Cơ hội lịch sử để chuyển đổi “xanh”
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 07:41, 01/01/2022
1. COP26 lẽ ra được tổ chức vào năm 2020, song vì dịch Covid-19 nên Liên Hợp Quốc quyết định dời lại 1 năm. Nhưng chính đại dịch lại tạo ra động lực mới, đòi hỏi sự phản ứng toàn cầu thống nhất trước khi thế giới tiến tới “điểm không thể quay đầu”.
Cùng với đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu càng ngày càng hiện hữu rõ nét hơn. Tháng 8/2021, Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố Báo cáo AR6 gây chấn động. Báo cáo nhìn nhận hậu quả của biến đổi khí hậu có thể tồi tệ hơn nhiều nếu nhân loại không nắm bắt tức thì "cơ hội mong manh còn lại" để ngăn nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tại Việt Nam, cuối năm 2021, Bộ TN&MT đã công bố bản cập nhật mới nhất Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Các dấu hiệu thời tiết cực đoan càng hiện hữu rõ nét. Đặc biệt, mức độ ngập lụt của Đồng bằng sông Cửu Long có thể tồi tệ hơn so với tính toán trước đây. Ở Kịch bản năm 2016, nếu mực nước biển dâng 100cm, 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập cao, thì tại Kịch bản cập nhật năm 2020, nguy cơ ngập có thể lên đến 47,29% diện tích vùng đất này.
COP26 diễn ra giữa bối cảnh 2 thách thức lớn về sức khỏe và biến đổi khí hậu đang đe dọa trực tiếp sự tồn vọng của nhân loại. Ta hình dung, loài người đang trong cuộc chạy đua để bảo vệ chính mình khi đằng sau là hai con thú dữ. Chúng ta chỉ có tiến và phải tiến rất nhanh.
2. Không phải ngẫu nhiên mà COP26 chọn chủ đề “Đoàn kết thế giới để ứng phó với biến đổi khí hậu”. Bởi đây là thời điểm vẫn có thể cứu vãn được khí hậu trái đất nếu các quốc gia biết đoàn kết, cùng hành động.
Trong gần 3 thập kỷ tổ chức các kỳ COP, nhiều mâu thuẫn giữa các quốc gia khiến thảo luận có lúc đi vào bế tắc. Song càng ngày, thách thức biến đổi khí hậu càng khốc liệt khiến các quốc gia phải biết dung hòa giữa lợi ích riêng và lợi ích toàn cầu.
Liên Hợp Quốc và nước chủ nhà COP26 - Anh quốc đã rất khôn khéo trong việc lôi kéo các quốc gia vào trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó là thay vì đưa ra một tuyên bố với nhiều cam kết, COP26 đã chia ra nhiều cam kết nhỏ.
Việt Nam ghi dấu ấn bằng việc cam kết thực hiện hầu hết các tuyên bố tại COP26. Nổi bật nhất là cam kết đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050. Ngoài ra, Việt Nam cam kết giảm phát thải 30% khí metan toàn cầu vào 2030 so với 2020; cam kết không khai thác gỗ từ rừng và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030; đồng thời tăng nguồn tài chính cho bảo vệ và phát triển rừng bền vững; Tuyên bố chung dừng sử dụng điện than. Tất cả các mục tiêu này chỉ hoàn thành khi các quốc gia cùng nhau thực hiện.
“Để chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu với biến đổi khí hậu, đoàn kết toàn cầu là cách thức duy nhất, chúng ta cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng: Bắt đầu từ ý chí, nhận thức và giải pháp, tổ chức thực hiện cho đến đảm bảo nguồn lực”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Ở bình diện trong nước, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhìn nhận, một trong những thách thức tại Việt Nam là huy động và duy trì sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị với quyết tâm kiên định. Bởi trong tháng 11 hay tháng 12/2021 này, những cam kết còn rất “nóng” trên truyền thông, mang đến cho mọi người động lực thay đổi. Nhưng quá trình chuyển đổi xanh vô vàn khó khăn do thiếu nguồn lực, công nghệ, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện… rất có thể khiến ta nản lòng. Cách nào để thổi lên ngọn lửa ấy? Ấy là lúc cần sự đoàn kết, bền bỉ. “Muốn đi xa phải đi cùng nhau” là vì vậy.
Thực tế, trong những năm qua, sự đoàn kết, liên kết, hợp tác chính là chìa khóa thành công trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khoảng gần 2 thập kỷ trước, “biến đổi khí hậu” còn là một thuật ngữ xa lạ với công chúng thì nay người nông dân đã biết “chung sống với lũ”, thay đổi cơ cấu cây trồng…
Hơn 15 năm trước, hệ thống luật pháp vắng bóng các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu thì nay, trong Luật Bảo vệ môi trường mới nhất, Việt Nam đã có 1 Chương về nội dung này. Trong số 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường thì riêng 1 Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô dôn.
Là quốc gia có ưu thế về rừng và có tiềm năng giảm phát thải, chúng ta đã ký kết các thỏa thuận trao đổi tín chỉ các-bon để dần hình thành một thị trường mới - thị trường các-bon. Nguồn lực hỗ trợ quốc tế liên tục tăng cả về nguồn vốn lẫn số lượng đối tác. Việt Nam có quyền hy vọng về một sự hợp lực lâu dài trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu này.
3. Tại Hội nghị trực tuyến công bố kết quả COP26 với hơn 450 điểm cầu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ, khủng hoảng sức khỏe do dịch Covid-19 kéo theo khủng hoảng kinh tế - xã hội toàn cầu, khủng hoảng môi trường khí hậu đều có điểm chung là do nhân loại có những hành vi ứng xử chưa phù hợp với tự nhiên. Đã đến lúc cần thay đổi.
Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP đã đưa tư tưởng “thuận thiên”, sống hài hòa với thiên nhiên vào ứng phó với biến đổi khí hậu. Để hiện thực hóa các cam kết tại COP26, Việt Nam đã xác định cần thay đổi mô hình tăng trưởng sang hướng ít phát thải, kinh tế tuần hoàn. Đó chính là hiện thực hóa tư tưởng “thuận thiên”.
“Chúng ta đứng trước cơ hội chấm dứt lịch sử lâu dài của loài người với tư cách là kẻ chinh phục thiên nhiên, thay vào đó trở thành những người trông coi và chăm sóc thiên nhiên”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson
Thuận thiên trong sử dụng năng lượng là điểm chốt quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ đề xuất chính sách hướng vào cải cách hành chính để thu hút nguồn lực, phát triển năng lượng tái tạo. Các Bộ, ngành sẽ điều tra khảo sát biển phục vụ quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi. Bộ Công Thương chủ trì rà soát Quy hoạch điện VIII với ưu tiên năng lượng tái tạo; Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu lộ trình chấm dứt việc sản xuất xe chạy bằng xăng, dầu, chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển năng lượng mới như năng lượng hydro, năng lượng sóng biển, địa nhiệt, phương án phát triển điện hạt nhân…
Chỉ sau hơn 1 tháng khi COP26 kết thúc, Việt Nam đã có Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu do Thủ tướng làm Trưởng ban, 1 Phó Thủ tướng làm Phó trưởng Ban cùng 12 Bộ trưởng là Ủy viên. Việc người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, kết nối tất cả các Bộ, ngành được kỳ vọng sẽ “thông đồng bén giọt” trong triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, vốn có đặc thù về tính liên vùng, liên ngành. Chúng ta đang đứng trước thời cơ lịch sử về chuyển đổi xanh!.