Cựu Thứ trưởng "bật mí" câu chuyện Giá Lương Tiền thời "dò đá qua sông"

Xã hội - Ngày đăng : 05:23, 30/12/2021

Cuộc trao đổi với chuyên gia quốc tế về tiền lương khiến 2 bên đều toát mồ hôi nhưng không hiểu được nhau. Lương của họ theo cơ chế thị trường. Còn ta là hiện vật, tiền mặt và liên tục điều chỉnh".

"Cuộc trao đổi với chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế về tiền lương khiến 2 bên đều toát mồ hôi nhưng không hiểu được nhau. Lương của họ theo cơ chế thị trường. Còn ta là hiện vật, tiền mặt và liên tục điều chỉnh...". 

Những ngày cuối năm 2021, bên tách trà nóng, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhớ lại những ký ức về câu chuyện xây dựng chính sách tiền lương thời mở cửa, cải cách tiền lương năm 1993, tinh giản biên chế và hội nhập ngày nay.

Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 1
Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 2

Thưa ông, câu chuyện giá - lương - tiền của năm 1985 hẳn còn đọng lại trong những người làm chính sách tiền lương như ông nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

- Đúng vậy. Từng là một trong những người tham gia xây dựng chính sách tiền lương, tôi nhận thấy chính sách khi đó thực sự có tác động lớn nhưng khó khăn phức tạp, gắn chặt với điều kiện kinh tế xã hội của từng thời kỳ. Chính sách này liên quan đến sự cân đối vĩ mô, hiệu quả của doanh nghiệp và đời sống hàng triệu người lao động hưởng lương. Đặc biệt còn xuất phát từ các chủ trương đường lối đổi mới, hội nhập Đảng nhất là Nghị quyết Đại hội VI năm 1986.

Nhiều bài học đau xót nhưng cần thiết phải có từ những sự kiện này. Bởi chỉ sau khi đổi tiền, cải cách tiền lương một thời gian ngắn, lạm phát tăng cao tới gần 800%. Giá cả leo thang và đồng tiền mất giá, tiền lương thực tế bị giảm sút nghiêm trọng. Lúc đó, những người làm chính sách lương hay đùa với nhau về câu nói mô tả tình cảnh: "Giá chạy trước - lương đuổi theo sau nhưng đuổi mãi cũng chẳng kịp".

Thời kỳ đó, tiền lương của người lao động được tính bằng hiện vật thông qua chế độ tem phiếu và tiền mặt. Quá trình sản xuất và phân phối đều do Nhà nước độc quyền thực hiện

Tôi cho rằng, ý tưởng đổi mới trong tình hình kinh tế khó khăn là thực sự đáng quý. Nhưng những ý tưởng đó gặp phải nhiều lực cản từ hậu quả của một thời gian dài bao cấp trước đó, rồi lực lượng sản xuất còn nghèo nàn và lạc hậu, quan hệ sản xuất không phù hợp, tình trạng duy trì chính sách từ thời chiến "tất cả cho tiền tuyến".

Nhiều khó khăn thiếu thốn trong xã hội, sản xuất hàng hóa thì không dựa trên nhu cầu của thị trường mà theo kế hoạch tập trung quan liêu của Nhà nước, cung không đủ cầu lại còn gặp tình trạng bao vây cấm vận.

Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 3
Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 4

Giai đoạn 1985-1990, tình hình lạm phát gia tăng. Nhưng sau đó, Chính phủ đã có nhiều biện pháp điều chỉnh khiến lạm phát dần giảm đi và từng bước kiểm soát được tình hình.

Dù sao qua đó, chúng ta cũng ít nhiều có được những bài học cho các lần cải cách tiền lương sau này.

Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 5
Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 6

Sau giai đoạn lạm phát phi mã giữa những năm 1985-1988, chính sách tiền lương đã cải cách sâu rộng và triệt để hơn vào năm 1993 ra sao, thưa ông?

- Điểm đáng lưu ý nhất trong quá trình triển khai cải cách tiền lương giai đoạn 1993 là hướng tới "lương đủ sống" và các yếu tố khác của thị trường.

