Thương mại Việt – Đức: “Cỗ xe tăng lăn chậm nhưng đều và chắc”

Kinh doanh - Ngày đăng : 08:38, 19/12/2021

Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thị trường Đức được kỳ vọng sẽ có đột phá tích cực.

Trong nhiều năm qua, Đức vẫn luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Ở chiều xuất khẩu, Đức là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai tại EU và đứng thứ 7 trên thế giới của Việt Nam trong năm 2020. Đức là nguồn cung hàng hóa lớn thứ hai tại EU và thứ 14 thế giới đối với Việt Nam ở chiều nhập khẩu.

2021 là năm đầu thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) - một hiệp định giúp nâng tầm quan hệ thương mại giữa Việt Nam với EU nói chung và với Đức nói riêng. Theo nhận xét của ông Hoàng Quang Phòng,  Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tăng kim ngạch thương mại là những căn cứ để Việt Nam có quyền kỳ vọng EVFTA là cây cầu giúp DN hai bên nhanh chóng thoát ra những khó khăn đứt gãy, khôi phục sản xuất và phát triển hoạt động kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới hậu Covid-19.

Ông Phòng cũng cho biết, thương mại song phương Việt Đức được nhiều chuyên gia ví “như cỗ xe tăng lăn chậm nhưng đều và chắc”, đưa giá trị kim ngạch tăng 80% trong 10 năm, từ 5,6  tỷ USD năm 2011 lên 10 tỷ USD năm 2020. Những sản phẩm nông sản thủy sản và những sản phẩm khác của Việt Nam đã lần lượt lên kệ trong siêu thị ở Đức. Người tiêu dùng Đức cũng quen thuộc với quần áo, giày dép, đồ nội thất và những sản phẩm khác “Made in Việt Nam”.

Trong khi đó, nhiều gia đình Việt đã bắt đầu được sử dụng những sản phẩm đồ uống, đồ điện tử, chất lượng tốt, uy tín đến từ Đức. Đặc biệt, nhiều DN Việt đã có cơ hội để tiếp cận nguồn máy móc, thiết bị công nghệ cao nhập khẩu từ Đức, qua đó giúp cải thiện đáng kể năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của mình.

“Rõ ràng, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Đức phát triển đã giúp cho DN cũng như người tiêu dùng của Đức và Việt Nam có thêm nhiều lựa chọn, nhiều cơ hội lợi nhuận để cùng nhau phát triển trong thời gian tới”, ông Phòng cho biết.

Coi trọng tiêu chí quy tắc xuất xứ hàng hóa

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Hiệp định EVFTA đi vào thực thi là một nền tảng quan trọng để quan hệ thương mại Việt-Đức được tăng tốc mạnh mẽ hơn, từ đó mang lại lợi ích nhiều hơn cho cả hai bên. Hiệp định này quy định, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Đức sẽ được xóa bỏ thuế quan lên tới 99,2% số dòng thuế sau 7 năm. Còn hàng hóa của Đức nhập khẩu vào Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ xóa bỏ thuế quan lên tới 98,3% sau 10 năm.

Bên cạnh đó, EVFTA cũng thiết lập các tiêu chuẩn và nguyên tắc thuận lợi hóa thương mại, giảm thiểu những rào cản phi thuế quan, mở ra những cơ hội to lớn cho thương mại giữa Việt Nam và Đức. Vì vậy, để tận dụng được các cơ hội này một cách tốt nhất, các DN Việt cần phải tìm hiểu đầy đủ các nội dung cam kết của Việt Nam và Đức trong EVFTA. Cùng với đó, các DN cả xuất và nhập khẩu rất cần hiểu biết kỹ cả về thị trường và các quy định xuất nhập khẩu của cả hai bên.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Đức là thị trường có nhu cầu nhập khẩu rất lớn trong khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Đức mới ở con số 11,7 tỷ USD, chỉ chiếm 1% thị phần nhập khẩu của thị trường Đức nên dư địa để các DN khai thác thị trường Đức vẫn còn rất lớn.

Mặc dù vậy, bà Trang cho rằng có những mặt hàng được coi là thế mạnh của Việt Nam, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Đức rất thấp như dệt may, bởi sản phẩm này còn gặp khó khăn khi đáp ứng tiêu chí về quy tắc xuất xứ. Đối với sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ đã áp dụng quy tắc xuất xứ khá linh hoạt trong hiệp định EVFTA.

“Thực tế các quy định về quy tắc xuất xứ khá phức tạp. DN cần phải dành thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về các quy định về quy tắc xuất xứ, về cơ hội cắt giảm thuế quan để lựa chọn một hình thức có lợi nhất khi xuất khẩu sang thị trường Đức và để hưởng các ưu đãi thuế quan tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại”, bà Trang khuyến nghị.

Hiện nay đang có 10 đối tác nhập khẩu lớn nhất vào Đức, trong đó có 8 đối tác nằm trong nội khối EU, còn 2 đối tác bên ngoài là Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên 2 đối thủ lớn này đều chưa có hiệp định thương mại tự do với EU nói chung và với Đức nói riêng, nên đây cũng là một lợi thế rất lớn cho DN Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO lưu ý, DN cần chuẩn bị tâm thế để tránh bị áp dụng các biện pháp tự vệ, bởi Đức nói riêng và EU nói chung là thị trường có tần suất sử dụng các biện pháp phi thuế quan rất cao, có đến 93,88% các sản phẩm nhập khẩu là đối tượng của ít nhất 1 biện pháp phi thuế quan./.