Viêm màng não có thể gây tử vong cho trẻ em trong 24 giờ
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 19:05, 24/12/2021
Bệnh nguy hiểm ở trẻ em
Theo bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, viêm màng não là bệnh nguy hiểm, liên quan đến nhiễm trùng của màng bảo vệ bao quanh não và tủy sống; có thể xuất hiện quanh năm và khó phát hiện trong giai đoạn sớm. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại những biến chứng nguy hiểm về thần kinh.
Tất cả trẻ em đều có thể bị nhiễm viêm màng não, nguy cơ này gia tăng ở nhóm trẻ tại nhà trẻ, trường mẫu giáo khi vi khuẩn lây lan qua đồ chơi, đồ dùng chung. Trẻ mắc bệnh thường sốt cao và đau đầu trong vài giờ, hoặc kéo dài 1-2 ngày. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện gồm nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng, ăn mất ngon, rối loạn ý thức, bứt rứt, ngủ lơ mơ. Ở trẻ nhũ nhi, biểu hiện đầu là bú kém, bỏ bú, quấy khóc, cứng cổ, da xanh xao vì thiếu máu.
"Bệnh tiến triển rất nhanh, nếu không được điều trị kịp thời, 20-50% trẻ bị viêm màng não sẽ tử vong", bác sĩ Chính khuyến cáo. Khoảng 30-50% trẻ mắc viêm màng não sau khi điều trị cũng có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng như: điếc, mù, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ...
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, ba vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm màng não là phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae), não mô cầu khuẩn (Neisseria meningitidis) và vi khuẩn Haemophilus influenzae týp b (Hib).
Phế cầu khuẩn có nhiều chủng phức tạp, thường trú trong hầu họng, là một trong những "thủ phạm" gây nên nhiều bệnh lý nghiêm trọng về đường hô hấp như: viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa, nặng hơn nữa là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi.
Não mô cầu khuẩn cũng tồn tại nhiều chủng nguy hiểm gây nên bệnh cảnh trầm trọng. Hiện nay việc chẩn đoán bệnh gặp nhiều khó khăn bởi triệu chứng khởi phát của các bệnh do não mô cầu khuẩn rất giống với bệnh cảm cúm thông thường. Nhiều ca phát hiện và đưa vào viện muộn đã tử vong trong 24 giờ sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên.
Vi khuẩn Hib là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não cấp do vi khuẩn ở trẻ dưới 5 tuổi, chiếm từ 1/3-1/2 số trường hợp viêm màng não do vi khuẩn. Cứ 20 trẻ bị viêm màng não mủ do Hib sẽ có 1 trẻ tử vong, ngay cả khi được điều trị kịp thời.
Vaccine - "lá chắn" trước 3 loại khuẩn nguy hiểm
Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết trong thời tiết mùa đông lạnh như hiện nay, trẻ em rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như viêm màng não, viêm phổi, do vi khuẩn, virus. Để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi, vệ sinh vùng mũi họng, nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài và chú ý giãn cách.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cho trẻ vận động phù hợp để nâng cao thể trạng, sức đề kháng.
Khi trẻ có các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
"Ngoài ra, biện pháp phòng bệnh viêm màng não và nhiễm trùng máu hữu hiệu nhất vẫn là chủ động tiêm vaccine. Việc chủng ngừa cho trẻ từ sớm cũng giúp giảm thiểu ảnh hưởng khi trẻ mắc bệnh", bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo.
WHO đã khuyến khích các nước đưa vaccine phế cầu vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Với mức độ gây nhiều bệnh nguy hiểm, phòng bệnh phế cầu khuẩn bằng việc tiêm vaccine sớm cho trẻ từ 6 tuần tuổi giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ tử vong, giảm thiểu các tai biến và việc dùng kháng sinh, đồng thời cũng giảm chi phí và thời gian chữa bệnh.
Với não mô cầu khuẩn, trẻ em từ 6 tháng tuổi được khuyến cáo tiêm vaccine phòng các bệnh gây ra do não mô cầu khuẩn tuýp B và C. Ngoài ra, vaccine phòng các bệnh viêm màng não do não mô cầu khuẩn tuýp A, C, Y, W-135 được khuyến cáo tiêm cho trẻ em từ 9 tháng tuổi và người lớn đến 55 tuổi. Vaccine chủng ngừa não mô cầu có hiệu quả bảo vệ lên đến 90%.
Để phòng bệnh do Hib, trẻ từ 2 tháng tuổi được khuyến cáo tiêm các mũi vaccine phối hợp 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 có thành phần Hib. Các loại vaccine phối hợp giúp giảm số mũi tiêm.
Bác sĩ Bạch Thị Chính nhấn mạnh: "Trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, trẻ em chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19, để hạn chế tối đa nguy cơ 'bệnh chồng bệnh', tăng khả năng miễn dịch, trẻ cần được tiêm chủng các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm càng sớm càng tốt. Người lớn cũng rất cần được tiêm vắc xin này vì bệnh cũng có thể xảy ra ở người lớn với các hậu quả nghiêm trọng tương tự".
Theo Vnexpress