Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành: Không thể coi đòn roi là một cách giáo dục
Gia đình - Ngày đăng : 17:02, 03/01/2022
GD&TĐ - Chuyện bé gái 8 tuổi bị dì ghẻ và cha ruột bạo hành đến tử vong khiến xã hội rúng động. Chuyện trẻ em bị bạo hành không mới nhưng mỗi khi có sự việc đau lòng xảy ra, ai cũng thấy xót xa như lần đầu.
Mấy ngày vừa qua dư luận đặc biệt quan tâm đến câu chuyện đau lòng tại thành phố Hồ Chí Minh, đó là việc bé gái 8 tuổi tử vong thương tâm do bị bạn gái của bố bạo hành.
Tại cơ quan công an, dì ghẻ khai rằng sử dụng đòn roi để "dạy dỗ" bé V.A. Đây là một hành vi đáng lên án. Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân, mục đích dạy dỗ con cái của những bậc làm cha mẹ là chính đáng và nó cũng rất khác so với mục đích của những kẻ bạo hành.
Các bậc làm cha mẹ thường sẽ đưa ra những lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm giáo dục của mình. Song, có một vấn đề và câu hỏi lớn được đặt ra ở đây đó là: Cần phân biệt thế nào giữa ranh giới của "yêu cho roi cho vọt" và hành vi bạo hành, ứng xử bằng bạo lực với trẻ?
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân đã có những chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại về vấn đề trên.
- Những vụ bạo hành trẻ em gần như năm nào cũng được truyền thông phản ánh và cứ lặp đi lặp lại. Vậy theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng báo động này?
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân: Các vụ bạo hành trẻ em dẫn đến hậu quả nghiêm trọng liên tiếp xảy ra gây chấn động dư luận xã hội là hồi chuông báo động cho thấy tình hình trẻ bị ngược đãi, xâm hại sức khỏe, thậm chí tính mạng vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch.
Đáng lưu ý, trẻ bị bạo hành ngay tại gia đình bởi chính người thân, ruột thịt, người có trách nhiệm chăm sóc trẻ chiếm tỷ lệ cao để lại những hệ lụy ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và tương lai của trẻ về sau.
Có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ bị bạo hành ngay tại gia đình:
Thứ nhất, phần lớn trường hợp trẻ bị bạo hành có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, bố mẹ ly hôn trẻ phải sống cùng bố dượng hoặc mẹ kế; bố mẹ có lối sống lệch lạc, phóng túng, vướng mắc các tệ nạn xã hội như nghiện rượu, ma túy, cờ bạc...hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Mặt khác, bố mẹ hoặc người có trách nhiệm chăm sóc trẻ hạn chế hiểu biết pháp luật và quyền trẻ em, thiếu khả năng nhận thức về nguy cơ và các biện pháp phòng ngừa bảo vệ trẻ khỏi bạo hành.
Thứ hai, thực trạng trẻ bị bạo hành cũng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng trong đại dịch COVID-19. Nguyên nhân một phần do bố mẹ quá căng thẳng và kiệt sức trước ảnh hưởng của dịch bệnh, chịu nhiều áp lực liên quan đến công việc, tài chính, việc nhà và trách nhiệm chăm sóc trẻ, hỗ trợ trẻ trong việc học online…khiến cho căng thẳng gia đình leo thang. Bị mất khả năng quản lý cảm xúc, nhiều người đã phản ứng với trẻ bằng thái độ tức giận, quát mắng, thậm chí dùng đòn roi một cách thường xuyên. Và nguồn cơn của những câu chuyện đau lòng, ám ảnh cũng bắt đầu từ đây.
Thứ ba, vai trò của các cấp chính quyền, đoàn thể, và nhà trường trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em chưa đạt hiệu quả cao. Nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành không được phát hiện kịp thời, xử lý đúng mức.
Lực lượng cơ sở phụ trách tuyên truyền về phòng ngừa bạo hành gia đình còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ do hạn chế về kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn. Điều đó cũng lý giải tại sao tình trạng bạo hành trẻ em đang đứng trước nguy cơ tái diễn trở lại.
-Bà nghĩ gì về việc cha mẹ quát mắng, dùng đòn roi là một cách dạy trẻ?
Nhà giáo dục người Séc John Amos Comenius từng nói: "Những đứa trẻ mắc lỗi nên bị phạt, nhưng chúng bị phạt không phải do mắc lỗi, mà vì muốn chúng không mắc sai lầm tương tự trong tương lai”.
Vì vậy, điều quan trọng nhất làm sao để trẻ nhận ra lỗi của mình, và không lặp lại chứ không phải la hét hoặc dùng đòn roi để trừng phạt. Đó không bao giờ là phương pháp giáo dục con phù hợp khi bạn mất bình tĩnh và trút cơn giận lên trẻ.
Tuy nhiên, cách dạy con mang tính chất bạo lực này vẫn còn phổ biến ở Việt Nam và vẫn là một tiêu chuẩn được xã hội chấp nhận, như câu nói “ thương cho roi, cho vọt”. Theo số liệu thống kê của tổ chức Unicef Việt Nam có đến 68,5% trẻ em trong độ tuổi 1-14 tuổi từng bị bạo hành, hoặc về tinh thần, hoặc về thể chất, thậm em là cả hai bởi bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ trong gia đình.
