Covid-19: Ngoại trưởng Canada mắc bệnh, thủ đô Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, WHO nhắc nhở Trung Quốc về nguồn gốc virus
Đối ngoại - Ngày đăng : 09:58, 21/12/2021
Ngoại trưởng Canada Melanie Joly xác nhận nhiễm Covid-19. (Nguồn: The Record) |
Canada: Ngoại trưởng Canada Melanie Joly thông báo, bà đã làm xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 và có kết quả dương tính. Bà Joly sẽ cách ly và làm việc từ xa cho tới khi có kết quả khẳng định.
Bà Joly, 42 tuổi, được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Canada vào tháng 10/2021.
Mỹ: Nhà Trắng thông báo, một nhân viên cấp trung, từng ở gần Tổng thống Mỹ Joe Biden khoảng 30 phút hôm 17/12, đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tổng thống Biden sau đó đã được xét nghiệm PCR và có kết quả âm tính.
Trong khi đó, Thị trưởng Washington D.C. Muriel Bowser đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố này do số ca mắc Covid-19 tăng vọt. Theo đó, khôi phục hoàn toàn biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm trong nhà trên phạm vi toàn thành phố, có hiệu lực từ ngày 20/12/2021-31/1/2022.
Ngoài ra, thủ đô Washington D.C. sẽ triển khai biện pháp tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên chính quyền địa phương, gồm tiêm chủng mũi vaccine tăng cường, mở rộng xét nghiệm và các điểm tiêm chủng trên toàn thành phố.
Theo Giám đốc Sở Y tế Washington D.C. Anjali Talwalkar, hiện 97% bệnh nhân Covid-19 tại thành phố mắc biến thể Delta trong khi khoảng 3% nhiễm biến thể Omicron. Dự báo số ca mắc biến thể Omicron sẽ tăng vọt trong những tuần tới.
Nga: Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko đã ký phê duyệt lịch tiêm chủng quốc gia mới vaccine phòng Covid-19 cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi để chống sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.
Văn bản nêu trên cũng lưu ý rằng công tác tiêm chủng được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và phải có đơn đề nghị của cha hoặc mẹ đối tượng được tiêm.
Nguồn gốc virus: Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 20/12 tuyên bố, Trung Quốc cần phải sẵn sàng hơn nữa trong việc chia sẻ dữ liệu và thông tin liên quan nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
Phát biểu họp báo tại Geneva, ông Ghebreyesus cho biết đã vấp phải "nhiều thất bại" trong đại dịch Covid-19 do thiếu các quy tắc hoặc nghĩa vụ theo Quy định Y tế quốc tế năm 2005 hiện hành của WHO.
Người đứng đầu WHO nêu rõ: "Chúng ta cần tiếp tục cho tới khi chúng ta nắm rõ được nguồn gốc của virus, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa vì chúng ta nên rút kinh nghiệm từ những gì đã xảy ra lần này để làm tốt hơn trong tương lai".
Nghiên cứu mới: Các nhà khoa học thuộc Đại học Ben Gurion (BGU) của Israel công bố báo cáo nghiên cứu về gen cho biết, virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 làm tổn hại đến hệ miễn dịch của cơ thể người.
Báo cáo đăng trên tạp chí iScience cho hay, nhóm nghiên cứu đã phát hiện sự tổn hại của ty thể - bộ phận sản sinh năng lượng trong tế bào - trong hệ thống các tế bào miễn dịch, nhất là ty thể của tế bào phổi.
Ty thể tế bào miễn dịch bị tổn hại là nguyên nhân gây ra hiện tượng “cơn bão cytokine”, tức là một phản ứng của hệ miễn dịch, xuất hiện với triệu chứng như sốt, viêm và mệt mỏi.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học BGU khuyến nghị, có thể sử dụng các biện pháp điều trị hiện tại nhằm vào ty thể, từ đó giúp cải thiện tình hình sức khỏe của bệnh nhân.