Nhà lãnh đạo khiến ông Tập Cận Bình quyết định gặp trực tiếp lần đầu tiên sau 2 năm

Đối ngoại - Ngày đăng : 06:55, 21/12/2021

Sau 2 năm, ông Tập Cận Bình sắp lần đầu tiên gặp gỡ trực tiếp với một nhà lãnh đạo nước ngoài và đó là Tổng thống Nga Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như sẽ là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên trong vòng 2 năm qua gặp gỡ trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sau khi ông chủ điện Kremlin xác nhận sẽ tham dự Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh vào tháng 2/2022.

Trong cuộc họp trực tuyến vào ngày 15/12, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho hay ông “mong chờ” gặp ông Putin tại Thế vận hội. Sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành xác nhận hai nhà lãnh đạo Nga – Trung sẽ có cuộc họp “mặt đối mặt”.

Nhà lãnh đạo khiến ông Tập Cận Bình quyết định gặp trực tiếp lần đầu tiên sau 2 năm
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2019. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Nga Putin có thể là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên gặp mặt trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Lần gần nhất ông Tập gặp nhà lãnh đạo nước ngoài là cựu Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga vào tháng 2/2020, một tháng trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Kể từ đó, ông Tập chưa từng thực hiện chuyến công du hoặc nhận lời gặp mặt trực tiếp quan chức nước ngoài. Đáng nói, ông Tập và ông Putin là 2 nhà lãnh đạo quốc tế duy nhất không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Rome hồi tháng 10. Ông Tập cũng không tới dự hội nghị khí hậu COP26 tại Glasgow.

Theo các nhà quan sát, cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga có thể là cơ hội để Trung Quốc dần nới lỏng những hạn chế về tiếp xúc ngoại giao trực tiếp.

“Ông Tập sẽ tham dự sự kiện Thế vận hội mùa Đông và lúc đó chuyện ông nhóm họp với các nhà lãnh đạo nước ngoài là không thể tránh khỏi. Đây có thể là dấu hiệu khởi đầu cho việc Trung Quốc tái mở cửa sau 2 năm thi hành các quy định giới hạn. Tổng thống Putin cũng hiểu rằng, Nga – Trung cần liên kết với nhau và hỗ trợ nhau trong giai đoạn cả hai cùng khó khăn”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời bà Yun Sun, Giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Trung sẽ diễn ra trong bối cảnh hai nước đang chịu sức ép ngày càng lớn từ phương Tây. Theo đó, Mỹ, Anh, Canada và Australia đã thông báo tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh. Còn Nga trở thành tâm điểm chỉ trích trong cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao thuộc nhóm G7 ở Liverpool hồi đầu tháng này.

Chuyên gia Zhao Kejin tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua cho rằng, cuộc gặp giữa ông Tập và ông Putin sẽ thể hiện mối quan hệ bền vững giữa Nga – Trung. Ngoài ra, “việc ông Tập đồng ý gặp mặt Tổng thống Putin sẽ còn là cơ hội đối với các nhà lãnh đạo khác”, theo ông Zhao.

Cụ thể, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đã xác nhận sẽ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh và khả năng sẽ gặp gỡ ông Tập.

“Dĩ nhiên, ông Putin sẽ có mức độ ưu tiên lớn hơn so với ông Guterres, nhưng theo tôi, không có sự khác biệt nhiều về lòng mến khách”, ông Zhao nói thêm.

Trong những tháng gần đây, các quan chức nước ngoài tới thăm Trung Quốc thường không tới Bắc Kinh. Họ được bố trí làm việc với các quan chức Trung Quốc tại những khu vực riêng biệt.

Điển hình, gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp gỡ nhiều người đồng cấp nước ngoài ở thành phố An Cát của tỉnh Chiết Giang.

Theo các nguồn tin ngoại giao, các quan chức Trung Quốc sau khi tham dự những cuộc họp trên sẽ phải cách ly 7 ngày tại thành phố An Cát trước khi trở về nhà và tiếp tục cách ly 7 ngày tại nhà.

Song một số nhà quan sát ngoại giao nhận định không chắc trong thời gian tới Trung Quốc có mở rộng hoạt động ngoại giao hay không.

Giáo sư  Pang Zhongying tại Đại học Đại dương ở Thanh Đảo cho rằng, "Cuộc gặp với ông Putin dường như sẽ là duy nhất. Không có gì đảm bảo ông Tập sẽ đến Indonesia để dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 10/2022".

Giáo sư Shi Yinhong ở Đại học Renmin có cùng quan điểm khi cho biết, “Đại dịch Covid-19 khiến mọi thứ trở nên khó đoán. Theo chính sách không ca mắc Covid-19 của Trung Quốc, không thành viên nào thuộc Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc gặp mặt trực tiếp quan chức nước ngoài trong hơn 600 ngày qua”.

Điển hình, đặc phái viên phụ trách vấn đề khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden là ông John Kerry đã tới thành phố Thiên Tân để hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính, một thành viên thuộc Thường vụ Bộ Chính trị. Song cuộc gặp lại được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Cũng theo ông Si, dù cuộc gặp trực tiếp giữa ông Tập và ông Putin có ý nghĩa quan trọng, nhưng cũng không nên thổi phồng.

“Dù họ có gặp mặt trực tiếp hay không, có đeo khẩu trang hay không, tôi cho rằng đột phá đều có thể đạt được theo hình thức họp trực tuyến hoặc trực tiếp”, ông Shi kết luận.

Minh Thu (lược dịch)