Thời tiết trở lạnh, bệnh nhân nhập viện do đột quỵ gia tăng

Tin Y tế - Ngày đăng : 15:31, 22/12/2021

Thời tiết trở lạnh khiến tình trạng bệnh nhân nhập viện do đột quỵ gia tăng, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh nền.

"Mùa đột quỵ"

Trao đổi với Lao Động về vấn đề trên, ThS.BS Phạm Xuân Hiếu - Trưởng khoa Cấp cứu - Trưởng đơn vị đột quỵ - Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, thời tiết thay đổi, đặc biệt là thời điểm chuyển mùa từ mùa thu sang đông, tỉ lệ nhập viện do đột quỵ tăng cao, đặc biệt là những người lớn tuổi.

"Gần đây, tỉ lệ người cấp cứu do đột quỵ tăng từ 15-20% so với mùa khác. Đơn vị của chúng tôi gọi mùa này là "mùa đột quỵ" vì tỉ lệ nhập viện do đột quỵ đông hơn hẳn so với các bệnh lý khác" - ThS.BS Hiếu nói.

Lý giải tại sao thời tiết trở lạnh lại khiến số ca đột quỵ tăng cao, BS Hiếu cho biết, với những người lớn tuổi - ví dụ những người có tiền sử tăng huyết áp, mạch máu chịu một áp lực nhất định dẫn đến xơ cứng, xơ vữa. Đối với mùa lạnh, việc thay đổi thời tiết đột ngột gây ra hiện tượng giãn nở mạch máu đột ngột và tăng huyết áp đột ngột khiến những người lớn tuổi hay những người có bệnh lý nền không thể thích nghi, gây xuất huyết não.

Bên cạnh đó, vì trời lạnh, người có bệnh nền hoặc người lớn tuổi ít vận động, máu không lưu thông tốt gây nguy cơ hình thành những cục máu đông, đặc biệt ở những người có nguy cơ xơ vữa động mạch, thiếu huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc những người suy tĩnh mạch.

"Đột quỵ có 2 thể là nhồi máu não và xuất huyết não. Vào mùa đông, đa số người lớn tuổi gặp tình trạng xuất huyết não. Nếu người bệnh không tuân thủ hướng dẫn, không lắng nghe cơ thể mình thì nguy cơ đột quỵ sẽ rất cao" - BS Hiếu nói.

"Không trì hoãn vì bất cứ lý do nào"

Theo ThS.BS Phạm Xuân Hiếu, đột quỵ là căn bệnh có thể phòng tránh và việc điều trị kịp thời sẽ hạn chế những di chứng về sau. Do đó, cần chú ý các dấu hiệu nhận biết - “FAST" để cấp cứu sớm bệnh nhân bị đột quỵ não. Dấu hiệu “FAST” gồm 4 yếu tố đó là: 

Khuôn mặt (Face): nhân trung lệch sang một bên; Tay chân (Arms): tay chân yếu, tê bì một bên hoặc có thể hai bên, cầm vật đột nhiên rơi, hay đang đi, đứng đột nhiên quỵ xuống; Giọng nói (Speech): nói ngọng, thất ngôn, ú ớ không nói được; Thời gian (Time): thời gian vàng cấp cứu đột qụy não 4,5 tiếng trở xuống kể từ lúc bắt đầu có các dấu hiệu trên.

BS Hiếu cảnh báo, khi thấy bệnh nhân có các dấu hiệu đầu tiên xảy ra như liệt mặt, liệt chân tay, nói khó,… cần để bệnh nhân ở tư thế an toàn - tư thế đầu cao, nghiêng sang một bên để tránh hiện tượng ứ đọng đờm dãi, chất nôn rơi vào đường thở gây suy hô hấp, tắc nghẽn đường hô hấp.

"Không trì hoãn cấp cứu vì bất cứ lý do nào, không được cho người bệnh uống bất cứ thuốc gì. Phải nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất để trong vòng 4 giờ đầu có thể cấp cứu được bệnh nhân" - BS Hiếu nói.

Cách phòng tránh đột quỵ mùa lạnh

Theo ThS.BS Phạm Xuân Hiếu - Trưởng khoa Cấp cứu - Trưởng đơn vị đột quỵ - Bệnh viện E, để phòng ngừa đột quỵ ngoài việc kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, bệnh tim mạch cần có chế độ ăn lành mạnh; tránh căng thẳng, stress và lưu ý về chăm sóc sức khỏe trong mùa lạnh.

Theo đó, cần theo dõi thời tiết, mặc đủ ấm, uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh, không tắm muộn, không tắm nước lạnh. Đồng thời hoạt động thể dục, thể thao nhẹ nhàng, tuyệt đối không luyện tập ở những nơi có gió lùa, nên tập luyện trong không gian ấm áp.

"Rất nhiều trường hợp đột quỵ vào sáng sớm, đa số đều là người lớn tuổi đi tập thể dục từ 4-5 giờ sáng. Vì vậy, những người lớn tuổi không vì mất ngủ mà dậy sớm tập thể dục theo cách cực đoan" - BS Hiếu thông tin.

Thiều Trang