Đề án được chuẩn bị dựa trên sự nghiên cứu của 7 cơ quan, tổ chức và được triển khai thận trọng, từng bước. Nội dung cải cách gồm lương tối thiểu, quan hệ tiền lương, thang bảng lương và cơ chế quản lý tiền lương.

Để chuẩn bị cho cải cách, từ năm 1990, việc "tiền tệ hóa tiền lương" đã được tiến hành nhanh và được thúc đẩy nhanh hơn. Tiền lương tối thiểu của người lao động được bao gồm chi phí nhà, tiền khám chữa bệnh, tiền học phí cho con cái… Điều này nhằm từng bước xóa đi tình trạng tiền lương vốn được tính làm 2 phần, gồm tiền mặt và hiện vật tính cả trên đầu người trong gia đình, không phản ánh đúng giá trị của bản chất lao động.

Khi đó tôi nhớ là, nếu trong gia đình có một người đi làm có đông người ăn theo, dù lương tính bằng tiền rất thấp nhưng nếu quy phần hiện vật của cả số người ăn theo ra tiền thì lương thực tế lại rất cao.

Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 7
Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 8

Về tiền lương tối thiểu ban đầu được tính toán là 120.000 đồng, nhưng bước ban đầu mới thực hiện ở mức 85.000 đồng.

Quan hệ tiền lương giữa tối thiểu - trung bình - tối đa được mở ra để giảm bớt tính bình quân. Hệ thống bảng lương được thiết kế lại theo ngạch bậc, mức lương được tính bằng hệ số nhân với mức lương tối thiểu. Lương chức vụ đối với cán bộ được tính bằng lương chuyên môn cộng phụ cấp chức vụ …

Khi đó, khu vực doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng cần được "cởi trói" theo nguyên tắc tiền lương trong kinh tế thị trường mà các doanh nghiệp FDI đang thực hiện. Đó là tiền lương hình thành trên cơ sở thỏa thuận gắn với năng suất lao động và mặt bằng tiền công thực tế của thị trường lao động.

Lương là chi phí và phải tương xứng với giá cả sức lao động. Muốn là như vậy nhưng thực tế cũng gần 20 năm mới làm được điều này. Đồng thời, khu vực sự nghiệp cũng cần phải đổi mới nhưng phải từng bước và cho đến nay khu vực này vẫn cần tiếp tục cải cách. Còn đối với khu vực hành chính hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì phải điều chỉnh theo khả năng ngân sách của từng thời kỳ nên thường phải đi chậm hơn.

Đầu những năm 1990, nhiều người vẫn còn nhớ cuộc "đại phẫu" lớn trong bộ máy nhà nước. Theo đó hàng triệu người lao động đã được tinh giản biên chế. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra sự nhìn nhận rõ hơn về việc "mua bán" sức lao động, thưa ông?

- Cuộc "đại phẫu" về sắp xếp lại lao động trong cả 2 khu vực, các đơn vị kinh tế quốc doanh dựa theo Quyết định 176/HĐBT năm 1989, nhiều người vẫn gọi nôm na là chế độ 176. Mục tiêu của chính sách nhằm giảm bớt sự cồng kềnh của bộ máy, qua đó nâng cao năng lực và có điều kiện để điều chỉnh tiền lương người lao động theo hướng thực tế hơn.

Chúng ta đã làm cuộc tinh giản biên chế với quy mô lớn chưa từng có: Hàng triệu lao động trong khu vực các thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung và các địa bàn trọng điểm thuộc diện dôi dư được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc, từng bước chuyển sang làm việc ở các thành phần kinh tế khác.

Tôi nhớ khi đó, quy định chung là mỗi lao động bị tinh giản biên chế sẽ được tính cứ mỗi năm công tác liên tục được trợ cấp một tháng lương cơ bản và do đơn vị trả.

Trợ cấp được trả một lần và bằng tiền mặt. Nhà nước chỉ trợ giúp một phần đối với đơn vị có nhiều khó khăn nhưng tối đa không quá một nửa số trợ cấp, phần trợ giúp này phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể…

Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 9
Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 10

Thưa ông, trong thời kỳ tinh giản biên chế đó, việc điều chỉnh chính sách về việc làm được hình thành ra sao khi Bộ Luật Lao động chưa ra đời?

