4 chi tiết cho thấy tranh cãi bóp méo lịch sử của 'Snowdrop' đã không còn là chuyện anti 'mượn nước đẩy thuyền' như fan Jisoo và BLACKPINK vẫn nghĩ

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 13:21, 21/12/2021

Tất cả những gì xảy ra chỉ trong vài ngày gần đây đã và đang chứng minh người Hàn thực sự tức giận với dàn diễn viên, biên kịch, đạo diễn và toàn bộ ekip đứng sau bộ phim này đến mức nào.

Trong khoảng 3 ngày gần đây, dù là với fan Kpop hay fan Kdrama, chủ đề đang được quan tâm hàng đầu có lẽ chính là bộ phim "Snowdrop". Đánh dấu lần đầu tiên Jisoo(BLACKPINK) đảm nhận vai chính trong một bộ phim truyền hình, "Snowdrop" được chú ý không chỉ tại Hàn Quốc mà còn trên toàn thế giới. Thế nhưng trong khi fan quốc tế vẫn đang hết lòng ủng hộ nhiệt liệt thì với khán giả Hàn Quốc, phản ứng dễ dàng nhìn thấy nhất trong những ngày qua chính là sự phản đối và tẩy chay dữ dội xuất hiện ở khắp mọi nơi trên Internet xứ củ sâm.

Trên thực tế, cách các fan quốc tế của BLACKPINKnói chung và của Jisoonói riêng phản ứng trong tình huống này chính là một trong những nguyên nhân khiến người Hàn càng thêm nổi giận với những tranh cãi xung quanh "Snowdrop". Thay vì im lặng và ủng hộ trong âm thầm, nhiều fan lại chọn cách chỉ trích ngược lại người Hàn, lan truyền những thông tin sai sự thật về rating, xuyên tạc thông báo của Nhà Xanh, kêu gọi ký tên vào không gian kiến nghị chỉ dành cho công dân Hàn Quốc,.... Thậm chí, không ít fan còn tin rằng tất cả những gì đang xảy ra chỉ là do anti tìm cách hãm hại phim đầu tay của Jisoo và mọi thứ vẫn còn trong vòng kiểm soát chứ không nghiêm trọng như cách mà báo chí đưa tin. Thế nhưng nếu tìm hiểu kỹ cách mà người Hàn đang phản ứng với bộ phim này, có ít nhất 4 chi tiết cho thấy toàn bộ tình huống hiện tại chắc chắn không phải do anti "mượn nước đẩy thuyền" như những gì người hâm mộ vẫn nghĩ.

Đơn kiến nghị gửi Nhà Xanh

Từ trước khi "Snowdrop" lên sóng, người Hàn đã tạo đơn kiến nghị gửi lên Nhà Xanh yêu cầu cấm sóng bộ phim này vì nội dung bóp méo lịch sử giai đoạn 1987. Sau khi kiến nghị thu về 200.000 chữ ký, Nhà Xanh đã đưa ra phản hồi cho biết họ không thể can thiệp vào một bộ phim chưa phát sóng vì quyền tự do sáng tạo được đề cập trong luật phát thanh truyền hình nước này.

Đến khi tập 1 phát sóng, một lần nữa đơn kiến nghị cấm sóng lại được thực hiện và lần này, tốc độ ký tên thậm chí còn gây choáng hơn. Chỉ trong vòng 1 ngày, bản kiến nghị phản đối "Snowdrop" đã thu về 100.000 chữ ký và đến nay, tức là chỉ khoảng 3 ngày sau khi được tạo, hơn 310.000 chữ ký đã được để lại trên trang web của Nhà Xanh và hiện vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Đây cũng có lẽ là lần đầu tiên một bộ phim truyền hình Hàn Quốc lại phải đối mặt với một số lượng chữ ký phản đối lớn đến vậy chỉ trong vòng một thời gian ngắn.

Jisoo-Snowdrop

Điều đáng nói là sau khi chứng kiến số lượng chữ ký khủng đến vậy, một bộ phận fan BLACKPINKlại một lần nữa lan truyền những thông tin sai sự thật khi cho rằng đại đa số những người ký tên đều là... anti-fan chứ không phải dân Hàn, đồng thời khẳng định một người hoàn toàn có thể ký được nhiều lần. Thế nhưng sự thật là trang web Nhà Xanh chỉ cho phép 1 tài khoản ký tên đúng 1 lần trên 1 thiết bị, và người tham gia phải đăng nhập bằng các tài khoản Naver, Kakao,.... Điều này có nghĩa là 300.000 chữ ký kia thực tế cũng chính là đại diện cho ý kiến của khoảng 300.000 người Hàn (vẫn đang tiếp tục tăng lên) đang ra sức phản đối việc tiếp tục phát sóng bộ phim này.

