So dàn 'binh hùng tướng mạnh' Nga-Mỹ nếu xảy ra xung đột
Đối ngoại - Ngày đăng : 13:23, 27/12/2021
Nga có khả năng huy động lực lượng dự bị động viên lớn hơn Mỹ. (Nguồn: vitalykuzmin) |
Câu chuyện so sánh tiềm lực quân sự của Nga và Mỹ là chủ đề bất tận cho các chuyên gia phương Tây. Trong một bài viết có tựa đề Nga có những khả năng quân sự nào mà Mỹ không có?, tác giả Carl Hamilton đến từ Đại học Roskilde (Đan Mạch) cho rằng cả hai quốc gia này đều có khả năng “phát triển các hệ thống quân sự bình đẳng về chất lượng” tuy nhiên Nga có khả năng huy động lực lượng dự bị động viên lớn hơn.
Theo tác giả, mặc dù ngân sách chi tiêu quân sự của hai quốc gia chênh lệnh khá lớn, nhưng Nga lại có những ưu thế mà chưa chắc "nhà giàu hơn" đã có được.
Cụ thể, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump của đảng Cộng hòa từng yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua gói ngân sách quốc phòng trị giá 740 tỷ USD cho năm tài chính 2021. Nhưng sau đó vào cuối tháng 11/2020, với đề xuất tăng chi tiêu cho việc đóng hai tàu ngầm hạt nhân đa năng lớp Virginia, con số này đã lên tới 778 tỷ USD (tăng 4,4% so với năm 2019).
Cùng năm đó, ngân sách quốc phòng của Nga không vượt quá 61,7 tỷ USD (tăng 2,5% so với năm 2019). Điều này thật khó lý giải khi hai nước có sức mua vũ khí với quy mô tương đương.
Đến thời Tổng thống Joe Biden, chính quyền đảng Dân chủ đã quyết định duy trì chi tiêu quân sự ở mức tương tự (770 tỷ USD) trong năm tài chính 2022. Cho đến gần đây, ít nhất 80 tỷ USD đã được chi hàng năm cho các hoạt động quân sự ở Afghanistan và Iraq. Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, phần lớn số tiền này đã được dành cho việc phát triển các loại vũ khí tiên tiến, đồng nghĩa với việc tăng chi tiêu quân sự.
Điều này đặt ra câu hỏi cho các chuyên gia phương Tây về tính hiệu quả của chi tiêu quân sự Mỹ.
Lực lượng dự bị động viên lớn là một lợi thế
Một trong những lợi thế của Nga là khả năng huy động lực lượng vũ trang nhiều hơn Mỹ trong một khoảng thời gian ngắn. Chuyên gia Hamilton lý giải điều này là do Nga xây dựng lực lượng vũ trang theo chế độ nghĩa vụ quân sự, trong khi đó quân đội Mỹ là theo hợp đồng.
Trong vòng 5 năm qua, lực lượng dự bị động viên từng phục vụ trong lực lượng vũ trang Nga, được đào tạo trong quân đội có tỷ lệ là 2 triệu người/năm. Thêm vào đó là 350.000 quân nhân trong Vệ binh Quốc gia Nga luôn sẵn sàng chiến đấu và 20 triệu người trong các đơn vị quân dự bị khác (những người đã phục vụ hơn 5 năm trong quân ngũ).
Trong khi đó, Mỹ có số quân dự bị trải qua huấn luyện là 800.000 người, hơn một nửa trong số đó thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc Washington sẽ không thể nhanh chóng bù đắp tổn thất về binh sĩ trong một cuộc xung đột quy mô lớn.
Tuy nhiên, Nga sẽ có thể tăng gấp đôi quy mô binh sĩ so với thời bình hoặc tăng cường lực lượng lên 3 triệu người trong một thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, chuyên gia Hamilton cũng lưu ý các lực lượng vũ trang Mỹ cũng đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời bình, phần lớn là do khả năng tuyển dụng quân nhân mới thấp.
Mỹ có số quân dự bị trải qua huấn luyện là 800.000 người, hơn một nửa trong số đó thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia. (Nguồn: Twitter) |
Khả năng xung đột tác động tới quy mô lực lượng dự bị động viên
Theo vị chuyên gia Đan Mạch, Mỹ không quá lo lắng về lực lượng dự bị động viên của mình trong một cuộc xung đột tiềm tàng với Nga bởi một số lý do.
Thứ nhất, khả năng xung đột trên đất Mỹ không cao. Hầu hết những xung đột tiềm tàng đang ở những châu lục khác. Nếu xung đột nổ ra ở nơi khác, người Mỹ sẽ cố gắng sử dụng tối đa tiềm năng quân sự của các đồng minh, mặc dù thực tế là người dân Mỹ vẫn có khả năng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trả đũa.
Thứ hai, dù Nga sở hữu một lượng dự bị động viên lớn để bảo vệ lãnh thổ, nhưng việc triển khai trong cuộc chiến ở Mỹ lại là một câu chuyện khác. Khoảng cách địa lý xa, lực lượng hải quân Mỹ có khả năng vượt trội, dân số Mỹ lớn, trong khi năng lực hàng không vận tải quân sự Nga còn hạn chế,... là những yếu tố khiến cuộc chiến trên đất Mỹ càng bất khả thi.
Thứ ba, học thuyết quân sự của Mỹ quy định một cuộc tấn công vũ khí hạt nhân và vũ khí dẫn đường chính xác nhằm vào Nga nếu xảy ra xung đột giữa hai bên. Đó là lý do vì sao tháng 12/2001, chính quyền ông Bush Jr. đã rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM).
Nhằm phòng ngừa trường hợp xảy ra cuộc tấn công từ lực lượng tên lửa hạt nhân của Nga, Mỹ đã triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia. Đặc biệt, một hệ thống đánh chặn chiến lược được đặt ở Alaska (hướng chủ yếu của cuộc tấn công từ Nga được dự báo là đi qua Bắc Cực).
Về phần mình, Nga đã triển khai các hệ thống vũ khí siêu thanh có khả năng xuyên thủng hệ thống đánh chặn của Mỹ như Avangard, Kinzhal và Zircon.
Dựa trên học thuyết quân sự và những tính toán, mỗi quốc gia có một hệ thống duy trì lực lượng dự bị động viên riêng.
Có quốc gia thiên về xu hướng xây dựng lực lượng dự bị động viên từ lực lượng nghĩa vụ quân sự, trong khi có quốc gia khả năng xung đột tại lãnh thổ ít hơn, hoặc có thể dựa vào sự phòng thủ của các đồng minh thường giới hạn lực lượng quân đội theo dạng hợp đồng.