Thượng đỉnh trực tuyến Nga-Mỹ, những thông điệp quan trọng

Đối ngoại - Ngày đăng : 22:37, 14/12/2021

Hai hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ và Mỹ-Trung cho thấy, dù tình hình phức tạp đến đâu, thì đối thoại vẫn là lối thoát khả dĩ, vẫn cần thiết, vẫn là xu thế thời đại.
Thượng đỉnh trực tuyến Nga-Mỹ. (Nguồn: Axios)
Việc "rải chông" trước thềm hội nghị thượng đỉnh khiến dư luận đặt câu hỏi Nga và Mỹ có thực sự coi trọng cuộc gặp? (Nguồn: Axios)

Tạo thế và “rải chông”

Quan hệ Nga-Mỹ vốn đã phức tạp, lại thêm căng thẳng trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 7/12. Căng thẳng đến từ bối cảnh thế giới và chính từ cả hai phía. Hai cường quốc có một loạt động thái đáng chú ý.

Quốc hội Mỹ thông qua ngân sách quốc phòng tài khóa 2022 trị giá 770 tỷ USD, mà đối tượng chủ yếu nhắm đến là Trung Quốc và Nga. Truyền thông Mỹ và phương Tây đốt nóng dư luận bằng những tin tức tình báo, hình ảnh vệ tinh về việc Nga triển khai lực lượng quân sự với nhiều vũ khí phương tiện hiện đại áp sát biên giới Ukraine.

Có thông tin quả quyết Nga sẽ huy động khoảng 175.000 quân, sẵn sàng mở cuộc tiến công Ukraine vào đầu năm 2022 và dự báo đó là một bước trong ý đồ khôi phục Liên Xô! Mỹ và đồng minh tiến hành một loạt cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đen và các địa bàn chiến lược quanh Nga.

Mỹ và đồng minh tuyên bố cung cấp vũ khí, phương tiện quân sự, chuyên gia huấn luyện, tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraine trước sự đe dọa của Nga. Được Mỹ và NATO chống lưng, Ukraine đưa ra nhiều tuyên bố nóng, tố cáo Nga đe dọa xâm lược, gây xung đột ở miền Đông Ukraine, làm mất an ninh năng lượng ở châu Âu…

Tổng thống Ukraine Volodymyr ngỏ ý sẵn sàng để Mỹ và NATO triển khai lực lượng, phương tiện quân sự trên lãnh thổ của mình, cùng quân đội Ukraine chống lại Nga!

Nga phản bác “thông tin sai trái” về âm mưu tấn công Ukraine, vạch rõ ý đồ “Đông tiến”, mở rộng không gian NATO, triển khai lực lượng, phương tiện quân sự áp sát biên giới Nga là nhân tố gây căng thẳng, làm mất an ninh, ổn định ở khu vực.

Nga buộc phải có hành động tương xứng, bởi sẽ là tội ác nếu Moscow đứng im nhìn Ukraine gia nhập NATO.

Trên mặt trận khác, Nga phối hợp diễn tập quân sự với Trung Quốc và lấp lửng trước thông tin nâng quan hệ hợp tác quân sự với Trung Quốc lên mức cao hơn của phương Tây.

Trước đó, ngày 6/12, Tổng thống Putin có chuyến thăm lịch sử đến Ấn Độ, ký kết hàng loạt hợp đồng thương mại, quân sự giá trị lớn. Việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc, đối thủ hàng đầu của Mỹ và Ấn Độ, thành viên Bộ tứ (Quad), đối tác chủ chốt của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được xem là nước cờ tạo thế khôn khéo của Moscow.

Để tăng thêm độ nóng, Mỹ yêu cầu 27 nhân viên ngoại giao Nga về nước vào đầu năm 2022, với lý do “luân chuyển” vì “hết nhiệm kỳ công tác”. Nga lập tức tuyên bố “ăn miếng trả miếng”. Với số lượng nhân viên tối thiểu, cơ quan đại diện ngoại giao hai bên khó duy trì hoạt động bình thường.

Động thái của Mỹ và Nga không hẳn là bất thường trong quỹ đạo quan hệ. Đẩy căng thẳng lên cao, tạo lợi thế, dư địa để mặc cả là chuyện vẫn xảy ra. Nhưng lại “rải chông” trước thềm cuộc gặp cấp cao.

Dư luận không thể không đặt câu hỏi: Mỹ, Nga có thực sự coi trọng hội nghị thượng đỉnh không? Không tin tưởng kết quả hội nghị sao vẫn cứ gặp gỡ? Ý đồ của hai bên là gì?

Quân chốt trong ván cờ

Nga có lý do để đưa ra “lằn ranh đỏ” và không thể lùi nữa nếu bên kia không có sự nhượng bộ, chí ít cũng đưa ra cam kết có thể chấp nhận được. Theo học giả quốc tế, tình thế không cho phép Nga mở cuộc chiến ở Ukraine, trừ phi Mỹ, NATO khơi màn trước.

