Tin thế giới 29/12: Cựu Tổng thống Ukraine phản pháo cáo buộc phản quốc; Nga nói về sự phản bội lòng tin; Mỹ hành động... lạ

Đối ngoại - Ngày đăng : 21:08, 29/12/2021

Vấn đề Ukraine, quan hệ Nga với Ukraine và phương Tây, Dòng chảy phương Bắc 2, căng thẳng Mỹ-Trung liên quan tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa Đông 2022, đàm phán hạt nhân Iran, Cao nguyên Golan... là một số tin quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Tin thế giới 29/12: Cựu Tổng thống Ukraine phản pháo cáo buộc phản quốc; Nga nói về sự phản bội lòng tin; Mỹ hành động... lạ
Cựu Tổng thống Ukraine Poroshenko cho rằng, cáo buộc ông phản quốc chỉ là 'ý tưởng bất chính'. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Ukraine: Cựu Tổng thống Poroshenko phản pháo cáo buộc phản quốc

Ngày 20/12, các cơ quan thực thi pháp luật của Ukraine đã đệ đơn cáo buộc tội cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tội phản quốc, tài trợ cho khủng bố và thành lập một tổ chức khủng bố. Nếu bị kết tội, ông Poroshenko sẽ phải đối mặt với 15 năm tù.

Hiện, ông Poroshenko đang có chuyến công tác phục vụ cho công việc kinh doanh riêng, song ông cho biết sẽ trở lại Ukraine vào giữa tháng Giêng.

Đối với cáo buộc trên, ngày 28/12, cựu lãnh đạo Ukraine cho biết, ông sẵn sàng cung cấp mọi thông tin được yêu cầu, nhưng sẽ không làm gián đoạn các công việc mà ông đang thực hiện.

Bên cạnh đó, người tiền nhiệm của đương kim Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố: "Tôi có lịch trình riêng mình và sẽ không phá vỡ nó vì những ý tưởng bất chính bất hợp pháp", ám chỉ cáo buộc của Kiev.

Theo ông Poroshenko, những nỗ lực triệu tập ông để thẩm vấn là "sự nhạo báng". (TASS)

Dòng chảy phương Bắc 2

Ngày 29/12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho hay, việc chứng nhận đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga sang Đức qua Biển Baltic sẽ kết thúc vào cuối nửa đầu năm 2022.

Quan chức Nga nhấn mạnh: "Theo lịch trình của khung thời gian chứng nhận mà tôi biết, chính xác là nó sẽ kết thúc trong nửa đầu năm 2022. Thời hạn tối đa là cuối nửa đầu năm. Nếu Đức quan tâm và thúc đẩy việc cấp cho chứng nhận nhanh hơn, đường ống có thể bắt đầu vận chuyển dầu sớm hơn".

Liên quan việc phản đối Dòng chảy phương Bắc 2, cho rằng điều này đã có từ lâu, song ông Novak lưu ý, việc thực hiện dự án tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp châu Âu và bất kỳ sự phản đối nào "đều mang tính chất chính trị" và dự án này "không thể bị phá vỡ". (TASS)

Nga nói phương Tây đã phản bội lại lòng tin

Ngày 29/12, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Dmitry Polyansky nói rằng, Mỹ và các quốc gia phương Tây đã phản bội lại lòng tin mà họ thể hiện sau khi Liên Xô tan rã.

Ông Polyansky nêu rõ: "Mọi người đều nghĩ rằng phương Tây là bạn của chúng tôi, rằng họ thực sự đang giúp một tay để chúng tôi sống ở một một thế giới tốt đẹp hơn và sẽ không ai còn nhớ về Chiến tranh Lạnh, về Đông hay Tây, nhưng cuối cùng, mọi thứ đã đi theo hướng khác rất nhanh chóng".

Cho rằng, thập niên đầu tiên của nước Nga hiện đại "rất khó khăn, rất thử thách và thực sự đứng bên bờ vực sụp đổ", nhà ngoại giao Nga cáo buộc Mỹ và châu Âu đã "khai thác và cố gắng chia rẽ Nga", thậm chí chia rẽ Moscow với các quốc gia mới khác.

