Vì sao vào mùa lạnh thường đau nhức xương khớp?

Tin Y tế - Ngày đăng : 19:57, 22/12/2021

Vào giai đoạn chuyển mùa, đặc biệt thời tiết mùa lạnh. Khi đó, những người mắc bệnh khớp thường cảm nhận rõ hơn tình trạng đau nhức xương khớp, tê cứng, khó vận động tại khớp.
46-dau-nhuc-xuong-khop-o-nguoi-tre.jpeg
Vào trời lạnh nhiều người thường có biểu hiện đau nhức xương khớp - Ảnh: Internet

Đau nhức xương khớp khiến bệnh nhân khổ sở trong sinh hoạt, trong lao động từ đó làm giảm sút chất lượng cuộc sống, thậm chí có thể bị những biến chứng không đáng có.

Nhóm bệnh lý về cơ xương khớp bao gồm các bệnh: thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, viêm khớp, thấp khớp, thoát vị đĩa đệm, loãng xương - căn bệnh đang rất phổ biến hiện nay.

Vì sao lại đau vào trời lạnh

Bác sĩ CK2 Huỳnh Tấn Vũ – trưởng đơn vị ban ngày, cơ sở 3 Đại học Y dược TP.HCM - cho biết khi trời trở lạnh, nhiệt độ hạ thấp, cơ thể có xu hướng cố dự trữ năng lượng, lưu thông máu kém hơn bình thường. Không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể qua đường da, mạch máu tại các vùng da đó co lại, làm giảm lưu thông của dịch khớp, máu đến các khớp xương bị hạn chế hoặc rất ít nên thiếu máu nuôi dưỡng khớp, các màng hoạt dịch và sụn khớp bị thương tổn, gây nên đau nhức.

Lưu thông máu kém: Lưu thông tuần hoàn máu trong cơ thể trở nên kém hơn bình thường khi trời chuyển lạnh và nhiệt độ hạ xuống thấp. Đó là do cơ thể cố gắng dự trữ năng lượng, khí lạnh vào da và làm mạch máu co lại.

Rối loạn tuần hoàn trong cơ thể: Bao gồm tuần hoàn tại vị trí khớp, dịch khớp, độ nhớt máu, thay đổi vận mạch, tình trạng muối kết tủa do nồng độ hóa chất trung gian thay đổi,... là nguyên nhân gây đau nhức cơ xương khớp vào mùa lạnh.

Co rút gân cơ khớp: Độ ẩm tăng cao vào mùa lạnh làm đông hoặc co rút gân cơ khớp. Khi đó, các khớp bị khô cứng, gây hạn chế vận động và đau nhức.

Bệnh khớp mãn tính: Ở người lớn tuổi, hệ miễn dịch suy giảm kết hợp với các bệnh lý khớp mãn tính là nguyên nhân gây đau xương khớp vì khớp bị thoái hóa do tuổi tác, khí huyết lưu thông suy giảm.

Triệu chứng nào để nhận biết?

Đau nhức xương khớp: tại các vị trí thường xuyên cử động nhiều như đầu gối, cổ tay, ngón tay, người bệnh sẽ thấy đau nhức và buốt từ trong xương, các khớp sưng và đỏ, tê cứng làm cản trở vận động.

Khi trời lạnh, mọi triệu chứng đau nhức xương khớp tại nhiều vị trí trên cơ thể đều nặng hơn, đặc biệt tập trung ở khớp bị tổn thương trước đó hoặc đang mắc bệnh lý như: xương cột sống, xương khớp gối, xương cổ, xương vai, xương thắt lưng, bàn tay,…

Tình trạng này thường nghiêm trọng nhất vào ban đêm hoặc sáng sớm do lúc này thời tiết lạnh nhất. Ngoài ra còn có tê, sưng khớp.  Điều đáng nói là càng bị đau, nhức xương, khớp, người bệnh càng sợ cử động dẫn đến các khớp trở nên tê cứng, khó cử động, đặc biệt là khớp gối, khớp cổ tay, ngón tay...

Phát ra âm thanh ở các khớp: Khi trời trở lạnh, đau nhức xương khớp có thể phát ra âm thanh mỗi khi cử động. Đây có thể do các xương cọ xát vào nhau, lâu dần gây tổn thương và đau nhức nghiêm trọng hơn.

Cứng khớp: là tình trạng các khớp bị cứng đơ, không thể hoặc rất khó để cử động. Cứng khớp thường chỉ kéo dài khoảng 10 - 30 phút, xuất hiện sau khi bệnh nhân ngủ dậy, nhất là ngủ dậy sáng sau một đêm nằm ngủ.

20210323_dau-nhuc-xuong-khop-1.jpeg
Đau nhức xương khớp thường xảy ra ở người lớn tuổi vào mùa đông - Ảnh: Internet

Phòng tránh ra sao?

Giữ ấm cho cơ thể: Nên nghe tin dự báo thời tiết đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh để có phương pháp phòng vệ hiệu quả như: tăng cường giữ ấm cơ thể, việc giữ ấm luôn là vấn đề cần được chú trọng nhất trong mùa đông, cần giữ ấm cơ thể, cổ...

Làm ấm vùng khớp: Chườm nóng với túi chườm thảo dược, ngâm chân, tay với nước thuốc, ngâm tắm toàn thân thảo dược

Nghỉ ngơi hợp lý: Lúc này, để giảm đau cần giảm hoạt động và áp lực cho khớp như dùng gậy chống, vịn tay, mang găng hay miếng dán ở các khớp xương, đeo đai lưng, masage, chườm ấm…với những nhân viên văn phòng chúng ta cần hạn chế ngồi làm việc lâu quá hai giờ.

Chế độ ăn uống hợp lý: Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất và cân bằng để duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải, tránh béo phì, thừa cân.

Tránh xa một số loại thực phẩm có thể tác động tới bệnh xương khớp vì những thực phẩm này sẽ sinh ra các chất có thể làm tăng gánh nặng cho khớp, trong đó bao gồm: các chất kích thích, thịt đỏ, đồ đông lạnh, phủ tạng động vật, đồ ăn nhanh, đồ ăn có tính nóng, quá chua hay quá mặn.

Uống đủ nước mỗi ngày, bởi lẽ, khi cơ thể thiếu nước có thể gây hiện tượng cô đặc máu, làm giảm lưu thông máu đến nuôi dưỡng các khớp.

 Nên đi khám chuyên khoa: Tốt nhất là khám chuyên khoa khớp để được xác định nguyên nhân (tổn thương thực thể, thoái hóa khớp hay chỉ là do viêm khớp phản ứng) để có chỉ định điều trị sớm.

Sử dụng thuốc hợp lý: Khi gặp các cơn đau nhức, cứng khớp, người bệnh hay tìm đến các thuốc giảm đau nhanh.

Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo, việc lạm dụng các thuốc giảm đau trong bệnh xương khớp rất nguy hiểm, không chỉ gây tác dụng phụ đau dạ dày mà còn làm gia tăng nguy cơ tim mạch, đột quỵ, làm lu mờ triệu chứng bệnh xương khớp khiến bệnh diễn biến xấu nhanh hơn, sụn và xương dưới sụn hư hỏng nghiêm trọng hơn.

Rèn luyện xương khớp: Nhiều người khi bị đau nhức xương khớp sợ đau nên không dám cử động khiến các khớp càng trở nên tê cứng. Tuy nhiên, thực chất, khi bị khớp, mọi người càng nên vận động thường xuyên nhưng nhẹ nhàng để giúp khí huyết lưu thông, mô sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất và tăng tiết dịch, bôi trơn các khớp.

ANH ĐÀO