Hà Nội đối mặt nguy cơ thiếu thuốc điều trị COVID-19

Tin Y tế - Ngày đăng : 12:19, 19/12/2021

Theo hướng dẫn, mỗi bệnh nhân được phát 40 viên Molnupiravir 200mg, ngày uống 2 lần, mỗi lần 800mg (4 viên), uống trong 5 ngày. Như vậy, số thuốc 40.000 viên Molnupiravir chỉ đủ để cấp phát cho 1000 bệnh nhân, chỉ như "muối bỏ bể" mà thôi.

Trạm y tế xã phường hoặc Tổ hỗ trợ ở địa phương cấp phát thuốc 

Việc cấp phát thuốc điều trị hiện nay như thế nào? Khi người bị nhiễm mong muốn có thuốc phải liên hệ với ai? Dùng thuốc đó có phải trả phí không?... là những câu hỏi mà người dân ở Hà Nội liên tiếp đặt ra trong những ngày gần đây.

Trả lời những vấn đề trên, ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay: Hiện nay có 3 gói thuốc điều trị COVID-19 là: Gói thuốc A: (gồm có thuốc hạ sốt Paracetamol, thuốc bổ sung vitamin), các túi thuốc này, kèm theo hướng dẫn sử dụng được phát ngay cho người bệnh khi đủ điều kiện điều trị tại nhà và do Trạm Y tế cấp phát.

Gói thuốc B: gồm có thuốc chống viêm Corticoid, thuốc chống đông chỉ được sử dụng trong các tình huống đặc biệt và phải được bác sĩ đánh giá và kê đơn cho bệnh nhân, sử dụng liều duy nhất trước khi chuyển người bệnh (sử dụng trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng)

Gói thuốc C gồm các thuốc kháng virus: Molnupiravir, Favipiravir, đây là các thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, phân bổ theo chương trình của Bộ Y tế, sử dụng có kiểm soát, do đó để được sử dụng, người nhiễm COVID-19 phải được khám sàng lọc, đánh giá và có cam kết đồng ý tham gia chương trình, khi sử dụng thuốc kháng virus phải tuân thủ và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc cấp thuốc cho các trường hợp mắc và được theo dõi quản lý tại nhà là do Trạm Y tế xã phường thị trấn hoặc có thể do Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà (do Chính quyền địa phương thành lập) cấp phát. Hiện nay, các thuốc trên không phải trả phí nhưng việc cấp phát thuốc phải đúng theo quy định như trên và người bệnh có thể liên hệ với Trạm Y tế để được hướng dẫn cụ thể.

Thuốc được phân bổ chỉ như "muối bỏ bể"

Ngày 7.12, Sở Y tế Hà Nội có văn bản khẩn phân bố 6.000 túi thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho 30 quận, huyện, thị xã của thành phố. Như vậy, mỗi địa phương nhận được 200 túi thuốc. Các túi thuốc này gồm 2 loại thuốc là thuốc hạ sốt Paracetamol và vitamin C, do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ủng hộ.

Sở Y tế Hà Nội cũng vừa ban hành quy trình triển khai Chương trình sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir có kiểm soát trên cộng đồng cho người mắc COVID-19 thể nhẹ tại Hà Nội.

Ngày 13.12, Sở Y tế Hà Nội cũng đã phân bổ 40.000 viên thuốc Molnupiravir (thuốc gói C) cho 32 đơn vị để điều trị COVID-19. Theo đó, Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng, mỗi đơn vị được phân bổ 2.000 viên thuốc Molnupiravir 200mg, còn  30 TTYT quận, huyện, thị xã, mỗi đơn vị được phân bổ 1.200 viên thuốc Molnupiravir 200mg.

Trong khi đó, chỉ tính từ ngày 7.12 đến tối 18.12, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận thêm 11.703 ca COVID-19 mới. 

Theo hướng dẫn, mỗi bệnh nhân được phát 40 viên Molnupiravir 200mg, ngày uống 2 lần, mỗi lần 800mg (4 viên), uống trong 5 ngày. Như vậy, số thuốc 40.000 viên Molnupiravir chỉ đủ để cấp phát cho 1000 bệnh nhân, chỉ như "muối bỏ bể" mà thôi.

Với số lượng ít ỏi như vậy, nên số thuốc này dù chỉ định để điều trị cho các F0 thể nhẹ, nhưng đang được dành lại cho các bệnh nhân có nguy cơ và chuyển nặng.

Còn số lượng 6.000 túi thuốc điều trị COVID-19 gói A được cấp phát như trên cũng chỉ mới đáp ứng được hơn 1 nửa số ca mắc mới được ghi nhận.

Nhiều trạm y tế cũng phản ánh tình trạng mới chỉ được cấp phát gói thuốc A mà chưa nhận được gói thuốc B,C. Như vậy, đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều F0 điều trị tại nhà vẫn phải mua thuốc tự điều trị COVID-19.

Số ca F0 tại Hà Nội đang không ngừng tăng lên, kéo theo đó là số ca bệnh chuyển nặng cũng sẽ tăng, nguy cơ quá tải hệ thống y tế tuyến cơ sở hiện hữu rất gần. Hơn nữa, số ca mắc nặng sẽ gây áp lực lớn lên các cơ sở y tế tuyến trên.

Theo các chuyên gia, nhằm tránh quá tải cho hệ thống y tế, Hà Nội phải phân luồng điều trị, các F0 thể nhẹ, không triệu chứng sẽ được quản lý điều trị tại nhà. Thế nhưng, nếu không chuẩn bị cơ số thuốc điều trị COVID-19 đầy đủ, nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, các F0 điều trị tại nhà phải tự mua thuốc điều trị, không được theo dõi hướng dẫn sát sao của lực lượng y tế thì sắp tới, Hà Nội sẽ phải đối mặt với số ca bệnh nặng, số ca tử vong do COVID-19 tăng lên khó kiểm soát, hậu quả sẽ khôn lường.

Thùy Linh