Ùn ứ cửa khẩu tăng thêm, chủ nghìn xe dưa, chuối, mít "ngồi trên đống lửa"
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 13:32, 20/12/2021
Vẫn ùn ứ kéo dài, ngày càng tăng chứ chưa giảm
Đại diện Sở Công Thương Lạng Sơn vừa có thông tin về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến sáng 19/12.
Cụ thể, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến thời điểm trên là 4.903 xe, tăng lên 99 xe so với 4.804 xe tồn cách đó một ngày.
Riêng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, lượng xe tồn là 1.539 xe. Trong đó xe hàng chờ xuất khẩu là 124, xe tồn tại bãi trung chuyển là 1.415 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là mít, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử...
Tại cửa khẩu chính Chi Ma, lượng xe tồn là 640 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là tinh bột sắn, chè khô, hạt sen, hạt bo bo, nhựa thông...
Còn ở cửa khẩu phụ Tân Thanh, lượng xe tồn nhiều nhất, lên tới 2.724 xe. Mặt hàng chủ yếu là dưa hấu (Quảng Ngãi), thanh long (Bình Thuận), chuối xanh (Tiền Giang), mít (Đắk Lắk, Tiền Giang); xoài (Bình Định)...
Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết từ ngày 8/12, phía Trung Quốc đã thực hiện tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm do nghi phát hiện 3 ca nhiễm Covid-19 tại Trấn Ái Điểm.
"Ngày 10/12, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã gửi thư công tác số 28 để đề nghị khôi phục lại cửa khẩu này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía bạn", Sở Công Thương Lạng Sơn cho hay.
Lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn tiếp tục khuyến cáo các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan cân nhắc xem xét, bố trí thời gian hợp lý để đưa hàng hóa đến các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu.
Như vậy có thể thấy, sau nhiều ngày ùn ứ, doanh nghiệp, tài xế như "ngồi trên đống lửa" vì không thông quan được thì tình hình vẫn chưa có cải thiện. Theo số liệu cập nhật đến sáng 17/12 của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.758 xe, tăng 207 xe so với sáng 16/12. Đến sáng 19/12 con số chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà tiếp tục tăng.
Cần nhanh chóng khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản
Một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại cho biết, việc hàng hóa, nông sản Việt Nam bị ùn ứ tại cửa khẩu Trung Quốc không phải là chuyện mới. Tuy nhiên do tác động của đại dịch và việc thay đổi chính sách nhập khẩu hàng hóa tại các khu vực biên giới của Trung Quốc, nên ùn ứ này có nghiêm trọng và kéo dài.
Vị chuyên gia cho rằng bộ quản lý ngành còn chủ quan trong vấn đề phát triển các trạm điện, kho lạnh ở khu vực cửa khẩu. Giả thiết việc này được làm tốt, trong trường hợp có hiện tượng ùn ứ, tắc nghẽn cửa khẩu, các thương lái có thể gửi hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, thủy sản vào các kho lạnh bảo quản. Thực tế hiện nay khi xảy ra ùn tắc, phía người dân, doanh nghiệp Việt Nam chịu thiệt hại rất lớn.
Một số ý kiến khác cho rằng các bộ ngành có liên quan cần có các giải pháp để đàm phán, tạo điều kiện thông thương hàng hóa qua cửa khẩu với nước bạn. Đồng thời cần chủ động kho bãi tập kết tại cửa khẩu, điều tiết hàng lên cửa khẩu, khi có diễn biến bất lợi phải điều phối hàng tiêu thụ trong nước tránh tình trạng buộc phải đổ bỏ như thời gian qua.
Trước tình trạng ùn tắc nông sản ở Lạng Sơn, mới đây Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có chỉ đạo các bộ ngành, địa phương vào cuộc xử lý. Cụ thể Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc để có các giải pháp tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu.
Ngoài việc cùng các địa phương nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, thông quan. hàng hóa, Bộ Công Thương còn được giao xử lý các vấn đề phát sinh tác động đến giao nhận, thông quan và xuất nhập khẩu hàng hóa để có giải pháp xử lý phù hợp.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sản xuất gắn chặt với nhu cầu thị trường, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất nông sản về các tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp. Đồng thời rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho vụ sản xuất tiếp theo.
Văn bản của Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố sản xuất nông sản phải chủ động nắm bắt thông tin, tuyên truyền tới các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn. Các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc văn bản khuyến cáo của các bộ về thị trường xuất khẩu nói chung, thị trường Trung Quốc nói riêng và diễn biến hoạt động thông quan tại cửa khẩu biên giới.
Nguyễn Mạnh