Tiềm năng thể thao điện tử eSports tại Việt Nam
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 13:01, 02/01/2022
Với doanh thu năm 2019 chính thức vượt mốc 1 tỷ USD, thể thao điện tử (eSports) đã trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ tại nhiều quốc gia, thậm chí được định vị là ngành kinh tế số mũi nhọn, cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển.
eSports "khai sinh" nhiều nghề mới
Tại Việt Nam, bộ môn này được giới trẻ chơi và xem rất nhiều. Các trận thi đấu thể thao điện tử trong nước và quốc tế đều được hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt xem livestream trong những trận chung kết. eSports thậm chí đã trở thành bộ môn thi đấu chính thức tại hai kỳ SEA Games 30 và 31. Năm 2019, Appota công bố có 18 triệu người Việt chơi các bộ môn eSports.
eSports đang tạo cú hích cho sự phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam khi "khai sinh" thêm rất nhiều ngành nghề mới. Ngoài các vai trò tuyển thủ, huấn luyện viên, eSports là một hệ sinh thái khổng lồ quy tụ nhân lực của các công ty quản lý, tổ chức sự kiện, streaming… Thậm chí nội dung số, tài trợ và quảng cáo, cung cấp mạng, cung cấp thiết bị công nghệ… cũng có thêm dư địa để phát triển.
Đặc biệt, những ngành nghề thuộc “tảng băng chìm” trong hệ sinh thái của eSports như kỹ sư lập trình game, thiết kế game cũng bắt đầu được chú trọng và đầu tư hơn, tạo tiền đề cho xu hướng đào tạo nguồn nhân lực đặc thù công nghệ cao cho ngành.
Các ngành nghề khác như streamer/creators cũng rất phát triển và có thu nhập ổn định cao. Không xa lạ với các creators hàng đầu hiện nay như Độ Mixi, VirusS, Misthy, Linh Ngọc Đàm hay Pewpew, đều là những KOL rất có tiếng nói trong giới trẻ và được các nhãn hàng ưu ái.
Hiện nay trên thế giới, cử nhân eSports là ngành học chính thức của nhiều trường danh giá như Đại học Toronto (Canada), Top 30 Đại học danh giá nhất thế giới, Đại học California, Đại học Michigan (Mỹ), Đại học Chung-Ang và Đại học Sogang Hàn Quốc…. Năm 2018, Việt Nam cũng đã xuất hiện Học viện CNTT Intek – ngôi trường đầu tiên chuyên đào tạo về eSports, cho thấy đây là lĩnh vực đầy tiềm năng.
Thu nhập ngày càng "khủng"
Bên cạnh ngành nghề mới, cộng đồng eSports tại Việt Nam cũng được chú trọng phát triển với các nỗ lực đến từ những nhà phát hành game hàng đầu. Chẳng hạn, ngay từ năm 2015, hơn 500 giải đấu bán chuyên đến chuyên nghiệp đã được tổ chức bởi 3Q Củ Hành (tựa game VNG phát hành) song song cùng hàng ngàn giải đấu cộng đồng khác.
Gần đây nhất, để khởi động hướng đến PUBG Mobile Pro League mùa 3, VNG đã tăng giải thưởng gấp đôi cho hệ thống giải đấu PUBG Mobile năm 2021, lên tới 11,5 tỷ đồng so với 6 tỷ đồng năm 2020.
Không chỉ mang đến cơ hội đa dạng cho thị trường lao động, nguồn nhân lực trong ngành eSports còn có mức lương thuộc tốp khủng. Nếu thế giới có tuyển thủ hàng đầu người Đan mạch Johan "N0tail" Sundstein với mức thu nhập cao nhất thời đại 6,9 triệu USD tiền thưởng thì Việt Nam có Lê Quang Duy (SofM) với thu nhập 5,5 tỷ đồng/tháng.
Ngoài nguồn thu hàng trăm triệu đồng sau mỗi giải đấu, tuyển thủ còn có thể thu hút nhà tài trợ lớn nhỏ theo các hình thức khác nhau như KOLs, quảng cáo, tài trợ hoặc bán các sản phẩm...
Trên thế giới, mặc dù dịch bệnh COVID-19 hoành hành, doanh thu năm 2020 của eSports vẫn vô cùng “khủng” với 950,3 triệu USD. Theo App Annie, 3 tựa game được chơi nhiều nhất trong đại dịch là PUBG Mobile, Liên quân Mobile và Garena Free Fire đã tăng trưởng trung bình 165% số lượt tải trên Android trong thời gian dịch.