Diễn tập sự cố tàu Cát Linh - Hà Đông: Đã thông báo cho hành khách?
Xã hội - Ngày đăng : 19:22, 17/12/2021
Những ngày qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến việc đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị (metro) Cát Linh - Hà Đông bất ngờ xảy ra sự cố ở máy đếm trục tín hiệu ga Cát Linh vào tối 7/12; sau đó phía Metro Hà Nội cho biết đó chỉ là tình huống diễn tập bất ngờ mà Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đưa ra trong quá trình vận hành khai thác.
Dư luận hoài nghi rằng, vụ việc xảy ra tối 7/12 là sự cố thật, không phải là diễn tập.
Trao đổi với PV Dân trí về vụ việc nêu trên, ông Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, đối với những cái mới, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng thì sự hoài nghi trong "một vài trường hợp" là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là đối với tuyến metro Cát Linh - Hà Đông.
Theo ông Hải, việc diễn tập các tình huống sự cố được thực hiện theo khuyến cáo của tư vấn ACT - Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống đường sắt - trong giai đoạn đầu khai thác.
Trong khi đó, đường sắt đô thị là loại hình vận tải hành khách công cộng lần đầu tiên được đưa vào sử dụng ở Việt Nam (từ 6/11/2021), trong khi trên thế giới loại hình này đã được đưa vào hoạt động từ năm 1863 tại London - Vương quốc Anh.
"Do vậy trong giai đoạn đầu khai thác, các quy trình vận hành khai thác sẽ tiếp tục được cập nhật bổ sung với yêu cầu ngày càng cao thông qua quá trình khai thác thực tế và diễn tập tình huống, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình khai thác vận hành hệ thống đường sắt đô thị và trên hết là sự hài lòng của hành khách" - ông Hải chia sẻ.
Nói thêm về tình huống diễn tập sự cố bất ngờ không báo trước vào tối 7/12, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngay tại thời điểm diễn tập, trên hệ thống loa truyền thanh đã phát thanh thông báo diễn tập để hành khách đi tàu nắm được.
Tiếp đó, các nhân sự của Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) tại nhà ga Cát Linh đã đứng tại cửa soát vé để xin lỗi hành khách của chuyến tàu đầu tiên sau diễn tập về sự bất tiện vừa xảy ra và đây là một trong các nội dung của quy trình đã được xây dựng.
Sau diễn tập, Metro Hà Nội cùng các bên liên quan đã có các báo cáo chi tiết và những điểm cần rút kinh nghiệm đã được kịp thời cập nhật vào quy trình vận hành.
Trước những lo lắng, băn khoăn của dư luận khi bị "diễn tập bất ngờ" có khả năng làm ảnh hưởng tới đời sống, tinh thần, công việc của hành khách, ông Hải cho biết, Sở GTVT hết sức chia sẻ về vấn đề này. Theo ông, Sở luôn trân trọng các ý kiến của hành khách, thông qua các kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là qua phương tiện truyền thông để giúp cho hệ thống đường sắt đô thị ngày càng hoàn thiện hơn.
Về kế hoạch Metro Hà Nội sẽ tiếp tục diễn tập các sự cố bất ngờ không báo trước trong thời gian tới, ông Hải cho biết Sở GTVT sẽ luôn theo sát và đồng hành cùng Metro Hà Nội trong suốt quá trình hoạt động.
"Đến thời điểm hiện nay 63 quy trình ứng phó khẩn nguy đã được các bên liên quan xây dựng, đánh giá chứng nhận dựa trên các quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông trên đường sắt đô thị của Việt Nam và kinh nghiệm của các nước trên thế giới" - ông Hải thông tin thêm.
Nguyễn Trường