Động thái gần đây với Ukraine được cho là “cuộc chiến cân não” Nga giăng ra và là mũi tên nhằm nhiều đích. Trước hết là ngăn chặn Ukraine có những hành động quá khích, muốn giải quyết vấn đề Donbass bằng quân sự, gây căng thẳng với Nga để mặc cả chuyện gia nhập NATO.

Thứ hai là thể hiện sự sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống nếu Mỹ và NATO vượt “lằn ranh đỏ”. Thứ ba là đẩy vấn đề Ukraine lên cao để thăm dò phản ứng; tạo thế để có khoảng lùi, giảm căng thẳng, đổi lấy nhượng bộ từ Mỹ và NATO.

Tổng thống Joe Biden nói Mỹ có trách nhiệm hỗ trợ Ukraine chống lại sự đe dọa từ Nga. Nhưng điều mấu chốt được che đậy, Ukraine là con chốt lợi hại trên bàn cờ của Mỹ, NATO với Nga. Mấy khi có điều kiện áp sát biên giới Nga một cách công khai. Đây còn là “thể diện” của Mỹ và NATO.

Tuy nhiên, lúc này chưa phải là thời điểm kết nạp Ukraine. Bởi dễ đẩy Nga vào tình thế buộc phải hành động đáp trả. Mỹ và NATO sẽ gặp gặp khó nếu kích hoạt Điều 5, nguyên tắc phòng thủ chung với đồng minh. Học giả quốc tế cho rằng Mỹ khiêu khích, giăng bẫy, đẩy Nga sa vào “vũng lầy” Ukraine như Liên Xô ở Afghanistan thập niên 1980, có thể dẫn đến sụp đổ. Ít nhất cũng trói tay Nga để tập trung đối phó với đối thủ nguy hiểm nhất - Trung Quốc. Để tình trạng lấp lửng càng kích thích Ukraine chống Nga, mượn tay Kiev gây bất ổn cho Moscow.

Có quá nhiều đối lập giữa Mỹ và Nga trong vấn đề Ukraine. Áp lực trong nước đang đè nặng lên Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã sát gần. Tổng thống Joe Biden có muốn cũng khó xuống thang. Ukraine vừa là quân chốt, vừa là khúc mắc lớn trong quan hệ Mỹ-Nga. Vấn đề Ukraine phủ bóng hội nghị thượng đỉnh.

Thượng đỉnh trực tuyến Nga-Mỹ, những thông điệp quan trọng
Có quá nhiều đối lập giữa Mỹ và Nga trong vấn đề Ukraine. (Nguồn: WSJ)

Lạc quan thận trọng

Dư luận có cái nhìn không mấy lạc quan về kết quả hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Nga: “không có gì mới”, “không tạo ra đột phá”, “kết thúc trong bế tắc”, không thể hiện sự đồng thuận rõ ràng nào…

Điều đó được dự báo và không khó giải thích. Thực tế hơn là tìm thông điệp ẩn sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Nga.

Người trong cuộc tự đánh giá cuộc gặp “trực tiếp, thẳng thắn, xây dựng”, đủ để trao đổi những vấn đề cần thiết. Dư luận cũng tìm được một vài điểm “lạc quan thận trọng”.

Thứ nhất, hai bên có điều kiện bày tỏ trực diện, đầy đủ lập trường của mình, tránh suy đoán, tránh cái gọi là “tin giả”. Cả Nga và Mỹ hiểu rõ hơn giới hạn, thực chất “lằn ranh đỏ” và khoảng lùi có thể của bên kia.

Mỹ sẽ không lùi, tiếp tục hỗ trợ Kiev, cùng đồng minh NATO phối hợp hành động, duy trì sức mạnh quân sự ở châu Âu, sẵn sàng đối phó với leo thang căng thẳng ở Ukraine. Mỹ khẳng định sẵn sàng áp đặt biện pháp kinh tế mạnh chưa từng có và những biện pháp khác nếu Nga tấn công Ukraine… Trong đó có việc trừng phạt tập thể, điểm huyệt vào xương sống tài chính, cô lập Nga khỏi hệ thống kinh tế quốc tế, đóng chặt đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2.

Tổng thống Mỹ từ chối “lằn ranh đỏ” của Nga, cam kết về chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nhưng nói không có trách nhiệm bảo vệ Ukraine như với các đồng minh NATO. Tuyên bố của quan chức Mỹ và NATO cho thấy sự mơ hồ trong vấn đề Ukraine. Qua đó có thể thấy Mỹ và NATO chưa sẵn sàng đụng binh trực tiếp với Nga vì Ukraine. Mục đích chính vẫn là răn đe, gây bất ổn, lôi kéo Nga vào “ván cờ Ukraine”.

Đây là điều mà Nga quan tâm, để tính toán đối sách. Nga nói trừng phạt chẳng phải là hành động gì mới, đã xảy ra từ lâu và chẳng có tác dụng gì. Moscow thẳng thắn bày tỏ với Mỹ và phương Tây, không đơn phương nhượng bộ “lằn ranh đỏ”. Quan chức Quốc phòng Nga củng cố thêm quyết tâm khi nói, mọi vũ khí, kể cả hạt nhân đang trong tình trạng sẵn sàng. Nhưng Nga không dễ mắc mưu khiêu khích, sẽ không chủ động đẩy đối đầu quân sự lên cao.

