Cựu Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô: ‘Chi đủ tiền sẽ được cấp bằng giả’

Pháp luật - Ngày đăng : 14:00, 23/12/2021

Trả lời thẩm vấn tại tòa, cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô thừa nhận, chỉ cần học viên chi đủ tiền, sẽ được cấp bằng giả.

Hôm nay (23/12), TAND TP Hà Nội đưa vụ Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả ra xét xử.

HĐXX đã triệu tập 200 người với tư cách nhân chứng. Nhưng tại tòa, HĐXX thay đổi tư cách tham gia tố tụng của những người này thành người liên quan.

Phần lớn người liên quan vắng mặt. Đại diện Bộ GD&ĐT được triệu tập nhưng có đơn xin vắng mặt.

Cựu Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô: ‘Chi đủ tiền sẽ được cấp bằng giả’
Các bị cáo tại tòa

Theo cáo buộc, với chức vụ, quyền hạn là Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô, bị cáo Dương Văn Hòa biết rõ việc làm và cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua tuyển sinh, đào tạo là vi phạm pháp luật.

Nhưng từ ngày 22/5/2018- 29/3/2019, ông Hòa ký 429 văn bằng giả, Trong đó CQĐT đã làm rõ 208 trường hợp được cấp văn bằng giả, xác định được họ tên, tuổi, nơi cư trú, chức vụ, đơn vị công tác.

Còn lại 221 trường hợp được cấp văn bằng giả đã xác định được họ tên, tuổi người được cấp bằng nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.

Cáo trạng xác định, ông Hòa còn ký các quyết định về việc công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 và giới thiệu 2 trường hợp để Trường ĐH Đông Đô làm thủ tục để cấp bằng.

Bị xác định là đồng phạm với ông Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT, hiện đang bỏ trốn - PV), tích cực thực hiện hành vi tội phạm, trình bày trước tòa, bị cáo Hòa thừa nhận cáo trạng truy tố không oan.

Cựu Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô: ‘Chi đủ tiền sẽ được cấp bằng giả’
Bị cáo Dương Văn Hòa

Theo lời khai của cựu Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô, các thành viên tham gia HĐQT nhưng không góp vốn. Người góp vốn thành lập trường là ông Trần Khắc Hùng và một số công ty.

Bản chất chủ sở hữu nhà trường là ông Trần Khắc Hùng. Các thành viên tham gia HĐQT để nhà trường có đầy đủ ban bệ.

Vẫn theo lời khai của ông Hòa, chủ trương cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua đào tạo là do ông Trần Khắc Hùng quyết định và không thông qua HĐQT, ban giám hiệu, mà chỉ đạo trực tiếp đến tất cả bị cáo.

Ông Hòa thừa nhận, chỉ cần học viên chi đủ tiền thì sẽ được cấp bằng giả.

Vẫn theo lời khai của cựu Hiệu trưởng, bị cáo không được hưởng tiền chênh lệch. “Bị cáo tin tưởng anh Hùng, vì anh Hùng nói cứ yêu tâm làm đi, những vi phạm của trường không nguy hiểm lắm đâu”, ông Hòa khai.

Lời khai bất nhất

Cáo buộc cho rằng, với chức vụ, quyền hạn là Phó Hiệu trưởng, kiêm Phó Viện trưởng Viện đào tạo liên tục Trường ĐH Đông Đô, bà Trần Kim Oanh biết rõ việc cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua tuyển sinh, đào tạo là vi phạm pháp luật.

Cựu Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô: ‘Chi đủ tiền sẽ được cấp bằng giả’
Bị cáo Trần Kim Oanh

Nhưng vì động cơ vụ lợi nên từ tháng 4/2018- 3/2019, bị cáo đã chỉ đạo các bị cáo khác tiếp nhận hồ sơ, tổ chức cho học viên hợp thức bài thi để Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh.

Từ ngày 22/5/2018- 29/3/2019, với tư cách trưởng đơn vị đào tạo, bà Oanh đã ký 16 danh sách đề nghị in bằng giả cho 287 cá nhân. Trong đó, CQĐT đã làm rõ 111 trường hợp được cấp văn bằng giả, xác định được họ tên, tuổi, nơi cư trú, đơn vị công tác.

Cáo trạng xác định, bà Oanh còn chỉ đạo Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên Trần Ngọc Quang làm giả bản phô tô quyết định về việc công nhận thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng 2 ngành Tiếng Anh để làm thủ tục mua phôi bằng tại Bộ GD&ĐT;

Chỉ đạo bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Thái (cán bộ nhà trường) làm hợp thức quyết định về việc công nhận thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ hai năm 2015 và danh sách kèm theo có 382 học viên trúng tuyển; quyết định về việc công nhận trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ hai năm 2016 kèm theo danh sách 47 cá nhân trúng tuyển để đối phó với Bộ GD&ĐT.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bà Oanh khai, thực hiện hành vi phạm tội, bà được hưởng lợi 48 triệu đồng.

Theo lời khai của bà Oanh, theo quy định của nhà trường, nhân viên được thưởng trên số lượng hồ sơ tuyển sinh là 7 triệu đồng/1 hồ sơ.

Về chủ trương cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua đào tạo, bị cáo Oanh trình bày: “Khi họp, ông Hùng nói đã tìm hiểu, tham khảo ý kiến của luật sư. Cùng lắm chỉ vi phạm hành chính. Các nhân viên chỉ thực hiện thì không có vấn đề gì”.

Là nhà giáo cống hiến 20 năm trong ngành, bà Oanh khai, vì chưa tìm hiểu rõ ràng nên xảy ra sai phạm. Bà nói lời xin lỗi gia đình, sinh viên…

Đối chất với lời khai của bị cáo Oanh, bị cáo Hòa cho rằng, có chủ trương chi thưởng, nhưng bị cáo không được hưởng lợi và nếu không làm, bị cáo sẽ bị đuổi việc.

T.Nhung