Cho đến hiện tại, ông Polyansky đánh giá, Nga bị phương Tây và Mỹ coi là mối đe dọa và những gì đang hiển hiện giống như "một phiên bản làm lại của Chiến tranh Lạnh - Chiến tranh Lạnh 2.0". (TASS)

Nga-Ukraine: Nga cần đảm bảo an ninh

Ngày 29/12, Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechaev cho rằng, việc quân sự hóa Ukraine là "hoàn toàn có hại và không phù hợp. Tất cả các bước đi theo hướng này sẽ phản tác dụng".

Nhà ngoại giao nhấn mạnh: "Những cân nhắc về khả năng cung cấp vũ khí cho Kiev là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy, Nga cần các đảm bảo an ninh và Moscow yêu cầu tuân thủ các đảm bảo an ninh này trong luật pháp quốc tế".

Trong khi đó, Phó đại sứ thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky cho biết, "bóng ma" về việc Nga xâm lược Ukraine chỉ tồn tại trong tâm trí của một số chính trị gia, trong khi không có hoạt động đáng kể nào ở biên giới.

Nhà ngoại giao này cho rằng: “Đối với những lời cáo buộc đó, có thể được giải quyết rất dễ dàng, bởi vì nó xuất hiện trong đầu một số chính trị gia, vì vậy nó sẽ chết trong đầu những chính trị gia này”.

Bên cạnh đó, ông khẳng định lại điều mà Nga đã tuyên bố nhiều lần rằng, tuyên bố về cáo buộc trên là "vô căn cứ", đồng thời Nga có quyền được tự do chuyển quân và tiến hành tập trận trong lãnh thổ mà "không phải báo cáo với bất kỳ ai". (TASS)

Mỹ hành động lạ, Trung Quốc thấy khó hiểu

Hồi đầu tháng, Mỹ tuyên bố "tẩy chay ngoại giao" Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022, theo đó, không cử bất kỳ qua chức ngoại giao nào tham gia sự kiện này, song, đoàn đoàn thể thao vẫn tiếp tục tham gia.

Mới đây, xuất hiện các thông tin rằng, chính phủ Mỹ đã đề nghị cử 18 quan chức, chủ yếu thuộc Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc, tới Bắc Kinh để hỗ trợ an ninh và y tế cho các vận động viên Mỹ trong thời gian diễn ra Thế vận hội, ngoài ra có khả năng 40 quan chức Mỹ khác cũng nộp đơn xin thị thực tới Trung Quốc.

Ngày 28/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên xác nhận, Bắc Kinh đã nhận được đơn xin thị thực của các quan chức Mỹ liên quan sự kiện này, đồng thời cho rằng, đây là động thái khó hiểu khi Washington tìm cách áp đặt "cuộc tẩy chay ngoại giao" với sự kiện thể thao sắp tới.

Ông Triệu nêu rõ: "Một mặt, Mỹ tuyên bố không cử đại diện chính thức hay nhân viên ngoại giao tới sự kiện. Mặt khác, họ lại xin thị thực cho các quan chức chính phủ. Chả cần biết Mỹ giải thích như thế nào, sự thực là như vậy".

Nhà ngoại giao Trung Quốc khẳng định, nước này sẽ xử lý yêu cầu xin thị thực của các quan chức Mỹ phù hợp với thông lệ quốc tế, các quy định liên quan và nguyên tắc có qua có lại. (THX, Kyodo)

Nga đề xuất ký kết hiệp định quốc tế về Internet

Ngày 29/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov thông báo, Moscow đề xuất ký kết hiệp định về quy định quốc tế trong việc quản lý Internet.

Ông Syromolotov nói: "Nga ủng hộ việc quốc tế hóa công tác quản lý Internet và việc các quốc gia có sự tham gia bình đẳng vào quá trình này, bảo vệ quyền chủ quyền của các quốc gia trong việc điều hành phân khúc quốc gia của Internet và ký kết một hiệp định liên quốc gia về quy định quản lý mạng Internet".

