Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: Thầy cô cần gì và phải làm gì?

Xã hội - Ngày đăng : 14:52, 19/12/2021

Giáo dục đóng vai trò quan trọng đối với việc chấn hưng văn hóa. Tuy nhiên làm thế nào để giáo dục thực hiện tốt nhất vai trò này là câu chuyện dài, nhiều tập.
Sinh viên Trường ĐH Văn Lang trong chuyến đi thực tập. Ảnh: C.ChươngSinh viên Trường ĐH Văn Lang trong chuyến đi thực tập. Ảnh: C.Chương

Bên cạnh việc tạo dựng môi trường văn hóa học đường để hình thành nên những giá trị văn hóa của người học, nhà giáo và nhà trường cũng cần điều kiện cơ bản, môi trường lành mạnh để hoàn thành sứ mệnh của mình.

Xây dựng văn hóa từ “cái uy” của người thầy

Theo ThS Trần Văn Toản (Tổ trưởng Ngữ văn Trường THPT chuyên Quốc học Huế, Thừa Thiên - Huế), văn hóa trong giáo dục chiếm vị trí quan trọng, góp phần hình thành nhân cách, lối sống, đặc biệt là đạo đức cho người học.

“Để giáo dục, tạo lập môi trường văn hóa cho học sinh thì người thầy phải tạo cho mình “cái uy” nhất định. “Cái uy” của người thầy nằm ở phương pháp sư phạm, lương tâm, trách nhiệm đối với nghề giáo chân chính…”. - ThS Trần Văn Toản

Chia sẻ vị thế của người thầy trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học trò, ThS Trần Văn Toản cho biết: “Thời chúng tôi còn đi học, học trò sợ thầy cô giáo lắm. Sợ ở đây bao hàm nhiều nghĩa.

Sợ sự nghiêm khắc của thầy, sợ bị thầy phạt bằng roi, sợ thầy cô mời hoặc về nhà gặp phụ huynh, sợ vì mình lỡ mắc lỗi nào đó hoặc không học thuộc bài... Và dĩ nhiên bên cạnh sợ là sự tôn trọng, kính nể thầy cô. Giữa thầy và trò bao giờ cũng có khoảng cách, thầy ra thầy, trò ra trò.

Trong lớp học không có chuyện trò hỗn láo, tay đôi tay ba với thầy. Trò hư, thầy dùng thước đánh khẽ vào tay, quất vào mông… trò biết lỗi không một lời phản ứng. Phụ huynh xem đó là lẽ đương nhiên. Học sinh xem thầy cô của mình như là thần tượng, là tấm gương sáng. Thầy cô giáo bước vào lớp học mang theo cái “uy quyền” sang trọng lắm…”.

Để giáo dục, tạo lập môi trường văn hóa cho học sinh, theo ThS Toản, người thầy phải tạo cho mình “cái uy” nhất định. Trong đó, một nhà sư phạm giỏi là nhà sư phạm có nghệ thuật giáo dục linh hoạt. “Cái uy” đó nằm ở phương pháp sư phạm, lương tâm, trách nhiệm nghề giáo chân chính.

“Dù cuộc sống còn không ít khó khăn, song dù ở hoàn cảnh nào, người thầy vẫn luôn ý thức rõ thiên chức trồng người cao quý của mình qua lời nói, việc làm, hành động; qua mối quan hệ với học sinh, đồng nghiệp, phụ huynh và những người xung quanh. Chính phong cách lịch sự, nho nhã, chuẩn mực của người thầy, người cô làm cho mình sang trọng hơn trong mắt học trò, và từ đó lan tỏa tích cực đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách đẹp, có văn hóa…” - ThS Trần Văn Toản bày tỏ.

Là tác giả Dự án Chuyến xe trải nghiệm dành cho học sinh TPHCM, ThS Lê Thị Hồng Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (TPHCM) - cho rằng: Văn hóa trong giáo dục chiếm vị trí quan trọng góp phần hình thành nhân cách, lối sống, đặc biệt là đạo đức cho người học và nhân phẩm của người thầy.

