Dự án vành đai 3 TPHCM và hình ảnh "con gà đẻ trứng vàng"
Xã hội - Ngày đăng : 18:50, 29/12/2021
Tuyến vành đai 3 TPHCM là dự án quan trọng cấp quốc gia, khi hoàn thành, đi vào vận hành sẽ tạo nguồn lực phát triển lớn trong vùng. Đây là quan điểm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đưa ra trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Lê Văn thành ngày 29/12.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp, nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, việc khơi thông nguồn lực này là không dễ dàng đối với các địa phương có tuyến vành đai 3 đi qua.
"Tôi đồng tình rằng chí phí để các địa phương thực hiện đường vành đai 3 là rất lớn, do đi qua nhiều khu vực đô thị. Dự án cũng khó hấp dẫn các nhà đầu tư theo hình thức PPP", bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Đầu tư cho "gà đẻ trứng vàng"
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đưa ra hình ảnh, đầu tư cho đường vành đai 3 của TPHCM cũng giống như "chăm sóc cho gà đẻ trứng vàng". Bởi, khi tuyến vành đai 3 đi vào hoạt động, không chỉ TPHCM được hưởng lợi mà còn tạo đà phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
"Đầu tư cho vành đai 3 giống như chăm sóc cho gà đẻ trứng vàng. Không phải gà bình thường mà còn là gà cao sản khi hiệu quả mang lại rất lớn", Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng cho rằng, tuyến vành đai 3 TPHCM có vai trò thúc đẩy liên kết vùng, liên kết các khu đô thị trọng điểm phía Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủng hộ việc cần làm càng sớm càng tốt đối với dự án này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tạo động lực phát triển vùng.
"Cần khẳng định, vành đai 3 là dự án quan trọng cấp quốc gia. Việc chậm triển khai khiến dự án lỡ mất nhiều nhịp phát triển. Việc đầu tiên là các cơ quan không thể đưa dự án vào kế hoạch trung hạn đầu tư công 2021, việc thứ 2 là không đưa được vào nguồn vốn trong trương trình phục hồi, phát triển kinh tế", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ.
Cụ thể, nguồn vốn từ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Trung ương sẽ tập trung cho các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, có sự lan tỏa mạnh và cần tạo ra sự thúc đẩy kinh tế trong vòng 2 năm tới. Với việc chậm tiến độ như hiện nay, dự án đường vành đai 3 TPHCM gần như không thể hoàn thành trong khoảng thời gian trên.
Bắt buộc cần sự giúp sức từ vốn Trung ương
Tại buổi họp, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thông tin, tỉnh đã hoàn thành xây dựng 15,3 km của tuyến vành đai 3 với quy mô 6 làn xe. Chi phí giải phóng mặt bằng cho dự án này là khoảng 25 triệu/m2.
"Đoạn đường này đi qua khu vực thành phố, có nhiều khu dân cư, đất nông nghiệp xen kẽ. Tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng cho đoạn vành đai 3 đi qua Bình Dương là 22.000 tỷ đồng", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương dẫn số liệu.
Đối với định hướng mở rộng vành đai 3 lên 8 làn xe trong tương lai, ông Võ Văn Minh cho rằng không khả thi bởi chi phí bồi thường rất lớn. Mặt khác, Bình Dương cũng đang triển khai các dự án BRT kết nối các tuyến metro, bến xe miền Đông, đường nối metro từ TPHCM lên Bình Dương, Đồng Nai.
Hiện tại, tỉnh Bình Dương còn hơn 10km thuộc tuyến vành đai 3 chưa triển khai bởi vốn bồi thường lên đến khoảng 15.000 tỷ. Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương mong muốn Chính phủ, Trung ương có giải pháp bố trí vốn cho vấn đề này.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cũng thẳng thắn nhìn nhận, để các địa phương thực hiện dự án đường vành đai 3 TPHCM, ngân sách Trung ương buộc phải tham gia giúp sức. Cụ thể, các địa phương có thể tính phương án sử dụng ngân sách địa phương cộng với ngân sách Trung ương và kết hợp với hình thức kêu gọi đầu tư PPP.
Tại tỉnh Long An, dù chỉ có 6,8 km đường vành đai 3 đi qua và chi phí giải phóng mặt bằng thấp. Tuy nhiên, địa phương này cũng gặp khó trong vốn triển khai do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do vậy, lãnh đạo Long An nhấn mạnh, để hoàn thành tuyến vành đai 3, nhất định các địa phương cần sự tham gia của vốn ngân sách Trung ương.
Kết luận tại buổi họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các tỉnh, thành làm việc trực tiếp với đơn vị tư vấn, xây dựng lại đề án, rà soát kỹ phương thức thực hiện. Dù các địa phương đề xuất không áp dụng hình thức PPP do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên, các đơn vị cần rà soát kỹ các đoạn, tuyến để đưa ra phương thức đầu tư phù hợp.
"Có thể có đoạn phải dùng 100% ngân sách, nhưng cũng có đoạn có thể kêu gọi đầu tư. Khi làm việc trực tiếp với đơn vị tư vấn, các địa phương tính toán kỹ thêm trong cả dự án đường vành đai, đoạn, nào có thể áp dụng hình thức PPP được", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý.
Quang Huy