Lạng Sơn hỗ trợ tiêu thụ nông sản ùn tắc qua nền tảng số
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 11:30, 31/12/2021
Sở Thông tin-Truyền thông (TT-TT) Lạng Sơn đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), Tổng Công ty Cổ phần bưu chính Viettel (ViettelPost), Công ty Cổ phần Công nghệ cuccu.vn triển khai hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang ùn tắc tại các cửa khẩu đưa mặt hàng nông sản lên cửa hàng số của các sàn thương mại điện tử langson.voso.vn, langson.postmart.vn, cuccu.vn, tiêu thụ phân phối sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là khu vực Hà Nội. Bên cạnh đó, xây dựng phương án truyền thông với nhiều hình thức, thiết lập đường link mua hàng riêng, nhắn tin đến thuê bao di động, tổ chức mạng lưới cộng tác viên vận chuyển để tiêu thụ hàng nông sản nhanh nhất với chất lượng tốt nhất đến người mua trên sàn thương mại điện tử.
Sở TT-TT Lạng Sơn cũng đề nghị các đơn vị chủ động liên hệ với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang ùn tắc tại tỉnh Lạng Sơn để phối hợp tiêu thụ hàng nông sản và thống nhất cùng giá mua, giá bán trên sàn thương mại điện tử.
Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục phổ biến, thực hiện mua hàng nông sản trên sàn thương mại điện tử, triển khai đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý tăng cường mua sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử, vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng ứng.
Thực hiện yêu cầu của tỉnh Lạng Sơn, từ chiều 30/12, 3 sàn thương mại điện tử đã khẩn trương đưa hàng nông sản lên các cửa hàng số để hỗ trợ ngay cho người dân, doanh nghiệp, riêng sàn cuccu.vn chỉ sau nửa ngày đã bán được hơn 7 tấn thanh long.
Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Giám đốc Bưu điện tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Hôm nay chúng tôi cũng đang khẩn trương làm việc với các chủ hàng để lấy các mặt hàng nông sản như thanh long, xoài, mít… đưa lên các cửa hàng số. Trước đấy chúng tôi cũng đã vận động trong nội bộ với tinh thần thấy bà con tiêu thụ như thế nào thì cũng vận động các gia đình của anh chị em trong Công ty hỗ trợ tiêu thụ như thế để giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Hiện tại thì chúng tôi tiếp tục tăng số lượng nông sản bị ùn ứ lên sàn điện tử và thực hiện truyền thông cho các tỉnh, thành để họ có sự hỗ trợ giúp địa phương”./.