Mỹ và Nga hiểu rõ thông điệp của nhau. Tuyên bố công khai điều chỉnh quyết sách dễ bị đồng minh và nội bộ phản ứng. Nhưng hội đàm kín “một-một” có điều kiện trao đổi các biện pháp cùng chấp nhận được, trong khoảng lùi có thể từ hai phía.

Tình hình Ukraine sẽ vẫn phức tạp, căng thẳng, nhưng dư luận có thể hi vọng không xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Mỹ, đồng minh và Nga. Đó là một điểm “lạc quan thận trọng”.

Thứ hai, càng căng thẳng, càng cần ngoại giao. Nga chủ động đề xuất cùng nhau dỡ bỏ tất cả các rào cản, hạn chế ngoại giao, hướng đến bình thường hóa quan hệ. Dẫu khó, nhưng chí ít cũng tránh làm tê liệt thêm hoạt động của cơ quan sứ quán hai bên. Hai bên không công bố kế hoạch cụ thể, nhưng thống nhất chỉ đạo cấp dưới bàn cách thực thi.

Ý tưởng đó được dư luận đánh giá là có ý nghĩa giữ “cầu ngoại giao”; không bị xem là mềm yếu, xuống thang. Nó phù hợp với xu thế chung, được nhiều nước quan tâm ủng hộ.

Thứ ba, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục đối thoại. Phát biểu với truyền thông, Tổng thống Putin cho biết, chúng tôi nhất trí sẽ tiếp tục cuộc thảo luận này; chúng tôi sẽ làm việc một cách liên tục; chúng tôi sẽ trao đổi về các ý tưởng của mình trong vài ngày tới. Sau một tuần nữa sẽ đưa ý tưởng cho Mỹ xem xét. Rõ ràng Nga chủ động, nỗ lực và có biện pháp khá cụ thể thúc đẩy tiếp tục đối thoại.

Ít nhất hai bên cũng tìm thấy một điều gì đó có ích để tiếp tục gặp gỡ. Gặp gỡ vẫn tốt hơn không. Đồng ý tiếp tục đối thoại là còn có cơ hội kiềm chế căng thẳng, tránh xung đột quân sự. Điều này phần nào giải đáp câu hỏi: Không tin tưởng kết quả hội nghị sao vẫn cứ gặp gỡ?

Thực tế quan chức hai bên đã bỏ nhiều công sức chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh. Quyết định gặp trực tuyến sáu tháng sau Hội nghị Thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên ở Geneva (Thụy Sỹ) và thống nhất chương trình nghị sự với “năm điểm nhấn”, cho thấy Mỹ, Nga thực sự coi trọng Hội nghị Thượng đỉnh.

Khi lòng tin xuống thấp và với sự phức tạp của quan hệ Mỹ-Nga thì chỉ cấp thượng đỉnh mới có thể đưa ra quyết định tháo gỡ bế tắc. Chắc chắn cần nhiều cuộc đối thoại, đàm phán thượng đỉnh mới có thể tìm ra lối đi. Không đi thì không bao giờ đến. Đi nhiều thì mới thành đường. Dù trong bụng không tin có đột phá nhưng vẫn quyết định gặp gỡ là vì thế.

Thượng đỉnh trực tuyến Nga-Mỹ, những thông điệp quan trọng
Khi lòng tin xuống thấp và với sự phức tạp của quan hệ Mỹ-Nga thì chỉ cấp thượng đỉnh mới có thể đưa ra quyết định tháo gỡ bế tắc. (Nguồn: NYT)

Đối thoại vẫn là xu thế

Căng thẳng giữa Mỹ và Nga quanh vấn đề Ukraine khiến dư luận liên tưởng đến sự kiện cách đây gần 60 năm. Năm 1962, khủng hoảng tên lửa ở Cuba khiến thế giới đứng bên bờ vực chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô. Rất may, vào phút chót, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev và Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã kịp tháo ngòi nổ thông qua ngoại giao. Tình thế cực kỳ căng thẳng, buộc các nhà lãnh đạo phải tính toán hết sức kỹ lưỡng, tránh mọi hậu quả. Ngoại giao là công cụ góp phần tháo gỡ nút thắt, tránh sự cố đáng tiếc.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga và hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung cho thấy, dù tình hình phức tạp đến đâu, thì đối thoại vẫn là lối thoát khả dĩ, vẫn cần thiết, vẫn là xu thế thời đại. Các đối thủ lớn nhất có thể ngồi với nhau, thì mọi quốc gia khác đều có thể. Dù không có đột phá, nhưng chấp nhận đối thoại, tìm cách kiềm chế xung đột, là thông điệp quan trọng của hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Nga.

Vũ Đăng Minh