Tính toán mới: Vàng lên 66 triệu đồng/lượng sau Tết này

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 14:37, 12/12/2021

Theo dự báo, giá vàng sẽ tăng lên mốc 1.945 USD/ounce trong quý đầu tiên của năm 2022. Với mức chênh lệch khoảng 12 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước ở thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới có thể đạt mức 66 triệu đồng/lượng.

Vàng trong nước trên 61 triệu đồng/lượng

Giá vàng tiếp tục tăng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác có nhiều biến động bất thường khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/12, giá vàng miếng 9999 trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji ở mức 60,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,35 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội và 60,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,4 triệu đồng/lượng (bán ra) tại TP.HCM.

Giá vàng tại SJC niêm yết ở mức 60,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,42 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Còn tại TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 60,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,4 triệu đồng/lượng (bán ra).

Việc giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại trong khi giá vàng thế giới có xu hướng giảm khiến cho chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế ngày càng lớn.

Tính toán mới: Vàng lên 66 triệu đồng/lượng sau Tết này
Biểu đồ giá vàng trong nước

Hiện, giá vàng trong nước đang đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 11,72 triệu đồng/lượng, mức kỷ lục từ trước đến nay. Mức chênh lệch này khiến người mua vàng trong nước đang phải trả mức giá đắt hơn tới 22% để sở hữu cùng một lượng vàng trên thị trường thế giới.

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ tăng 7,3 USD lên 1.782,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 1/2022 trên sàn Comex New York tăng hơn 6 USD lên 1.781,9 USD/ounce.

Dự báo tăng mạnh đầu 2022

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 11 đã tăng 6,8% so với 1 năm trước và đây là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/1982 khi lạm phát ở mức 7,1%.

Chỉ số này được tính toán sau khi cân nhắc giá cả của một loạt mặt hàng và dịch vụ bao gồm xăng dầu, dịch vụ chăm sóc y tế, giá thuê nhà, và hàng tạp hóa. Cũng theo báo cáo này, giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 11 đã tăng 0,8% so với tháng 10, sau khi tăng 0,9% trong tháng 10 so với tháng 9.

Nguyên nhân của tình trạng này được cho là tổng hợp của một số yếu tố bao gồm các gói kích thích kinh tế của chính phủ, mức lãi suất thấp do Cục Dự trữ liên bang điều chỉnh, thiếu hụt nguồn cung tại các nhà máy ở Mỹ và trên thế giới.

Tính toán mới: Vàng lên 66 triệu đồng/lượng sau Tết này
Biểu đồ vàng thế giới

Giá vàng chịu thêm sức ép giảm khi Bộ Lao động Mỹ báo cáo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm 43.000, xuống 184.000, mức thấp kỷ lục 52 năm.

Sắp tới, Fed có thể hành động mạnh và nhanh hơn, và điều đó có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và giá các tài sản khác như cổ phiếu. Trong trường hợp như vậy, vàng có cơ hội để tăng giá.

Bart Melek, người đứng đầu chiến lược toàn cầu của TD Securities cho biết, vàng phản ứng trước diễn biến của Fed. Vàng đang giao dịch quanh mức 1.760 - 1.800 USD/ounce và giữ ổn định trong mức này vào tuần tới. Ông nhận định rằng, vàng đang có xu hướng phục hồi trở lại.

Theo các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Societe Generale, giá vàng sẽ giao dịch quanh mức 1.900 USD/ounce vào quý III năm sau. Tháng trước, ngân hàng Pháp này cũng dự báo kim loại quý sẽ tăng lên mốc 1.945 USD/ounce trong quý đầu tiên của năm 2022.

Bảo Anh