Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các hành vi bán thuốc điều trị COVID-19 trái phép
Tin Y tế - Ngày đăng : 15:17, 21/12/2021
“Người dân đã gián tiếp từ chối sự bảo vệ của Nhà nước”
Như Lao Động đã đưa tin, trước thực trạng số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng cao trở lại, nhiều trường hợp F0 qua nhiều ngày không được chăm sóc y tế, phải loay hoay tự lo cho mình, không ít người dân tự truy tìm thuốc phòng, điều trị COVID-19 để điều trị hoặc dự trữ. Theo đó, nhiều loại thuốc được quảng cáo là hàng xách tay chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép lưu hành vẫn ngang nhiên bán buôn, thậm chí "cháy hàng" trên thị trường.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Lê Minh - Chuyên viên pháp lý cấp cao - Công ty luật TNHH Vương Nguyễn Associates cho biết, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa khái niệm "hàng xách tay", vì đó là khái niệm không chính thức.
Theo ông Lê Minh, "hàng xách tay" là tên thường gọi của các loại hàng hóa không được nhập khẩu theo con đường chính ngạch, mà được mang từ nước ngoài về Việt Nam theo hình thức xách tay, nhỏ lẻ.
Theo đó, các loại hàng xách tay rất đa dạng, như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc men,… thường là những mặt hàng có chất lượng cao do nước ngoài sản xuất, nhưng chưa được phân phối tại Việt Nam.
Vì vậy, việc bán hàng xách tay cũng giúp thỏa mãn nhu cầu của một nhóm người tiêu dùng nhất định, trên một thị trường ngách. Việc mang hàng xách tay cơ bản là hợp pháp (trừ các loại hàng quốc cấm). Và khi không có nhu cầu sử dụng, người dân có thể rao bán cho người khác như một giao dịch dân sự thông thường.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có những cơ sở núp bóng dưới việc buôn bán hàng xách tay để bán các loại hàng lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có kiểm định chất lượng. Thực chất, đó không phải là kinh doanh hàng xách tay, mà là hình thức kinh doanh phi pháp.
"Việc tiêu thụ các hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng lậu sẽ mang đến nhiều nguy cơ xấu cho người tiêu dùng, đặc biệt là thuốc chữa bệnh. Nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ gây tổn hại đến sức khỏe. Khi xảy ra hậu quả xấu, người mua hàng khó có thể bảo vệ quyền lợi của mình, do việc xác định nguồn gốc hàng hóa là rất khó khăn" - ông Lê Minh nói.
Cũng theo ông Lương Lê Minh, kinh doanh dược phẩm là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thương nhân kinh doanh thuốc chữa bệnh phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe do pháp luật quy định, để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Thuốc chữa bệnh đưa vào kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện luật định, người mua thậm chí phải có đơn của bác sĩ.
"Nhà nước có quy định pháp luật nghiêm ngặt với hoạt động kinh doanh dược phẩm và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, chính là để bảo vệ người tiêu dùng. Vì vậy, việc lựa chọn mua các thuốc được quảng cáo là hàng xách tay phòng, điều trị COVID-19 là người dân đã gián tiếp từ chối sự bảo vệ của Nhà nước" - ông Lê Minh khẳng định.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm
Theo ông Lương Lê Minh - Chuyên viên pháp lý cấp cao - Công ty luật TNHH Vương Nguyễn Associates, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, Nhà nước cần tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân để không lạm dụng sử dụng các loại hàng xách tay, đặc biệt là các loại thuốc chữa bệnh.
Đồng thời, các cơ quan chức năng về quản lý dược, quản lý thị trường cần đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, xử lý các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh trái phép, có chế tài nghiêm khắc để tránh các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng tràn lan ra thị trường.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề trên, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, các lực lượng chức năng đã xử lý, xử phạt nhiều vụ việc liên quan đến hành vi bán thuốc điều trị COVID-19 trái phép, đặc biệt là những sản phẩm thuốc điều trị COVID-19 xách tay, không có hoá đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Những vụ việc lớn, Cục QLTT Hà Nội đã chuyển cơ quan điều tra, để xử lý theo các quy định của pháp luật.
Theo Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, hiện nay là tháng cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp cuối năm. Vì vậy, sẽ tập trung kiểm soát hoạt động vận chuyển trái phép các mặt hàng phòng, chống dịch COVID-19, lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, kinh doanh hàng giả và các mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm,...