Nhìn mâm bát đĩa ăn chưa rửa của chồng, vợ vùng lên lập lại "nề nếp gia phong" khiến anh phải "ngậm tăm" chấp nhận

Gia đình - Ngày đăng : 19:00, 26/12/2021

Sáng hôm sau dậy, mâm bát đĩa chồng em ăn xong còn nguyên, anh ấy không hề rửa đỡ vợ. Nhìn thế em nản vô cùng. Như mọi khi là em sẽ xắn tay rửa nhưng hôm ấy nhất định em để nguyên...", người vợ kể.

Vợ chồng gắn bó bên nhau bởi sự thương yêu và tôn trọng. Thiếu 1 trong 2 điều ấy, tổ ấm gia đình sẽ lung lay.

Mới đây một tài khoản facebook có tên M.Y cũng vào mạng xã hội chia sẻ về câu chuyện hôn nhân của mình với nội dung như sau:

"Chồng em tính nết bảo thủ, gia trưởng tới mức ấu trĩ vô cùng. Sau khi 2 đứa kết hôn, anh ấy đưa ra nhiều quy định, tiêu chuẩn làm vợ yêu cầu em phải làm, nào là phụ nữ lấy chồng là phải chăm con lo nội trợ, nào là phải biết làm đẹp mặt chồng, biết làm dâu đảm… song song với đó vẫn phải lo kinh tế giống chồng. Ngược lại anh ấy chỉ có 1 nhiệm vụ đi làm và mỗi tháng đưa cho em 7 triệu chi tiêu. Thậm chí nếu tháng nào nhà có việc phát sinh vợ tiêu bị âm vào, bảo chồng đưa thêm là anh ấy mắng chẳng ra gì".

Nhìn mâm bát đĩa ăn chưa rửa của chồng, vợ  vùng lên lập lại nề nếp gia phong khiến anh phải ngậm tăm chấp nhận-1Bài chia sẻ của người vợ

Y. tâm sự rằng, bởi chồng cô quá gia trưởng, vô tâm nên chẳng bao giờ biết hiểu cho suy nghĩ của vợ. Anh luôn nhận mình là chủ gia đình có quyền quyết định mọi việc, vợ chỉ có "quyền" làm theo, không được phép trái ý. Y. kể cô kết hôn hơn 6 năm chưa bao giờ cảm nhận được sự chăm sóc của chồng nên trong cuộc sống hôn nhân cô luôn thấy mình cô độc.

"Cách đây hơn tháng em bị sốt vi rút, chồng vẫn cứ sáng đi sớm tối về muộn, không hỏi han ngó ngàng tới vợ. Bữa ấy em cố nấu cho chồng con ăn xong rồi về giường nằm chứ bản thân cũng không ăn uống gì được, thế mà sáng hôm sau dậy, mâm bát đĩa chồng em ăn xong còn nguyên, anh ấy không hề rửa đỡ vợ. Nhìn thế em nản vô cùng. Như mọi khi là em sẽ xắn tay rửa nhưng hôm ấy nhất định em để nguyên.

Lúc chồng em về thấy vợ chưa rửa bát đũa, anh liền quắc mắt quát vợ ở nhà cả ngày làm gì mà không rửa, quần áo nhà cửa cũng lộn tung chưa dọn. Em thản nhiên bảo: 'Phần anh làm đó'.

Nghe vợ nói, chồng em đỏ gay mặt mắng vợ rằng: 'Cô quên quy định của cái nhà này rồi à? Tôi còn phải nhắc lại với cô bao nhiêu lần nữa, cô làm vợ là phải…".

Không để chồng nói hết câu, em chặn luôn lời: 'Anh đừng nhắc tôi làm vợ phải như thế nào trong khi anh chưa hề làm được vai trò của 1 người chồng. Chẳng có quy định nào nói rằng đàn bà là phải rửa bát, nấu cơm, chăm con, làm hết việc nhà còn đàn ông ngồi chơi xỏ tay túi quần cả'.

Đồng thời em cũng nói luôn từ nay sẽ không làm theo quy tắc gia đình mà chồng đặt ra vì nó quá vô lý. Ngay sau đó, em cũng tuyên bố sẽ chia đôi việc nhà nếu anh không đồng ý thì thuê giúp việc, thế là công bằng.

Ban đầu chồng em thách thức cấm cho vợ thuê người, em không đôi co mà sáng hôm sau gọi luôn người làm tới. Từ hôm ấy em thảnh thơi, sáng đi làm sớm, chiều đủng đỉnh về giờ nào cũng được. Đón con em cũng thuê người, tính ra 1 tháng ấy em phải chi hết gần chục triệu trả giúp việc. Chồng em hoảng mới gọi vợ bảo: 'Cô thừa tiền hay sao mà tiêu pha như thế trong khi kinh tế vợ chồng còn đang khó khăn'. Em thẳng thừng đáp: 'Tôi không thừa tiền song cũng không đủ sức để gánh vác hết việc cho chồng mãi. Kinh tế khó khăn, cả 2 phải cùng cố gắng chứ không phải khó khăn chỉ mình tôi è cổ gánh còn anh dửng dưng như không'.

Biết vợ làm căng rồi lại cộng thêm xót tiền, chồng em buộc phải xuống giọng "đàm phán" lại với vợ, chấp nhận chia đôi việc nhà, thay đổi lối suy nghĩ. Bằng không thì cứ bỏ tiền thuê giúp việc, em không cõng hết cả núi trách nhiệm chồng giao như trước nữa".

Vợ chồng luôn cần sự san sẻ để đôi bên không cảm thấy mệt mỏi bởi những áp lực trong cuộc sống hôn nhân. Nếu chỉ 1 người cố gắng, người kia đứng yên thì dù có nỗ lực tới đâu cũng sẽ có lúc họ nản lòng muốn dừng lại giống như tâm sự của người vợ trong câu chuyện trên. Vậy nên màn vùng lên lập lại "gia quy" mới của cô được rất nhiều người ủng hộ.

Theo Pháp luật và bạn đọc