Chuyên gia bàn cách tháo gỡ khó khăn dạy học trực tuyến
Xã hội - Ngày đăng : 12:46, 24/12/2021
Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nâng cao hiệu quả dạy và học trực tuyến thích ứng với dịch COVID-19" do Báo Lao Động phối hợp với Trung tâm dịch vụ số MobiFone tổ chức mới đây, cô Nguyễn Bích Thủy, giáo viên trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học nhưng cũng là cơ hội, động lực để ngành giáo dục thay đổi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ trạng thái học tập trực tiếp sang trực tuyến còn nhiều thách thức, khó khăn.
Một số câu chuyện “dở khóc, dở cười” khi dạy trực tuyến như, cô đang say sưa, bài giảng rất cao trào, học sinh tự nhiên hỏi: “Cô ơi, con không nghe thấy gì, từ nãy đến giờ cô đang nói gì ạ?”. Lúc bấy giờ, cảm hứng giảng dạy của giáo viên bị ảnh hưởng.
Hoặc khi gọi học sinh tương tác, kiểm tra mức độ hiểu bài của các con bằng cách đưa ra câu hỏi và yêu cầu các con trả lời. Nhưng, các con rất hồn nhiên và vô tư trả lời rằng: “Con không nghe rõ cô hỏi gì ạ, con không trả lời được”. Thực sự, những khi như vậy giáo viên phải thông cảm cho các con vì có những khó khăn chưa thể khắc phục được như đường truyền chưa tốt và bị ngắt quãng, cô Thuỷ chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, dạy học trực tuyến thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên về công nghệ. Việc dạy học trực tuyến cần có hệ thống quản lí việc học trực tuyến, hệ thống quản lí nội dung dạy học trực tuyến – đây là những nội dung Bộ GD&ĐT đưa ra trong thông tư 09.
Bên cạnh đó, những hoạt động dạy học dành cho học sinh khi học trực tuyến, trực tiếp theo các lớp học truyền hình là khó khăn vì không phải có được đường truyền ổn định nhất để tương tác với một lúc hàng chục học sinh. Nhất là khi học sinh ở nhiều nơi khác nhau.
Tháo gỡ khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, Bộ G&ĐT đưa ra những chính sách, cách khuyến khích, tham mưu Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là các địa phương để có giải pháp hỗ trợ.
Tuy nhiên, về hạ tầng kiểm tra đánh giá vẫn có những trục trặc, ví dụ đang kiểm tra rớt mạng, khi kiểm tra bình thường, kiểm tra định kỳ điểm đột biến tăng cao. Thậm chí, có những em trong quá trình kiểm tra thường xuyên định kỳ đột biến điểm cao. Về những vấn đề này, các nhà trường cũng đã có quy chế, nếu kiểm tra đánh giá định kỳ có kết quả bất thường so với kiểm tra thường xuyên có thể kiểm tra đánh giá lại.
Khó khăn thứ hai đến từ nguồn học liệu học trực tuyến. Nguồn học liệu dạy học trực tuyến của chúng ta chưa được thiết kế, xây dựng, hoàn thiện trong việc giúp học sinh có khả năng chủ động khai thác để học tập có hiệu quả trước khi vào lớp học trực tuyến.
Khó khăn thứ 3 đến từ người tương tác. Các thầy cô hiện tại phải thiết kế bài học trực tuyến với giáo án khác với dạy trực tiếp. Khi tương tác trực tiếp, cô hỏi trò đáp, không có thời gian chết, việc hỏi đáp trong không gian lớp học thuận lợi hơn.
Ngoài ra, thêm khó khăn từ phía học trò, kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin. Chẳng hạn như việc tắt mở mic mỗi khi phát biểu.
Theo ông Thành, muốn dạy học sinh phát triển năng lực, giờ học tích cực phải là giờ học cơ bản tĩnh, có thì giờ cho học sinh tư duy độc lập, trả lời câu hỏi thầy cô nêu.
Trong tài liệu hướng dẫn dạy học trực tuyến Bộ cũng nêu rõ làm thế nào giảm thời gian giảng trên lớp học trực tuyến, cố gắng để học sinh lên lớp không phải chỉ ngồi nghe cô giảng như trên lớp học trực tiếp. Các thầy cô cần nghiên cứu kĩ, xây dựng kịch bản dạy học trực tuyến phù hợp hơn.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ số MobiFone nhận thấy, việc dạy học và quản lý trường học trực tuyến không chỉ xác định là áp dụng do dịch bệnh, mà giáo dục số thực sự là xu hướng chung của toàn xã hội thời đại mới. Nhà trường và thầy cô trong thời gian qua cũng có phần thích nghi quan điểm này và dần dần tiếp cận, sử dụng công nghệ mới chủ động, hiệu quả hơn.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi số giáo dục, nhà trường, giáo viên và toàn ngành thông tin đang chuyển mình, đổi mới để đào tạo nên một thế hệ mới hội nhập, văn minh, cả về công nghệ lẫn nội dung.
Để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả tốt nhất, ông Hạnh cho rằng, nhà trường nên tiếp cận với các giải pháp giáo dục có tính năng LMS (quản lý trường học trực tuyến – Learning Management System) song song với dạy học trực tuyến live-class để có thể quản lý toàn bộ nhân sự, các hoạt động dạy và học, các hoạt động liên lạc, kế toán… 1 cách chuyên nghiệp và hiệu quả.
Tiếp đó, nên tiếp cận giải pháp all-in-one, tức là các hoạt động trên cùng một ứng dụng/ giải pháp để việc quản lý được đồng bộ, dễ dàng. Ngoài ra, nên tiếp cận các giải pháp từ các nhà cung cấp trong nước được thiết kế để phù hợp với các nghiệp vụ sư phạm của Việt Nam và có nhân sự trong nước hỗ trợ 24/7.
Hiện tại MobiFone cũng triển khai bộ giải pháp chuyển đổi số giáo dục mobiEdu đáp ứng các yêu cầu trên, sẵn sàng đồng hành cùng quý nhà trường và thầy cô không chỉ đáp ứng dạy học online mà còn đồng hành lâu dài trên con đường chuyển đổi số.
Minh Khôi