Chuyên gia Hoa Kỳ nói gì trước nghi án Tu-160 sao chép B-1?

Đối ngoại - Ngày đăng : 19:29, 13/12/2021

Trước ý kiến cho rằng Tu-160 sao chép B-1, nhà báo Stephen Silver ghi nhận "có một số điểm tương đồng" giữa chiếc oanh tạc cơ cánh cụp cánh xòe Rockwell B-1 Lancer của Hoa Kỳ và Tupolev Tu-160.
Chuyên gia Hoa Kỳ nói gì trước nghi án Tu-160 sao chép B-1?
Nguồn minh họa

Trong giới quân sự quốc tế từng tồn tại quan điểm oanh tạc cơ siêu thanh Tu-160 sao chép B-1. Và mới đây, trên tạp chí National Interest, nhà báo Stephen Silver đã có bài nghiên cứu nhằm giải thích nguồn gốc máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-160 nổi tiếng do Liên Xô nghiên cứu chế tạo và hiện được sử dụng bởi lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.

Trước ý kiến cho rằng Tu-160 sao chép B-1, tác giả ghi nhận, cả hai máy bay ném bom đều được phát triển, sản xuất và đưa vào sử dụng cùng lúc. Và "có một số điểm tương đồng" giữa chiếc oanh tạc cơ cánh cụp cánh xòe Rockwell B-1 Lancer của Mỹ và Tupolev Tu-160.

Theo nhà báo Hoa Kỳ, những phi cơ trên giống nhau đến mức Washington thường đặt ra câu hỏi liệu có phải các nhà thiết kế Liên Xô dựa vào B-1 để tạo ra Tu-160?

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chuyên gia Dario Leone - thành viên Câu lạc bộ Hàng không Hoa Kỳ, Tu-160 và B-1 "thực sự rất giống nhau", nhưng điều này không có nghĩa là nước này đã ăn cắp thành tựu của quốc gia khác.

Hơn nữa, rất có thể cả Hoa Kỳ và Liên Xô đã tận dụng những thiết kế tiên tiến và phổ biến tại thời điểm đó. Hơn nữa như ông Leone nhấn mạnh, hai máy bay có những khác biệt tinh tế nhưng rất hữu hình, cho nên không cần phải bàn luận về một nghi án như trên.

Chuyên gia Leone lưu ý, vào năm 1994, các phi công Nga và Hoa Kỳ đã gặp nhau để kỷ niệm Chiến dịch Furious trong Thế chiến II. Cuộc gặp gỡ này cho phép họ kiểm tra và nghiên cứu chi tiết hai dòng máy bay ném bom của nhau, kết quả là những khác biệt rõ ràng đã được tiết lộ. Cụ thể trên B-1, chỉ phần đuôi ngang là có thể di chuyển được (sơ đồ tiêu chuẩn với cánh lái hai phần để điều hướng), nhưng các bộ ổn định được bổ sung với hệ thống điều khiển LARC đặc biệt.

Trong khi đó Tu-160 không có thiết bị như vậy bởi vì máy bay ném bom Liên Xô không được thiết kế để hoạt động ở độ cao thấp. Ngoài ra chuyên gia Leone cũng lưu ý những điểm khác biệt trong cấu tạo khung thân.

Do vậy khó có thể khẳng định rằng các nhà thiết kế Liên Xô đã trực tiếp sao chép chiếc B-1 của Hoa Kỳ.

Hà Linh (TH)