Vụ vạch xương cá: Sở GTVT thừa nhận bất cập, dân có được trả lại tiền phạt?

Xã hội - Ngày đăng : 07:41, 18/12/2021

Luật sư khẳng định, những người dân đã bị xử phạt hành chính nếu vẫn còn biên bản xử phạt, biên lai nộp phạt có quyền đòi lại số tiền đã nộp, thậm chí có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện.

Sở GTVT Hà Nội vừa chính thức thừa nhận, đoạn đường kẻ vạch xương cá "tiến thoái lưỡng nan" trên tuyến đường Vành đai 3 (QL1) đoạn từ nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ đến lý trình Km159+258 (qua nút giao đường Vành đai 3 với QL5 cũ khoảng 950m, đang có sự bất cập trong tổ chức giao thông.

Trước thông tin này, nhiều bạn đọc Dân trí đặt câu hỏi: Cơ quan chức năng đã thừa nhận sai, bất cập thì theo luật, những người dân đã bị phạt "nhầm" ở đây có quyền kiện đòi lại tiền phạt không?

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật Pháp Trị khẳng định, người dân hoàn toàn có quyền đòi lại tiền do bị phạt oan.

Vụ vạch xương cá: Sở GTVT thừa nhận bất cập, dân có được trả lại tiền phạt? - 1

Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, đoạn đường kẻ vạch xương cá nói trên đang có sự bất cập trong tổ chức giao thông (Ảnh: Nguyễn Trường).

Theo đó, tại Khoản 1, khoản 2, luật xử lý vi phạm hành chính quy định:

"1. Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính".

Như vậy trong câu chuyện với đoạn đường kẻ vạch xương cá nói trên, người dân không có lỗi khi vi phạm hành chính, lỗi này đến từ cơ quan kẻ vạch đường. Không có lỗi thì không có hành vi vi phạm hành chính. Không có hành vi vi phạm hành chính thì không thể bị xử phạt. Hành động xử phạt hành chính người không có lỗi đương nhiên là không hợp pháp.

Những người dân đã bị xử phạt hành chính hiện có biên bản xử phạt, biên lai nộp tiền phạt thì có quyền liên hệ với cơ quan cảnh sát giao thông đã ban hành những văn bản này để yêu cầu hủy biên bản, thu hồi lại số tiền đã nộp kho bạc.

Trường hợp các yêu cầu trên không được cơ quan chức năng chấp thuận thì người dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án.

"Thiết nghĩ khi Sở giao thông vận tải Hà Nội đã xác định có bất cập sai sót trong việc kẻ vạch đường thì cơ quan cảnh sát giao thông đã xử phạt người dân do liên quan đến vạch kẻ đường này cần chủ động thông báo rộng rãi trên phương tiện truyền thông để người dân bị xử phạt oan đến để được giải quyết hậu quả", Luật sư Lực chia sẻ.

Như Dân trí đã thông tin, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn vừa ký, gửi Báo điện tử Dân trí Văn bản số 5980/SGTVT-QLKCHTGT, trả lời về phản ánh vạch sơn xương cá Vạch xương cá khiến người vi phạm tiến thoái lưỡng nan, không thể không có vi phạm giao thông khi đi trên tuyến đường Vành đai 3 (QL1) đoạn từ nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ đến lý trình Km159+258 (qua nút giao đường Vành đai 3 với QL5 cũ khoảng 950m) đến nay cơ quan chức năng đã thừa nhận là bất cập, sai sót.

Đơn vị này cho biết, trước mắt sẽ phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP Hà Nội và các đơn vị liên quan căn cứ theo quy định hiện hành rà soát lại phương án tổ chức giao thông tại khu vực này để điều chỉnh cho phù hợp và đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc tổ chức hướng dẫn cho các phương tiện lưu thông qua khu vực trên được an toàn, thuận lợi.

Về giải pháp lâu dài, Sở GTVT cho biết sẽ tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống đường gom dọc theo hai bên đường Vành đai 3 từ cầu Thanh Trì đến Quốc lộ 5 (cũ) kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng giao thông trong khu vực.

Khả Vân