Miễn, giảm học phí có áp dụng cho sinh viên học liên thông?
Pháp luật - Ngày đăng : 08:02, 19/12/2021
Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục, đối tượng hưởng học bổng khuyến khích học tập là “Học sinh, sinh viên đang học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên, không bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên trong kỳ xét cấp học bổng”.
Như vậy, tất cả học sinh, sinh viên đang học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên, không bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên đều được xét, cấp học bổng khuyến khích học tập nếu đủ điều kiện.
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đối tượng áp dụng là “Trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh (sau đây gọi chung là người học) đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan”.
Như vậy chế độ miễn, giảm học phí áp dụng cho tất cả sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thuộc các đối tượng ưu tiên được hưởng chế độ miễn, giảm học phí theo quy định.
Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội và hỗ trợ chi phí học tập
Theo quy định tại Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ quy định về học bổng và trợ cấp xã hội đối với sinh viên các trường công lập, đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội là học sinh, sinh viên đang học tại các trường đào tạo công lập, hệ chính quy, dài hạn - tập trung thuộc các diện sau đây:
- Người dân tộc ít người ở vùng cao;
- Người mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa;
- Người tàn tật theo quy định chung của Nhà nước và gặp khó khăn về kinh tế;
- Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế vượt khó học tập.
Như vậy để được hưởng trợ cấp xã hội các đối tượng ưu tiên phải học hệ chính quy, dài hạn - tập trung.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học, đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập là sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước, thi đỗ vào học đại học, cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: Đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng.
Như vậy điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập là phải thi đỗ vào hệ chính quy (bao gồm cả liên thông chính quy) tại các cơ sở giáo dục đại học.