- Cũng trong giai đoạn này đã nhen nhóm cho việc hình thành thị trường lao động, chuyển chế độ tuyển dụng vào biên chế và làm việc suốt đời sang chế độ làm việc theo hợp đồng lao động…

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khi đó là ông Trần Đình Hoan đã phụ trách xây dựng dự thảo về Pháp lệnh về hợp đồng lao động. Trong thiết kế chính sách, một nội dung gây tranh cãi nhau kịch liệt lúc đó là quy định về thuê mướn lao động.

Để xây dựng được chính sách, chúng tôi phải bám vào lý thuyết kinh điển mà "chẻ" chữ ra nhằm phân biệt con người và sức lao động của con người, trong đó cái nào là hàng hóa thì có thể mua bán được.

Mọi việc rồi cũng đi theo dòng quy luật tất yếu. Nửa cuối năm 1990, Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh hợp đồng lao động và đến tháng 5/1992 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 165 - HĐBT ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành pháp lệnh này. Sự kiện như một sự đánh dấu mới về xác nhận mối quan hệ trên thị trường lao động, bắt đầu chấp nhận việc trả công từ hoạt động thuê mướn lao động.

Bây giờ nhìn lại thì thấy bình thường, chứ lúc đó, khái niệm thuê mướn lao động và trả công cho thuê mướn lao động được đưa vào chính sách là điều mới mẻ và nhạy cảm.

Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 11
Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 12

Khi đó, Bộ trưởng Trần Đình Hoan có nói với chúng tôi rằng, chúng ta chưa có mô hình nào để tham khảo thì cần vừa làm vừa nghiên cứu. Mọi thứ cứ như "dò đá qua sông". Chính sách tiền lương, thị trường lao động cũng thế, cứ làm để đáp ứng mục tiêu: "Nơi nào có cầu thì cung sẽ phải xuất hiện".

Một điều đặc biệt có trong giai đoạn này là việc xây dựng trình Quốc hội ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về pháp luật Lao động. Đây là khuôn khổ pháp luật đầu tiên về việc làm, thị trường lao động, tiền lương, quan hệ lao động v.v.. Đây là tiền đề cho việc sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh Bộ luật Lao động các năm sau này.

Có thể nói công việc bề bộn, nhóm làm tiền lương chúng tôi phải làm việc với cường độ khá căng để kịp tiến độ công việc. Khi đó, chúng tôi không có ngày nghỉ cuối tuần, sáng 7h có mặt ở cơ quan, 22h tối mới về nhà.

Vì lúc đó Bộ LĐ-TB&XH được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách lương cho cả khu vực hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang và doanh nghiệp. (Sau này, phần tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp chuyển giao sang Bộ Nội vụ).

Vậy trong xây dựng các Lao động năm 1995 và các Bộ Luật Lao động sau này, quy trình về tiền lương đã được ổn định hơn, thưa ông?

- Tới giai đoạn chuẩn bị xây dựng Bộ Luật Lao động năm 1995, Việt Nam đã tham gia trở lại vào Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Khi đó, chúng ta đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các chuyên gia ILO khi xây dựng pháp luật lao động.

Nhiều nội dung quan trọng trong pháp luật lao động đã được đề cập tới trong dự thảo Luật, như: Các vấn đề chung, hợp đồng lao động, việc làm, tiền lương, thỏa ước lao động, tranh chấp lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động…

Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 13

Sau gần 20 năm sau, tới khi ban hành Luật Lao động năm 2012, chúng ta đã có sự nhận thức rõ hơn về tiền lương, đặc biệt là phân định rõ tiền lương tối thiểu chỉ dành thị trường lao động, cụ thể cho khu vực ngoài quốc doanh. Mức lương tối thiểu (chia theo vùng) được định hình là mức "sàn" để đại diện người lao động và người sử dụng lao động cùng đàm phán xây dựng.

