Bố sốc nặng khi con trai mắc di chứng hậu Covid-19, sốt 20 ngày không hết: Bác sĩ BV Nhi đồng 2 chỉ ra bệnh lý nguy hiểm
Tin Y tế - Ngày đăng : 08:31, 31/12/2021
Song song với những di chứng nặng nề do Covid-19 gây ra cho người lớn, ở trẻ em, ngoài việc hoảng loạn, sợ hãi về tâm lý, Hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến Covid-19 (MIS-C) cũng là một căn bệnh nguy hiểm mà các phụ huynh cần đặc biệt lưu ý.
Người bố sốc nặng khi biết con trai mắc di chứng hậu Covid-19
Sau hơn 2 tuần sốt cao không giảm, dù đã đi nhiều bệnh viện, uống thuốc liều cao nhưng em Nguyễn Trọng Nghĩa (12 tuổi, ngụ TP. Dĩ An, Bình Dương) vẫn không khỏi khiến gia đình vô cùng lo lắng. Đến ngày thứ 18, Nghĩa mới được nhập viện Nhi đồng 2, TP.HCM để điều trị nội trú.
Con trai sốt cao 20 ngày không hết, người bố sốc nặng khi biết do di chứng hậu Covid-19 để lại
BS. Phượng đưa ra lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh
“Tất cả những trẻ trong khoảng từ 2-6 tuần sau khi nhiễm Covid-19 hoặc sống cùng nhà với các thành viên trong gia đình đã từng nhiễm Covid-19, mà có những triệu chứng như sốt kéo dài, phát ban ngoài da, triệu chứng đường tiêu hóa, đường hô hấp thì nên đưa bé tới cơ sở y tế để các y bác sĩ kiểm tra để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra”, BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói.
Nhiều trẻ rối loạn cảm xúc, hành vi hậu nhiễm Covid-19
Theo Th.S Tâm lý Mai Thị Nguyệt, BV Nhi đồng 2 cho biết thời gian vừa qua, khoa Tâm lý có tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi đến điều trị trong tình trạng tâm lý bất ổn, có sự rối loạn về mặt cảm xúc, hành vi.
Khoa Tâm lý - BV Nhi đồng 2 đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhi hoảng loạn, lo sợ sau khi đã khỏi Covid-19 hoặc các bé có bố mẹ, người thân mất vì Covid-19
"Bé tỏ ra khó chịu, né tránh không muốn giao tiếp với người khác hoặc có những hành vi lặp đi lặp lại. Nhiều khi trong đêm các bé hốt hoảng, không ngủ được, ban ngày thì mệt mỏi, khó thở, nhức đầu, không thể học được nữa… Từ tâm lý rối loạn như vậy thì sẽ có những dấu hiệu rối loạn về mặt cơ thể như tiêu chảy, khó thở, tim đập nhanh, khi nhập viện, các y bác sĩ sẽ kiểm tra lại về mặt thực thể, đồng thời khoa Tâm lý cũng hỗ trợ điều trị mặt tâm lý cho các bé", Th.S Nguyệt cho biết.
Vì đến bệnh viện trong tình trạng sợ hãi, các bé thường ngồi nép mình, né tránh mọi thứ và không muốn trả lời các câu hỏi của bác sĩ tâm lý. Điều đầu tiên, Th.S Nguyệt cho biết cần phải tạo niềm tin với các bé, giúp bé tin tưởng, cảm giác an toàn rồi thì bé mới chia sẻ được cảm xúc của bé với người đối diện.
Th.S Tâm lý Mai Thị Nguyệt chia sẻ cách giúp các bé vượt qua khủng hoảng
"Khi mà mình chạm được nỗi đau của các bé thì bé khóc rất là nhiều và gần như những lần tiếp xúc đầu, bé không hợp tác với mình. Mình cần làm sao cho những đau khổ nội tại của các bé được cất lên thành lời.
Đối với những bé còn gia đình sẽ đỡ hơn chứ những bé có người thân mất trong đại dịch Covid-19, việc điều trị cho bé phải mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều giai đoạn mới có thể ổn định được tâm lý.
Khi các bậc phụ huynh thấy bé có biểu hiện hốt hoảng, run sợ, nói nhiều hoặc không nói, khép mình lại… phụ huynh cần tạo được niềm tin, kích thích sự an toàn cho bé. Người thân phải biết chấp nhận tất cả những biểu hiện của bé không nên chặn đứng những biểu hiện đó mà phải giúp cho bé bộc lộ hết ra, phải hiểu thấu cảm nỗi đau của bé và chấp nhận điều đó vô điều kiện, từ đó mới giúp bé cảm thấy đây là môi trường an toàn để chia sẻ với mình được", Th.S Tâm lý Mai Thị Nguyệt chia sẻ.
Đối với các bé có vấn đề về mặt tâm lý, các bậc phụ huynh cần quan tâm, theo dõi, đồng cảm với các hành động của con, trở thành nơi tin tưởng giúp con vượt qua nỗi sợ hãi để ổn định lại tinh thần, tránh bệnh lý ngày một nặng hơn...