Nước Mỹ nguy cơ đối diện 'làn sóng' dịch bệnh ngay đầu Năm mới
Đối ngoại - Ngày đăng : 19:45, 20/12/2021
Trong bối cảnh biến chủng Delta và Omicron cùng hoành hành tại Mỹ giữa lúc những ngày nghỉ lễ đón Giáng sinh và Năm mới sắp đến, các chuyên gia y tế đang hối thúc người dân tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19 để tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Theo dữ liệu của Cục An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, so với năm ngoái, hoạt động di chuyển bằng máy bay trong năm nay đã tăng gần gấp đôi trước Giáng sinh. Theo đó, hơn 2 triệu người sử dụng dịch vụ hàng không mỗi ngày trong khoảng thời gian từ ngày 16 – 18/12. Bên cạnh đó, các hoạt động tập trung đông người trong nhà vào những ngày nghỉ lễ được cho càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus corona.
Người dân ở thành phố New York, Mỹ làm xét nghiệm Covid-19 tại điểm xét nghiệm di động. (Ảnh: AP) |
Giáo sư William Schaffner tại Khoa Các bệnh truyền nhiễm thuộc thuộc Trung tâm Y tế của Đại học Vanderbil chia sẻ với CNN rằng, khả năng nước Mỹ sẽ có một "khởi đầu khốc liệt” ngay đầu Năm mới.
Bởi trên thực tế từ tháng 11, số ca mắc Covid-19 phải nhập viện ở Mỹ đã tăng mạnh. Điều này khiến cơ sở y tế ở một số bang của Mỹ đã bị quá tải khi phải điều trị cho các bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta. Giờ đây với sự xuất hiện của Omicron, biến chủng được cho có khả năng lây lan nhanh hơn nhiều so với Delta và dù chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ, nhưng Omicron cũng được cho có thể đẩy hệ thống chăm sóc y tế Mỹ đứng trước bờ vực khủng hoảng.
“Dường như chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến ở một số khu vực trên lãnh thổ quốc gia, sức ép lớn đè nặng lên hệ thống bệnh viện và các nhân viên y tế, những người vốn đang bị kiệt sức”, Tiến sĩ Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ kiêm Cố vấn Y tế Trưởng của Tổng thống Joe Biden nói với ABC.
Cũng theo ông Fauci, sự xuất hiện của những biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn như Omicron sẽ tác động cực lớn tới hàng chục triệu người dân Mỹ, những người chưa tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Ông Fauci cũng nhấn mạnh hoạt động đi lại và tụ tập mừng Giáng sinh và Năm mới sẽ có thể là an toàn đối với những người đã tiêm phòng. Ngoài ra, việc tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19 sẽ duy trì phản ứng kháng thể mạnh nhất.
“Nếu chúng ta muốn đối phó với Omicron thành công, những người đã tiêm phòng cần tiêm mũi tăng cường”, ông Fauci nói.
Theo thông báo từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) hồi tháng 10, dữ liệu gần đây cho thấy sự tồn tại của những mối nguy hiểm tiềm tàng đối với những người chưa tiêm phòng vắc xin Covid-19. Cụ thể, những người chưa tiêm vắc xin Covid-19 có nguy cơ dương tính với virus corona cao gấp 10 lần và nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với người đã tiêm đủ liều tiêu chuẩn và tiêm mũi tăng cường.
“Omicron đã tạo ra một sự cố bất ngờ trong cuộc chiến chống Covid-19”, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Tiến sĩ Scott Gottlieb nhận định tất cả mọi người mà nhất là người chưa tiêm phòng vắc xin hoặc những cá nhân có nguy cơ cao nhiễm virus corona cần phải thận trọng.
Theo tuyên bố từ Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden sẽ có cuộc họp với nhóm đối phó dịch Covid-19 vào ngày 20/12. Ông Biden cũng sẽ có bài phát biểu liên quan tới những diễn biến về biến chủng Omicron, đồng thời đưa ra “lời cảnh báo mạnh mẽ về những gì sẽ diễn ra trong mùa đông với những người Mỹ tiếp tục chọn không tiêm phòng”.
Tính tới ngày 19/12, biến chủng Omicron được xác định đã xuất hiện ở ít nhất 45 bang tại Mỹ, giữa lúc biến chủng Delta vẫn khiến số ca mắc Covid-19 tăng nhanh. Hiện số ca nhiễm biến chủng Omicron chiếm khoảng 3% trường hợp mắc Covid-19 ở Mỹ.
Theo các chuyên gia, phần lớn trường hợp mắc Covid-19 phải nhập viện điều trị và tử vong là những người chưa tiêm phòng vắc xin. Hiện 61% dân số Mỹ đã tiêm phòng đầy đủ.
Bang New York, khu vực từng là một trong số những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Mỹ, cũng đã ghi nhận kỷ lục số ca mắc Covid-19 trong ngày suốt 3 ngày liên tiếp, theo văn phòng Phó Thống đốc Kathy Hochul.
Tuy nhiên, ông Hochul bày tỏ lạc quan diễn biến dịch Covid-19 thời gian tới sẽ không tồi tệ như năm ngoái.
“Tình hình sẽ không như tháng 3/2020, chúng tôi đã có sự phòng bị. Chúng tôi có nhiều biện pháp để bảo vệ bản thân và những người dễ bị tổn thương trong gia đình: tiêm phòng, tiêm mũi tăng cường, đeo khẩu trang khi ở trong nhà và tại những nơi tập trung đông người”, ông Hochul nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thống đốc bang New Hampshire Chris Sununu cho biết, bang này đã có phương án đối phó trong tình huống số ca mắc Covid-19 tăng mạnh vào mùa đông và hy vọng có thể chống lại sự lây lan của đại dịch bằng nhiều biện pháp như hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và tăng số lượng giường bệnh trong các bệnh viện. Việc điều động các nhân viên y tế từ những bang khác sang hỗ trợ cũng là một điểm mấu chốt, theo ông Sununu.
Thống đốc bang Maryland Larry Hogan dự báo bang này “dường như chắc chắn sẽ chứng kiến số ca nhập viện tăng mạnh khủng khiếp” trong vòng 3 – 5 tuần tới. Tuy nhiên, ông Hogan nhấn mạnh lệnh phong tỏa toàn bang và việc học sinh quay trở lại học trực tuyến chưa được tính tới.
Trên thực tế, nhiều trường đại học và các giải thi đấu thể thao tại Mỹ đã thay đổi lịch hoạt động trước lo ngại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại.
Trước “tình trạng khó đoán” của biến chủng Omicron, Đại học Stanford đã thông báo chuyển sang học trực tuyến trong 2 tuần đầu tiên bắt đầu từ ngày 3/1/2022.
Đại học Harvard cũng sẽ chuyển sang học trực tuyến trong 3 tuần đầu của tháng 1/2022. Trong thư thông báo, nhà trường nhấn mạnh động thái này “được đưa ra sau khi chứng kiến sự tăng nhanh ca mắc Covid-19 ở địa phương và trên cả nước, cũng như sự xuất hiện của biến chủng có khả năng lây lan cao Omicron”.
Số ca mắc Covid-19 tăng đột biến thời gian gần đây cũng khiến một số giải đấu thể thao quy mô lớn ở Mỹ buộc phải hoãn thi đấu và tăng cường quy trình kiểm soát dịch bệnh đối với cả cầu thủ và người hâm mộ tới sân.
Minh Thu (lược dịch)