Tiềm năng thị trường xét nghiệm Gen tại Việt Nam

Sức khỏe - Ngày đăng : 11:43, 20/12/2021

Thị trường giải mã gen được ước tính đạt 31,8 tỷ USD vào năm 2027, mở ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực này tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
unnamed-6.jpg
Xét nghiệm di truyền còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam

Tuy nhiên, theo KPMG Việt Nam, xét nghiệm di truyền còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam, và mức độ nhận diện chưa được rộng rãi. Sẽ tốn khá nhiều thời gian để định hướng thị trường về lợi ích mà xét nghiệm di truyền mang lại.

Mở khóa bí mật gen

Giải trình tự gen là phân tích DNA, từ đó đánh giá các rủi ro về sức khỏe, thể chất cũng như tiềm năng trí tuệ, xu hướng hành vi. Hiện nay, các đơn vị thực hiện xét nghiệm di truyền đã và đang cung cấp các xét nghiệm gen giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hàng ngàn căn bệnh di truyền ở nhiều chuyên khoa khác nhau.

Ngoài mục đích tầm soát nguy cơ ung thư và ngăn ngừa các bệnh di truyền, các xét nghiệm gen hiện nay còn được ứng dụng rộng rãi hơn nữa, chẳng hạn có thể giúp khám phá, hiểu rõ “xuất phát điểm” từ gen để phát triển bản thân, định hướng phương pháp nuôi dạy con cái phù hợp…

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, “Nhiều người Việt Nam đã và đang biết đến giải mã gen nhiều hơn nhưng chưa thực sự hiểu về tiêu chuẩn và chất lượng của một xét nghiệm gen”, TS. Cao Anh Tuấn, giám đốc điều hành Genetica, nhận xét.

Genetica là công ty giải mã gen ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học phân tử vào con chip bản quyền chuyên sâu giải mã gen dành cho người châu Á. Công ty có trụ sở chính tại San Francisco, Mỹ này vừa mở rộng sang thị trường Đông Nam Á và đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam và Singapore vào cuối năm 2018.

Ông Cao Anh Tuấn cũng cho biết: "Điều này đang trở thành một thách thức với chúng tôi để truyền thông đến khách hàng. Bởi không phải cứ xét nghiệm gen là cho kết quả chính xác. Độ chính xác của kết quả xét nghiệm phụ thuộc lớn vào tiêu chuẩn phòng thí nghiệm, công nghệ phân tích gen được sử dụng và số lượng gen được giải mã".

Nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn giải mã gen

Tại các nước phát triển trên thế giới, họ chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế như: tiêu chuẩn CLIA (Hoa Kỳ), chứng nhận CAP, quy định cGMP… và được chấp nhận trong tư vấn điều trị của các bác sĩ quốc tế.

unnamed-7.jpg
Tại Việt Nam, thị trường xét nghiệm gen vẫn còn ít đối thủ và tiềm năng phát triển mạnh mẽ

Một số trường hợp khách hàng đã có báo cáo xét nghiệm trong nước được yêu cầu chỉ định xét nghiệm lại khi đưa sang Mỹ hoặc các nước khác, vì hầu hết chưa đạt các tiêu chuẩn quốc tế trên.

Kết quả xét nghiệm chưa đáp ứng được theo tiêu chuẩn quốc tế là bởi một phần các kết quả xét nghiệm gen được đưa ra chưa có sự chuẩn hóa và số hoá các thông tin dữ liệu, dẫn đến việc kết quả khó được chấp nhận ở các phòng thí nghiệm khác bên ngoài Việt Nam; đồng thời mang đến nhiều thách thức cho việc số hóa khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y Tế (Telehealth) và chuyển đổi số hệ thống y tế (Medtech).

KPMG Việt Nam nhận định, các đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm gen sẽ cần xây dựng một hệ sinh thái bao gồm bệnh viện, phòng khám, bác sĩ để nâng cao nhận thức và độ nhận diện thương hiệu với người dân.

Tại Việt Nam, thị trường xét nghiệm gen vẫn còn ít đối thủ và tiềm năng phát triển mạnh mẽ sẽ là điều kiện để thu hút nhiều công ty quốc tế đầu tư trong tương lai. Và đó sẽ là lúc các đơn vị trong nước cần phát triển giá trị vốn có, đồng thời duy trì hoạt động hiệu quả để tăng cường năng lực cạnh tranh.


HAI LAM (tổng hợp)