Ông nhấn mạnh, thỏa thuận sẽ chỉ có hiệu lực nếu được tất cả các quốc gia thông qua.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, vấn đề này đang được thảo luận trong khuôn khổ Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), mà trong hoạt động của liên minh vai trò tham gia của Nga "là góp phần tích cực nhất, bao gồm công việc của tất cả các hội đồng nghiên cứu và các nhóm công tác trực thuộc ITU không ngoại trừ nhóm nào". (Sputnik)

Hàn Quốc tập trận phòng thủ Dokdo

Ngày 29/12, một nguồn thạo tin cho biết, tuần trước, Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập quân sự thường kỳ Dokdo nhằm củng cố năng lực phòng thủ quần đảo Dokdo ở vùng cực Đông nước này mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima.

Bộ Quốc phòng và Hải quân Hàn Quốc từ chối xác nhận thông tin tập trận.

Hàn Quốc khởi động các cuộc tập trận Dokdo vào năm 1986. Kể từ năm 2003, Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận này 1 năm 2 lần. Hồi tháng 6/2021, Hàn Quốc tổ chức tập trận Dokdo đầu tiên trong năm.

Khi đó, Tokyo phản ứng bằng cách hủy kế hoạch tổ chức hội đàm giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ Suga Yoshihide bên lề hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Anh cũng trong tháng 6. (Yonhap)

Cao nguyên Golan: AL phản đối kế hoạch của Israel phát triển nhà định cư

Ngày 28/12, Liên đoàn Arab (AL) chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch của Israel xây nhà định cư mới trên Cao nguyên Golan, vùng lãnh thổ Israel chiếm giữ từ Syria năm 1967.

Trước đó, ngày 26/12, Chính phủ Israel đã phê duyệt kế hoạch này, theo đó xây dựng 2 khu định cư mới, mỗi khu gồm 2.000 nhà ở. Ngoài ra, Chính phủ Israel cũng quyết định xây 7.300 nhà ở mới trong vòng 5 năm tới tại các khu vực Katzrin và Hội đồng Vùng Golan.

Tổng Thư ký AL Ahmed Aboul Gheit cho rằng, kế hoạch trên của Israel vi phạm luật pháp quốc tế vì Cao nguyên Golan đã được luật pháp quốc tế công nhận là lãnh thổ của Syria.

Ông Aboul Gheit cũng nhấn mạnh, việc một số quốc gia công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan không làm thay đổi được thực tế rằng, đây là một vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Trước đó ngày 27/12, Syria đã lên án kế hoạch nói trên của Israel, nhấn mạnh đây là một "sự leo thang nguy hiểm và chưa từng có". (Reuters)

Đàm phán hạt nhân: E3 và Mỹ hối thúc khẩn cấp

Ngày 28/12, Anh, Đức, Pháp (E3) đã đưa ra tuyên bố nhấn mạnh, các cuộc đàm phán để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran đang ở giai đoạn "cấp bách" khi các nước đang gần chạm tới vấn đề mấu chốt.

Các nhà đàm phán E3 lưu ý, họ "có vài tuần, không phải vài tháng, để ký kết một thỏa thuận trước khi các lợi ích cốt lõi của thỏa thuận hạt nhân Iran bị mất đi".

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng, còn quá sớm để nói liệu Iran có quay trở lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với cách tiếp cận mới hay không. Ông cũng cho rằng, cuộc đàm phán đang rất cấp bách.

Về phía Nga, Đặc phái viên hạt nhân của nước này Mikhail Ulyanov cho biết, quá trình đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân tại Vienna đang "có tiến triển không thể chối cãi" và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt "đang được thảo luận sôi nổi trong các cuộc gặp không chính thức". (Reuters)

Động thái hiếm: Tổng thống Palestine tới Israel: Ngày 28/12, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz trong một chuyến thăm hiếm hoi tới nhà nước Do Thái để thảo luận về các vấn đề an ninh và dân sự.

Hoàng Hà