Theo ThS Lê Thị Hồng Anh, phẩm chất của người thầy cũng bắt đầu bằng văn hóa. Đó là, văn hóa trong tư duy chuyên môn, lối ứng xử, phản biện; văn hóa trong lối tiếp cận xử lý tình huống và xử lý vấn đề cũng cần phải có văn hóa. Tuy nhiên văn hóa của ngày hôm nay không thể giống năm trước và năm xưa nữa mà phải có sự tư duy, thích ứng và phù hợp với thực tế…

“Sự nghiệp “trồng người” đang đòi hỏi các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phải thực sự mô phạm về đạo đức, lối sống. Người thầy chẳng những là tấm gương sáng về đạo đức, mà còn phải có trình độ năng lực chuyên môn giỏi. Chính chất lượng chuyên môn là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lâu dài tới chất lượng giáo dục.

Với xu thế toàn cầu hóa, xã hội phát triển với tốc độ nhanh chóng nên cách nhìn, cách hiểu và cách dạy của người thầy phải luôn luôn đổi mới, luôn luôn cập nhật kiến thức, không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức, nâng cao tầm hiểu biết mới đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao…” - ThS Lê Thị Hồng Anh chia sẻ.

Từ trái qua: TS Võ Văn Tuấn, ThS Lê Thị Hồng Anh, thầy Phạm Trung Hữu, ThS Trần Văn Toản.

Tạo môi trường văn hóa xung quanh người dạy và người học

Bên cạnh vai trò của người thầy thì môi trường xung quanh đóng vai trò không nhỏ trong việc hình thành nên nền tảng văn hóa của người học, trong đó gia đình có mối liên hệ mật thiết. Chia sẻ của ThS Hồng Anh, đa số thói quen, cách ứng xử, lối sống của người học đều xuất phát từ gia đình. Cha mẹ, anh chị, những người thân xung quanh là hình mẫu để các em bắt chước, học tập đầu tiên. Vì vậy, việc giáo dục văn hóa cho người học cần có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình và nhà trường.

“Cần chú trọng hơn nữa việc xây dựng lối sống đẹp, ứng xử văn hóa, xây dựng văn hóa học đường trong trường học. Tăng cường sự phối kết hợp 3 môi trường: Gia đình – nhà trường – xã hội trong việc giáo dục, phát triển người học. Trong đó, việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong mỗi nhà trường sẽ đóng vai trò quyết định đến sự phát triển môi trường văn hóa và chất lượng giáo dục của chính ngôi trường đó” - ThS Lê Thị Hồng Anh nhận định.

Ở khía cạnh người đứng đầu cơ sở giáo dục, thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) - nhấn mạnh: Để chấn hưng văn hóa cần tập trung xây dựng hệ giá trị văn hóa, giá trị con người Việt Nam với những phẩm chất cần thiết của con người hiện đại - công dân toàn cầu. Đồng thời, nhận thức đúng vai trò trách nhiệm của ngành Giáo dục, một trong những ngành đi đầu trong công tác xây dựng, phát huy và giữ gìn nền tảng văn hóa.

Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) tuyên dương học sinh thời điểm trước dịch. Ảnh: NVCC

“Là cán bộ quản lý, tôi cũng hết sức trăn trở và suy ngẫm trước bối cảnh hiện nay về văn hóa, đặc biệt đội ngũ cán bộ, giáo viên trong ngành Giáo dục. Ông cha ta thường nói “có thực mới vực được đạo”. Quả đúng vậy, khi chúng ta ổn định về đời sống thì mới phát huy được hết khả năng vốn có của mình trong lĩnh vực đam mê hay sự tâm huyết với nghề. Mà để có nhiều tâm huyết với nghề, chính sách ưu đãi cũng như việc đãi ngộ phải thật trân quý. Theo đó, việc đầu tiên cần nâng cao giá trị con người và giá trị thành quả trong công tác giáo dục, cụ thể nâng lương phù hợp với điều kiện sống thực tế; cải thiện chất lượng từ khâu đào tạo, có sự chọn lọc…” - thầy Phạm Trung Hữu bày tỏ.