Dù vậy, bất luận thế nào cũng đừng sử dụng bạo lực như một cách để dạy trẻ. Bởi trong bất cứ tình huống nào, đánh trẻ chưa bao giờ là một cách thể hiện tình yêu thương con hoặc phương pháp giáo dục đúng nghĩa. Thực tế hậu quả của việc đánh con khủng khiếp hơn nhiều người nghĩ. Những trận đòn roi không chỉ gây ra nỗi đau về thể xác mà còn để lại những vết hằn tâm lý sâu sắc mãi về sau.
- Việc bố mẹ dùng đòn roi, bạo hành tinh thần sẽ gây ra những tổn thương, rối loạn tâm lý gì ở trẻ?
Tất cả những hành vi bạo hành thể chất hoặc tinh thần đối với trẻ như đánh đập, chửi mắng, thường xuyên bị ngược đãi, bỏ mặc…có thể dẫn đến những mối nguy hại tiềm tàng hoặc hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ cũng như mối quan hệ giữa trẻ và bạn.
Các nghiên tâm lý-xã hội học cho thấy việc dùng đòn roi là con đường nhanh nhất đẩy trẻ đến những nguy cơ tổn thương nặng nề về tâm lý như bị trầm cảm, rối loạn lo âu... từ đó trẻ có thể trở nên sống khép kín, gặp trở ngại trong việc học tập, công việc và kết nối xã hội. Hoặc Không ít trường hợp bị méo mó, lệch lạc về tâm lý-là hệ quả của những trải nghiệm tồi tệ của trẻ trong thời thơ ấu, khiến trẻ có xu hướng dễ bị lạm dụng, hoặc trở thành kẻ lạm dụng, hoặc trở nên hung hăng, lặp lại hành vi bạo lực đối với người phụ thuộc mình.
Thực tế phương pháp dạy con bạo lực không có tác dụng gì khác ngoài việc để lại những chiếc gai độc đâm vào tim con trẻ. Những hậu quả về tâm lý này thường tốn kém rất nhiều thời gian và công sức để có thể chữa lành. Vì vậy, cố gắng kìm chế, dừng lại và suy nghĩ trước khi đánh con hoặc có những lời nói gây tổn thương con sâu sắc. Dạy con bằng “ đòn roi” để lại những hậu quả nghiêm trọng hơn bạn nghĩ.
- Xin chuyên gia chia sẻ các giải pháp để có thể ngăn chặn, giải quyết vấn nạn bạo hành trẻ trong gia đình?
Các vụ bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid là hồi chuông báo động chúng ta cần củng cố hệ thống bảo vệ phụ nữ và trẻ em mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để ứng phó với vấn nạn bạo hành. Bao gồm việc đảm bảo mọi trẻ em có được môi trường gia đình thân thiện, tiếp cận hỗ trợ tư pháp và bảo vệ khỏi bị bạo hành, lạm dụng và bóc lột.
Hầu hết các vụ bạo lực trẻ em xảy ra ngay trong chính ngôi nhà thân yêu của trẻ. Do đó, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về quyền trẻ em, phổ biến các chương trình dạy kỹ năng làm cha mẹ tích cực là trọng tâm trong hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng kỷ luật bạo lực trong gia đình đối với trẻ.
Bố mẹ/người chăm sóc trẻ/thầy cô giáo cần thường xuyên gần gũi quan tâm, nhận biết các dấu hiệu trẻ bị bạo hành/xâm hại để can thiệp kịp thời. Trong trường hợp người thân là đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ thì cần lập tức đưa trẻ ra khỏi môi trường thiếu an toàn, đến nơi có đủ điều kiện, khả năng bảo vệ, chăm sóc trẻ.
Quản lý cảm xúc của bản thân cũng là kỹ năng bố mẹ cần rèn luyện để tránh trường hợp chính mình gây bạo lực tinh thần và thể chất đối với con. Nếu bố mẹ đang gặp khó khăn trong vấn đề dạy dỗ trẻ, hãy liên hệ với nhà trường, thầy cô giáo của con hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn tìm ra những phương pháp giáo dục trẻ khác mà không dùng đến “ đòn roi”.
Bên cạnh đó, tùy theo độ tuổi mà có phương pháp phù hợp dạy trẻ kỹ năng nhận diện nguy cơ xâm hại và bạo lực gia đình là vô cùng quan trọng. Trẻ cần biết con có quyền được sống trong một môi trường an toàn.
Không một ai được phép ngược đãi hoặc tổn hại đến con về thể chất hay có lời lẽ không phù hợp khiến con bị tổn thương. Nếu điều đó xảy ra con nên nói sự thật với người lớn-bố mẹ/người chăm sóc con, thầy cô giáo của con hoặc gọi đến đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111 hoặc 113 hoặc chạy đến đồn công an gần nhất để được giúp đỡ.
Hãy lập tức gọi đường dây nóng trợ giúp nếu chứng kiến trẻ bị bạo lực, xâm hại mà bạn không tự giải quyết được:
- Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111.
- Gọi cảnh sát 113 hoặc trình báo tới Cơ quan công an gần nhất.
- Ngôi nhà Bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 1900.969.680.
- Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp & Ủy ban nhân dân cấp xã/phường nơi xảy ra vụ việc.