Các nhãn hàng tháo chạy

Chứng kiến làn sóng tẩy chay lớn chưa từng có từ khán giả nước nhà, hàng loạt nhãn hàng đã nhanh chóng công khai tuyên bố rút lui không tiếp tục tài trợ cho phim. Nhìn vào cách các thương hiệu phản ứng, rõ ràng có thể thấy họ đang sợ bị người tiêu dùng Hàn Quốc tẩy chay đến mức nào. Những nhãn hàng có tham gia tài trợ vội vã đăng lời xin lỗi, những nhãn hàng không tham gia tài trợ (nhưng bị hiểu lầm có tham gia) nhanh chóng lên tiếng giải thích họ không có liên quan gì đến bộ phim "có vấn đề" này.

Jisoo-Snowdrop
Jisoo-Snowdrop
Jisoo-Snowdrop
Jisoo-Snowdrop

Đáng chú ý, trong số các nhãn hàng vội vàng "cắt đứt quan hệ" với "Snowdrop" còn có cả Pura Chicken - thương hiệu mà nam chính Jung Hae In đang làm người mẫu đại diện. Vào chiều 20 tháng 12, Pura Chicken đã ra thông báo chính thức trong đó khẳng định họ đã yêu cầu ekip sản xuất "Snowdrop" xóa tất cả những phân cảnh có sự xuất hiện của nhãn hàng, đồng thời gửi lời xin lỗi vì đã khiến những người yêu mến họ phải thất vọng. Động thái cứng rắn này của Pura Chicken khiến nhiều người tin rằng rất có thể hợp đồng người mẫu quảng cáo của Jung Hae In sau này cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, và nhiều khả năng các diễn viên khác cũng không ngoại lệ.

Jisoo-Snowdrop

Phản ứng từ Naver

Trong thời gian đầu khi những bình luận tiêu cực về "Snowdrop" xuất hiện, không ít fan của BLACKPINKtừng cho rằng đây chỉ là ý kiến của "thiểu số" người Hàn trên các diễn đàn nhỏ như Theqoo hay Pann - trong khi phía Naver (cổng thông tin điện tử lớn nhất Hàn Quốc, nơi luôn được cho là đại diện cho ý kiến của đa số công dân Hàn Quốc) vẫn phản ứng vô cùng tích cực. Thế nhưng chỉ sau 2 tập đầu tiên của "Snowdrop", trên chính Naver lại xuất hiện hàng loạt bài báo với phản ứng tiêu cực chưa từng có nhắm vào "Snowdrop" cũng như cả dàn diễn viên mà vote up đã lên đến hàng ngàn.

Jisoo-Snowdrop

Bài báo về "SNowdrop" được đăng ở mục Xã hội...

Jisoo-Snowdrop
Jisoo-Snowdrop

... với hầu hết người bình luận trải đều ở các độ tuổi từ 20 đến 50 (cao nhất là 40)

Thực tế, tình huống này lại là một hiểu lầm tai hại khác! Trang tin giải trí của Naver đã đóng bình luận từ lâu, và cái gọi là "phản ứng tích cực" từ Naver rất có thể chỉ là lượt reaction dưới các bài viết (điều mà fan hoàn toàn có thể kêu gọi nhau cùng thực hiện). Thế nhưng đến hiện tại, những bài báo về "Snowdrop" đã không còn gói gọn ở mục giải trí mà được đưa ra trang chính (news/thời sự), vì thế người Hàn mới có thể bình luận bày tỏ ý kiến của mình. Và một khi một chủ đề giải trí bùng nổ thành một vấn đề thời sự, rõ ràng nó đã không còn là chuyện mà sự bênh vực của người hâm mộ có thể giải quyết được.

Sự phẫn nộ từ đại diện của chính các nạn nhân trong sự kiện 1987

Vào những năm 1980, với tư cách là chủ tịch hội sinh viên khoa Ngữ văn của Đại học Quốc gia Seoul, Park Jong Chul - người được xem là "linh hồn của chế độ dân chủ Hàn Quốc", chính là một trong những nhà hoạt động thuộc phong trào sinh viên đấu tranh chống lại chế độ độc tài của chính quyền Chun Doo Hwan. Sau khi bị bắt giam trong một cuộc điều tra của chính phủ, Park Jong Chul quyết không khi nơi ở của các nhà hoạt động dân chủ khác. Phía chính quyền độc tài đã dùng đến bạo lực để tra tấn Park Jong Chul, dẫn đến cái chết của ông vào ngày 14 tháng 1. Sự ra đi uất ức của Park Jong Chul cũng chính là nguồn cơn dẫn đến sự thịnh nộ của giới sinh viên thời điểm đó, dẫn đến Phong trào dân chủ Seoul 1987 (được lãnh đạo bởi sinh viên 2 trường đại học danh tiếng nhất nhì Hàn Quốc là Đại học Yonsei và Đại học Quốc gia Seoul) mà kết quả cuối cùng chính là sự thành lập của nền đệ lục cộng hòa 1 năm sau đó khi người dân Hàn Quốc lần đầu tiên được trực tiếp đi bầu cử Tổng thống.