Về cơ bản, quy định về tiền lương trong Luật Lao động không nhiều. Chủ yếu quy định các điều có tính chất nguyên tắc. Còn nội dung cụ thể Quốc hội giao cho Chính phủ ban hành để linh hoạt hơn trong quá trình triển khai thực hiện.

Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 14

Rồi tới Luật Lao động năm 2019 cũng vậy, để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, chúng ta phải sửa lại nhiều nội dung trong đó có tiền lương và đặc biệt theo hướng hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn…

Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 15
Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 16

Một trong những điểm nhấn của Luật Lao động năm 2012 là hình thành mô hình Hội đồng tiền lương Quốc gia, Ủy Ban quan hệ lao động cũng như cơ chế đàm phán 3 bên về lương tối thiểu vùng hàng năm. Vậy, lợi ích của việc hình thành này đối với thị trường lao động ra sao, thưa ông?

- Vào đầu năm 2000, khi tôi còn là Vụ phó Vụ Lao động - Tiền lương của Bộ LĐ-TB&XH. Một chuyên gia cao cấp của ILO vào đến Bộ tìm hiểu về vấn đề chính sách tiền lương của ta. Hai bên giải thích toát mồ hôi nhưng đều không thể hiểu được nhau. Bởi chính sách lương của các nước xây dựng hoàn toàn trên cơ chế thị trường có sự ổn định nhiều năm, còn chúng ta thì là hiện vật, tiền mặt và qua nhiều lần điều chỉnh…

Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 17

Từ đó, chúng tôi suy nghĩ và nung nấu ý định phải tham mưu để có sự thay đổi, đã hội nhập rồi thì thị trường lao động của chúng ta cần nhanh chóng tiếp cận các tiêu chuẩn lao động nói chung và tiền lương nói riêng của quốc tế. Sau này theo các cương vị công tác sau này, tôi có điều kiện tìm hiểu và nghiên cứu kỹ hơn kinh nghiệm của quốc tế.

Khi tôi sang Hàn Quốc để tìm hiểu kinh nghiệm triển khai xây dựng tiền lương tối thiểu theo cơ chế đàm phán 3 bên. Ông Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Hàn Quốc khuyên chân tình: "Tốt nhất, ông đừng làm!".

Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 18

Bởi vì quá trình thương lượng diễn ra rất phức tạp. Giới chủ bao giờ cũng muốn mức lương tăng ít còn đại diện người lao động lúc nào cũng muốn lương của người lao động phải tương đương với sức lao động bỏ ra và mức tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc hài hòa lợi ích các bên khá gay gắt.

Câu chuyện đàm phán lương tối thiểu ở các nước lúc đó cũng khác nhau. Ở Hàn Quốc thì rất căng thẳng giữa giới chủ và người lao động, Hà Lan thì đàm phán "êm ái" và dễ có tiếng nói đồng thuận hơn. Nhưng ở Pháp, việc tranh cãi về lương và bảo hiểm xã hội cũng rất căng do vướng lợi ích.

Chính vì vậy, khi tham mưu cùng lãnh đạo Bộ về xây dựng dự thảo Luật Lao động 2012, chúng tôi đã mạnh dạn đề nghị về mô hình Ủy ban Quan hệ lao động và Hội đồng tiền lương quốc gia. Nội dung sau đó đã được cụ thể hóa trong Luật Lao động 2012.

Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 19
Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 20

Đó chính là tiền đề để xây dựng mô hình thương lượng đàm phán tiền lương tối thiểu hài hòa giữa 3 bên. Cũng từ đây, câu chuyện đàm phán lương tối thiểu 3 bên cũng thực sự hấp dẫn.

