Anh. Nếu như dự án Aukus thành công, Australia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân, nhưng không có vũ khí hạt nhân đi kèm.
Ngay sau khi Mỹ - Anh - Australia thông báo về sự ra đời của Aukus, Trung Quốc đã vô cùng tức giận. Bắc Kinh nhấn mạnh Aukus là mối đe dọa “vô trách nhiệm cực lớn” đối với sự ổn định của khu vực.
Ngoài ra, Pháp cũng đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ khi bị “đánh úp”. Nguyên nhân là do sau thông báo tham gia liên minh Aukus, Australia đã hủy bỏ hợp đồng đóng tàu ngầm điện - diesel trị giá 65 tỉ USD với Pháp.
Minh Thu (lược dịch)