Công nghệ đo đạc bản đồ hiện đại quyết định thành công kỷ nguyên số: Thúc đẩy công nghệ thông tin địa lý
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 12:15, 21/12/2021
GIT - Công nghệ lớn của thế kỷ 21
Những năm gần đây, một khái niệm mới “Công nghệ thông tin địa lý” (Geographic Information Technologies - GIT) đã được đề cập đến với phạm vi rộng hơn, hiện đại hơn GIS và nó đã trở thành một thuật ngữ khá phổ biến trong hệ sinh thái địa lý. GIT bao gồm các thành phần: viễn thám (RS), hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GNSS), công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Luật Đo đạc và bản đồ 2018 khi đề cập đến các vấn đề về công nghệ, dữ liệu, quản lý thông tin và chia sẻ dữ liệu đều dựa trên nền tảng công nghệ số. Dữ liệu số được xây dựng dựa trên các việc tích hợp các công nghệ mới như Blockchain, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn với GIS đã làm phong phú thêm nội dung của GIT và thúc đẩy sự đổi mới GIT.
Ảnh minh họa |
Theo đánh giá, mặt bằng công nghệ chung của đo đạc bản đồ nước ta đang ở mức khá so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành và đưa vào sử dụng mạng VNGEONET quốc gia, đảm bảo cung cấp thông tin định vị, dẫn đường và các dịch vụ về vị trí không gian cho nền kinh tế… Tất cả nền tảng này đã góp phần đẩy nhanh các ứng dụng của GIT ở Việt Nam.
Thay đổi và đột phá ICT đáp ứng yêu cầu xu hướng GIT
Theo TS. Nguyễn Phi Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, công nghệ thông tin địa lý là công nghệ lớn của thế kỷ 21, bao trùm toàn bộ dữ liệu, công nghệ của đo đạc bản đồ, công nghệ thông tin và truyền thông. GIT được coi như một nền tảng cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và xã hội thông minh, đóng vai trò quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.
Để đáp ứng được các xu hướng của công nghệ thông tin địa lý GIT trong cuộc cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông ICT, Việt Nam cần thay đổi và có những đột phá trong công nghệ thông tin và truyền thông. Trong đó, đòi hỏi những người làm công tác đo đạc và bản đồ phải xác định được vai trò của bản đồ, dữ liệu địa lý, của số liệu tọa độ, độ cao, trọng lực…
Xu hướng kỷ nguyên số toàn cầu đòi hỏi Việt Nam phải nhìn nhận và định hướng rõ ràng, đầy đủ về sự phát triển của GIT từ 10 - 20 năm tới nhằm đánh giá đúng vai trò của dữ liệu không gian địa lý trong tiến trình phát triển của đất nước. Đặc biệt là việc nghiên cứu, phát triển các ứng dụng mới, sản phẩm mới phù hợp với sự phát triển chung của GIT trên thế giới gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh các dòng sản phẩm truyền thống của đo đạc bản đồ hiện nay như bản đồ địa hình quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, dữ liệu định vị tọa độ, độ cao; bản đồ chuyên đề, chuyên ngành… Ngành Đo đạc và Bản đồ cần phải tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng, phạm vi ứng dụng và hiệu quả khai thác đối với công nghệ thông tin địa lý để xứng tầm là một dạng hạ tầng kỹ thuật quốc gia, đó là phát triển các dạng sản phẩm mới phục vụ đời sống, phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và quản lý xã hội như: Phát triển bản đồ Web tương tác; các ứng dụng GIS thời gian thực; sản phẩm bản đồ động; dịch vụ bản đồ thuê bao; ứng dụng từ thông tin địa lý tình nguyện; các ứng dụng của hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia…
Đặc biệt, trong thời gian tới, khi xã hội cần đến dữ liệu không gian nhiều hơn, các ngành kinh tế, các thành phần xã hội sẽ dùng đến định vị và dẫn đường nhiều hơn, đây chính là cơ hội để các trường đại học nâng cao chất lượng và phạm vi đào tạo kỹ sư địa tin học, đo đạc bản đồ; các doanh nghiệp, tổ chức cần phải đổi mới công nghệ, đầu tư nguồn lực để bắt kịp với xu hướng.