10 phóng sự ảnh ấn tượng trên Dân trí năm 2021
Xã hội - Ngày đăng : 07:06, 22/12/2021
Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam bùng phát vào những ngày cuối tháng 4, đặc biệt tăng cao tại một số tỉnh thành ở phía Bắc. Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19 tại Bắc Giang, 628 giường tại Bệnh viện dã chiến số 2 bên trong nhà thi đấu tỉnh đã gấp rút hoàn thiện, sẵn sàng đón nhận bệnh nhân Covid-19 vào điều trị vào những ngày cuối tháng 5 (Ảnh: Mạnh Quân).
Xem thêm: Cận cảnh Bệnh viện dã chiến 628 giường cùng 300 y bác sỹ ở Bắc Giang, sẵn sàng điều trị bệnh nhân Covid-19
Tình trạng người nước ngoài và Việt kiều ồ ạt nhập cảnh vào Việt Nam trái phép mang theo nguồn lây virus SARS-CoV-2 khiến các cửa khẩu và đường biên giới với các nước lân cận "nóng" hơn bao giờ hết. Trong suốt nhiều tháng, những chiến sĩ biên phòng Tây Ninh được xem như bức "tường lửa" căng mình tuần tra giữa rừng bảo vệ biên giới Tây Nam (Ảnh: Hải Long).
Xem thêm: Trắng đêm giữa rừng làm "tường lửa" chống dịch ở biên giới Tây Nam
Những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6, dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại TPHCM. Cấp độ giãn cách xã hội liên tục được nâng cao, các biện pháp phòng chống dịch được áp dụng triệt để nhằm hạn chế tối đa người dân ra đường, tránh tiếp xúc và lây lan dịch bệnh. Mọi trục giao thông huyết mạch và các tuyến đường trung tâm TPHCM vắng bóng người và phương tiện. Đây là những hình ảnh ảm đạm chưa từng thấy ở thành phố sôi động nhất Việt Nam (Ảnh: Tiến Tuấn).
Xem thêm: Hình ảnh Sài Gòn vắng vẻ chưa từng thấy sau gần một tháng giãn cách xã hội
Thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các cảng hàng không tại Việt Nam chính thức dừng bay quốc tế, giảm mạnh các đường bay nội địa. Có thời điểm, dịch bệnh tại TPHCM diễn biễn cực kỳ phức tạp, Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất gần như đóng băng hoàn toàn, dừng mọi chuyến bay nội địa đi và đến. Suốt nhiều tháng, hàng trăm tàu bay đã phải "đắp chiếu" nằm la liệt tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất (Ảnh: Tiến Tuấn).
Xem thêm: Ám ảnh hàng trăm tàu bay "đắp chiếu" nằm la liệt tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất
Số ca F0 tại TPHCM tăng nhanh chóng mặt trong khoảng thời gian tháng 7, 8, nhiều bệnh viện hồi sức cấp cứu quy mô hàng nghìn giường bệnh khẩn trương đi vào hoạt động để kịp thời điều trị các ca bệnh nặng. Cuộc chiến giành giật sự sống cứu các bệnh nhân chưa bao giờ ngừng nghỉ, thậm chí là nhiều đêm trắng không ngủ đối với các nhân viên y tế tại những "thành trì" cuối cùng chiến đấu với Covid-19 ở TPHCM. Tuy nhiên, có những người đã không qua khỏi, TPHCM bắt đầu ghi nhận những ca tử vong đầu tiên do Covid-19 (Ảnh: Hải Long).
Xem thêm: Đêm trắng tại "thành trì" cuối cùng chiến đấu với Covid-19 ở TPHCM
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta đã đưa ngành y tế vào những tháng ngày chưa từng có trong lịch sử. Đến 19/11, đã có 50/63 tỉnh thành ghi nhận các ca tử vong do Covid-19. Trong đó, các tỉnh thành phía Nam, nhất là TPHCM chịu ảnh hưởng nặng nhất với hơn 17.000 trường hợp tử vong, chiếm 74% tổng số ca tử vong trên cả nước. Ngày đỉnh điểm thành phố này ghi nhận 340 người tử vong do Covid-19 (Ảnh: Hữu Khoa).
Xem thêm: Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở TPHCM
Giữa cơn bão Covid-19 càn quét khắp các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là tại TPHCM, nhiều trung tâm y tế chăm sóc sức khỏe người dân vẫn cố gắng trụ vững. Tại Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM), các y bác sĩ túc trực ngày đêm, căng thẳng từng phút từng giây để giành sự sống, mổ đẻ cho những bà bầu mắc Covid-19. Tính đến 13/8, đã có hơn 600 thai nhi có mẹ là F0 ở TPHCM giành được sự sống (Ảnh: Hải Long).
Xem thêm: "Cân não" giành sự sống cho 600 thai nhi có mẹ là F0 ở TPHCM
Bắt đầu từ 0h ngày 23/8, TPHCM tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, lực lượng quân đội đã được tăng cường để hỗ trợ chống dịch Covid-19. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đã có gần 3.000 chiến sĩ từ Học viện Quân y; Sư đoàn 5, Quân khu 7… được tăng cường để sát cánh cùng nhân dân TPHCM chống dịch. Lực lượng quân đội, công an chuyên trách một số nhiệm vụ cụ thể như: Kiểm soát người dân ra đường; chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho dân; hỗ trợ điều trị, tiêm vaccine… với tinh thần không để người dân thiếu nhu yếu phẩm trong những ngày siết chặt giãn cách (Ảnh: Nguyễn Quang).
Xem thêm: Bộ đội dầm mưa, trao quà tự tăng gia sản xuất cho người dân TPHCM
Rút kinh nghiệm chống dịch từ TPHCM và các tỉnh thành khác, TP Hà Nội đã đưa ra những quyết sách mạnh mẽ ngay từ đầu để ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát. Chiến dịch xét nghiệm diện rộng và tiêm phủ vaccine ngừa Covid-19 được triển khai từ đầu tháng 9. Nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã tổ chức tiêm chủng cả ngày lẫn đêm nhằm đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine phòng Covid-19 cho 100% người dân trên địa bàn (Ảnh: Mạnh Quân).
Xem thêm: Ảnh: Toàn cảnh Chiến dịch truy vết và phủ vắc xin ngừa Covid-19 tại Hà Nội
Qua nhiều tháng kháng cự với đại dịch Covid-19, những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10, hàng chục nghìn người dân - trong đó chủ yếu là lao động từ các địa phương trên cả nước - đã ùn ùn kéo nhau rời TPHCM trở về quê. Do các quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt và không thể qua chốt kiểm soát, hàng nghìn người dân đã trải bạt, mắc võng nằm vạ vật trắng đêm ở cửa ngõ phía Tây TPHCM (Ảnh: Hải Long).
Sau đó, các tỉnh thành đã lên phương án chăm lo cho người dân, hỗ trợ phương tiện di chuyển, lo chỗ ăn nghỉ tạm thời cũng như xét nghiệm Covid-19, đảm bảo công dân về quê hương an toàn.
Xem thêm: Dân trải bạt, mắc võng nằm vạ vật trắng đêm ở cửa ngõ phía Tây TPHCM