Ninh Bình đẩy mạnh xử lý, giải quyết các vụ việc liên quan đến đất đai

Kinh doanh - Ngày đăng : 08:34, 13/12/2021

Từ khi Luật Đất đai năm 2013 đi vào cuộc sống, tình hình quản lý giám sát, theo dõi, đánh giá quản lý, sử dụng đất; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được thực hiện thường xuyên, kịp thời xử lý giải quyết các vụ việc vi phạm liên quan đến đất đai.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, từ tháng 7/2014 đến tháng 5/2021, Sở đã tiến hành 56 cuộc thanh tra việc chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai đối với 47 doanh nghiệp, 3 đơn vị nhà nước và 6 hộ gia đình cá nhân. Sở cũng thực hiện 9 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đất đai đối với 7 doanh nghiệp, 1 đơn vị nhà nước và 1 hộ gia đình cá nhân; xem xét, rà soát, xác minh, tham mưu giải quyết 89 vụ việc khiếu nại, tố cáo, đề nghị phản ánh liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Đối với UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cho, từ tháng 7/2014 đến tháng 5/2021 đã xử lý 174/178 vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai; có 259/261 vụ việc khiếu nại, khiếu kiện về đất đai được xử lý; ¾ vụ việc tố cáo, 65/66 vụ việc tranh chấp về đất đai được xử lý.

Hồ Đồng Chương (Ảnh minh hoạ)

Báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, trong 9 tháng năm 2021, cơ quan hành chính các cấp đã tiếp 2.856 lượt công dân, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng số đơn của công dân là 2.018 đơn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nội dung của các cuộc tiếp dân và phần lớn đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn chủ yếu là những vấn đề phát sinh từ công tác giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng; khiếu nại liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp đất đai; tố cáo cán bộ cấp xã vi phạm chế độ quản lý, sử dụng đất đai, thực thi công vụ và thực hiện các chế độ, chính sách xã hội...

Hầu hết là các khiếu nại tố cáo đã được các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của tỉnh quan tâm, chỉ đạo, xem xét, giải quyết, nhưng một số công dân vẫn cố tình, tiếp tục khiếu kiện hoặc chuyển sang tố cáo người ký ban hành văn bản giải quyết.

Đáng chú ý, một số công dân thiếu sự hợp tác với các cơ quan quản lý Nhà nước, đưa ra những đề nghị không có căn cứ pháp lý để giải quyết, điển hình như: một số công dân của thành phố Tam Điệp liên quan đến giải phóng mặt bằng xây dựng cầu vượt trên địa bàn phường Nam Sơn; một số công dân của huyện Nho Quan liên quan đến giải phóng mặt bằng xây dựng quốc lộ 12B; công dân xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn liên quan đến giải phóng mặt bằng đê biển Bình Minh...

Mặc dù vậy, công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân ở tỉnh Ninh Bình thời gian qua vẫn cơ bản ổn định, không có điểm nóng, mặc dù vẫn còn có khiếu kiện vượt cấp, phức tạp và đông người.

Kết quả đến nay, cơ quan hành chính các cấp đã xử lý 1.850/2.018 đơn, còn lại 168 đơn đang trong thời hạn xử lý. Về giải quyết khiếu nại, các cơ quan, đơn vị đã giải quyết 42/49 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 85,7% (còn lại các vụ việc đang trong thời hạn giải quyết), trong đó có 38 vụ việc giải quyết bằng quyết định hành chính; 4 vụ việc giải quyết thông qua hòa giải, thuyết phục.

Về giải quyết tố cáo, đã giải quyết 41/43 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 95,3%, trong đó có 4 vụ việc người tố cáo rút đơn. Các vụ việc KNTC đều được giải quyết đúng thời gian quy định. Đặc biệt đã giải quyết dứt điểm 2 vụ việc khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp, kéo dài ở phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) và ở xã Lai Thành (huyện Kim Sơn). Về kết quả giải quyết kiến nghị, phản ánh, tổng số có 1.061 vụ việc thuộc thẩm quyền, đã xem xét, trả lời, giải quyết 622 vụ việc và số đơn đang giải quyết là 126 vụ việc….

Tuy nhiên, công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Đơn cử như: việc phân loại, xử lý đơn thư ở một số cơ quan, đơn vị chưa chính xác, dẫn đến việc giải quyết còn lúng túng, thời gian giải quyết còn kéo dài. Một số quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo chưa được tổ chức thực hiện dứt điểm. Việc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong công tác tiếp dân và giải quyết KNTC của các huyện, thành phố chưa thường xuyên…

Do vậy, trong thời gian tới cần phải tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp, các ngành, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, có đông người tham gia.

Tuyết Chinh