Đồng tình quan điểm trên, TS Võ Văn Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang) bày tỏ: Nếu được xác định một mức lương, thu nhập đảm bảo cuộc sống, nhà giáo sẽ yên tâm gắn bó, toàn tâm toàn ý cho công việc hơn. Trong đó, đặc biệt là giáo viên cấp học mầm non, tiểu học, các thầy cô gần như không có thời gian trống để làm thêm nên thu nhập từ nhà trường là chính, có khi là duy nhất.

“Bên cạnh đó, điều kiện làm việc (cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học) của giáo viên cũng cần được nâng cao. Đồng thời, nhà giáo cần được làm việc trong môi trường mà mình được tôn trọng, được phát huy vai trò cá nhân, được thể hiện năng lực, khả năng, hoài bão của mình và được đồng nghiệp, phụ huynh xã hội trân quý…” - TS Võ Văn Tuấn chia sẻ.

ThS Lê Thị Hồng Anh trong một buổi nói chuyện chuyên đề với học sinh. Ảnh: NVCC

Tăng cường hành lang pháp lý

“Nhà trường cần ban hành các quy chế, quy định cụ thể về xây dựng văn hóa chất lượng của đơn vị. Trong đó, cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung văn hóa chất lượng của nhà trường, đồng thời chỉ ra trách nhiệm của mỗi nhóm đối tượng (cán bộ quản lý, GV, HSSV, nhân viên...) trong quá trình xây dựng văn hóa chất lượng.

Cùng với việc ban hành, phải tổ chức thực hiện tốt các nội dung đã xác định, xem đó như là nội quy, quy chế hoạt động của trường. Bên cạnh đó, nhà trường cần tổ chức kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ các hoạt động xây dựng văn hóa chất lượng. Qua đó, đơn vị sẽ kịp thời khuyến khích những thành công và khắc phục vấn đề nảy sinh trong quá trình xây dựng văn hóa chất lượng…” - TS Võ Văn Tuấn nhận định.

Ở góc nhìn về chất lượng đào tạo, TS Võ Văn Tuấn nêu quan điểm cần xây dựng môi trường văn hóa chất lượng trong cơ sở giáo dục. Trong đó, nhà trường cần làm cho mọi thành viên cùng có chung nhận thức: Chất lượng đào tạo là vấn đề sống còn của đơn vị, đồng thời việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo là trách nhiệm của mọi người.

Còn theo thầy Phạm Trung Hữu, ngành Giáo dục đã có hướng dẫn về xây dựng văn hóa học đường. Vấn đề là các cơ sở giáo dục cần quán triệt đến từng thành viên trong đơn vị. Bên cạnh đó, cần bổ sung, hoàn thiện căn cứ pháp lý về sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục người học. Trong đó cần quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của gia đình và các lực lượng xã hội. Nên có lộ trình cho việc tổ chức thực hiện cam kết giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương trong việc phối hợp, hỗ trợ giáo dục người học.

“Nhà trường cần xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể và tập huấn, hỗ trợ giáo viên, phụ huynh học sinh và cộng đồng. Chủ động xây dựng quy trình ứng xử đối với các tình huống thường gặp và hướng dẫn giáo viên, phụ huynh học sinh và cộng đồng thực hiện theo quy trình để không mắc sai lầm đáng tiếc trong giáo dục người học.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm cho người học; phát triển, nhân rộng phong trào có giá trị thực tiễn cao, có ý nghĩa tích cực giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; hướng dẫn, khai thác, sử dụng Internet, mạng xã hội một cách hiệu quả; tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên nhằm giáo dục toàn diện cho người học thông qua các hoạt động Đoàn, Đội” - thầy Phạm Trung Hữu chia sẻ.

Để nhà giáo yên tâm công tác, tạo ra môi trường văn hóa học đường lành mạnh, TS Võ Văn Tuấn cho rằng cần quan tâm hơn nữa trong việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ, phẩm chất, năng lực tốt cho đội ngũ này. Đặc biệt, để đảm bảo cuộc sống của nhà giáo, lương và thu nhập cũng như điều kiện môi trường dạy học là vấn đề rất cần xem xét.

Công Chương