Vào ngày 20 tháng 12, đại diện của Quỹ Tưởng niệm Liệt sĩ Park Jong Chul nói với CBS No-cut News rằng: "3 trục quyền lực nhà nước, NSA, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia và Bộ An ninh Quốc gia, đã dùng bạo lực để tra tấn những người dân vô tội vào thời điểm đó. Những hành vi đó được thực hiện một cách có hệ thống, tra tấn và bạo lực được sử dụng như một phương tiện kiểm soát bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi vào cuộc sống hàng ngày của mọi người. Những hành động như vậy đã giẫm đạp lên nhân phẩm của con người và tạo ra cảm giác sợ hãi, nhục nhã. Những vết sẹo của quá khứ không thể lành lại. Tôi sợ rằng các nạn nhân sẽ nhớ lại một mảnh ký ức về nỗi đau quá khứ của họ". Người đại diện này cũng lên án "Snowrop" và JTBC vì cho rằng họ đang lãng mạn hóa một giai đoạn quá khứ khủng khiếp và trực tiếp bóp méo lịch sử dân chủ Hàn Quốc.

Jisoo-Snowdrop
Jisoo-Snowdrop
Jisoo-Snowdrop

Đến ngày 21 tháng 12, đại diện Lee Kyung Ran của Quỹ tưởng niệm Liệt sĩ Lee Han Yeol cũng lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ với kịch bản "Snowdrop": "Đây là hành vi xúc phạm không chỉ đối với liệt sĩ Lee Han Yeol mà còn đối với nhiều người dân đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho các hoạt động đấu tranh dân chủ vào thời điểm đó. Đầu tiên, Phong trào dân chủ, bao gồm cả cuộc kháng chiến Gwangju, là một cuộc đấu tranh chống lại chính quyền độc tài, những người đã tra tấn và giết hại hàng ngàn người dân vô tội vào thời điểm đó. Việc xây dựng mối quan hệ với Bắc Hàn trong nội dung kịch bản là một sự bóp méo lịch sử vô cùng nghiêm trọng. Giống như việc trừng phạt những ai tôn thờ Đức Quốc xã, chúng ta cũng nên có chế tài xử lý hành vi bóp méo và xúc phạm Phong trào dân chủ. Tranh cãi hiện tại chẳng khác nào việc ca ngợi Đức Quốc xã cả".

Đại diện Lee Kyung Ran cũng đã chỉ trích những thiếu sót trong kiến thức lịch sử của ekip sản xuất "Snowdrop" bằng cách nhấn mạnh: "Nếu sản xuất bộ phim như vậy mà không có ý thức lịch sử và nhận thức xã hội đúng đắn, tốt nhất là ekip nên dừng phát sóng ngay cả khi phải chịu thiệt hại nặng nề và lấy đó làm tấm gương để sau này không có thêm bất kỳ một trường hợp nào như vậy". Ngoài ra, đại diện Quỹ tưởng niệm Liệt sĩ Lee Han Yeol cũng đặt ra những lo ngại khi một bộ phim như "Snowdrop" lại được bán bản quyền và phát sóng trên OTT (dịch vụ video trực tuyến) ở nước ngoài: "Dù không phải tất cả nhưng vẫn sẽ có những người nhìn nhận Phong trào dân chủ theo quan điểm bóp méo trong nội dung phim. Trong bối cảnh mà khán giả toàn cầu đang rất quan tâm đến văn hóa giải trí Hàn Quốc, việc tiếp tục phát sóng bộ phim này mà không loại bỏ triệt để những tranh cãi thực sự là một vấn đề lớn. Việc công chúng đệ đơn cấm sóng lên Nhà Xanh là điều đương nhiên. Bộ phim này không chỉ phải kết thúc ngay và luôn mà tất cả các bài đăng có liên quan đến "Snowdrop" đang trôi nổi trên mạng cũng phải bị xóa bỏ hoàn toàn".

Jisoo-Snowdrop
Jisoo-Snowdrop

Liệt sĩ Lee Han Yeol

Trước sức ép lớn của dư luận, JTBC mới đây đã ra thông báo chính thức, một lần nữa tuyên bố rằng "Snowdrop" không hề có nội dung bóp méo lịch sử. Dù vậy, phản ứng của công chúng Hàn Quốc vẫn đang phẫn nộ cùng cực khi hầu hết đều cho rằng nhà sản xuất chỉ đang "cố đấm ăn xôi" bám víu vào độ nổi tiếng quốc tế của BLACKPINK trong khi không hề quan tâm đến cảm nhận của người Hàn.

Munnie (Tổng hợp),