Chúng ta đều biết rằng, lương tối thiểu có vai trò quan trọng vì tác động trực tiếp tới hàng triệu người lao động, đặc biệt là những lao động ở khu vực doanh nghiệp. Vì lương tối thiểu là nền để thỏa thuận các mức lương cao hơn. Ngoài ra, thời gian trước nhiều doanh nghiệp còn lấy lương tối thiểu là một trong những căn cứ để tính đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Ở Việt Nam, càng về sau, vấn đề hài hòa lợi ích giữa các bên trong xây dựng tiền lương tối thiểu là rất khó, đặc biệt ở khu vực khu vực doanh nghiệp tư nhân và có vốn FDI. Nhưng đó là thực tế phát triển của thị trường lao động và luôn cần sự nghiên cứu bổ sung một cách nghiêm túc, để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Thời kỳ 2012-2016, dù được báo giới "chăm sóc" khá chu đáo vào các mùa đàm phán lương tối thiểu vùng đầu tiên, nhưng ông luôn là một Chủ tịch Hội đồng tiền lương rất kín tiếng trước mỗi phiên đàm phán. Vậy tới thời, ông có thể chia sẻ thêm những điều còn ít người biết về những cuộc đàm phán đó?

- Thời kỳ đầu thực hiện Luật Lao động 2012, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng là một mô hình mới đi vào làm việc. Vừa là Thứ trưởng của Bộ, tôi còn được Thủ tướng giao nhiệm vụ là Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Đây là vị trí đại diện cho Chính phủ đứng ra tổ chức cuộc đàm phán lương tối thiểu giữa các bên.

Thời gian đầu, mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu còn lớn, tôi đã từng chứng kiến các phiên tranh luận nảy lửa giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động. Đó là điều đơn giản vì va chạm quyền lợi giữa các bên.

Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 21
Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 22

Thậm chí có những mùa đàm phán, 2 bên đều hết đã dùng hết "quyền" chủ động dừng đàm phán do không đồng thuận. Điều này dẫn đến nguy cơ Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ phải tự quyết định mức đề xuất lương tối thiểu lên Chính phủ (theo luật). Rất may, phiên đàm phán cuối cùng các bên đã tìm ra tiếng nói chung.

Sự tranh luận nảy lửa của các bên cũng dễ hiểu bởi yếu tố lợi ích. Phía công đoàn thường tiếp cận việc tăng lương dựa trên nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, quan tâm tới tỷ lệ nhu cầu thực tế, sau đó cộng thêm các yếu tố như giải trí, tiền thuê nhà, học phí, chi phí nuôi con… Tuy nhiên, phía người sử dụng lao động lại tiếp cận từ góc độ năng suất lao động thực tế, chi phí sản xuất, lợi nhuận và các khó khăn trong thực tế sản xuất kinh doanh.

Vậy vai trò của Nhà nước trong đàm phán như thế nào? Khi đó, chúng ta cần đưa ra ý kiến dựa trên sự cân đối nhu cầu sống thực tế và khả năng để tái tạo sức lao động của người lao động. Tuy nhiên cũng cần quan tâm khả năng đáp ứng của doanh nghiệp, năng suất lao động, thị trường lao động và khả năng cạnh tranh quốc gia như thế nào.

Là người có nhiều năm làm công tác xây dựng tiền lương, vậy ông có suy nghĩ gì về chính sách tiền lương hiện hành và nhắn gửi gì cho lớp người đang làm công việc này?

- Thời kỳ "dò đá qua sông" của chúng tôi đã qua. Bây giờ vị thế, tiềm lực của quốc gia đã được nâng lên rất nhiều, tuy nhiên chính sách tiền lương kể cả khu vực công cũng như khu vực thị trường cũng còn nhiều thách thức.

Do đó, chúng ta cần tiếp tục cải cách theo tinh thần NQ 27/TW, làm sao người làm công sống được chủ yếu bằng tiền lương, bảo đảm hài hòa lợi ích.

Những người nghiên cứu, xây dựng chính sách tiền lương hiện nay cần tiếp tục bám sát thực tiễn, qua đó tham mưu chính sách phù hợp với các khu vực, các mô hình, các đối tượng. Bởi chính sách tiền lương không phải là điều gì cao siêu mà được hiển hiện trong đời sống hàng ngày của người hưởng lương và là động lực để phát triển nâng cao hiệu quả làm việc.

Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 23
Cựu Thứ trưởng bật mí câu chuyện Giá Lương Tiền thời dò đá qua sông - 24

Xin cảm ơn ông!

Nội dung: Hoàng Mạnh

Hình ảnh:Hữu Nghị, Đỗ Linh, An Nhiên

Thiết kế:Thủy Tiên