Tuy Phước (Bình Định): Khắc phục lũ lụt đón vụ Đông Xuân

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 23:09, 10/12/2021

Là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận mưa lũ lịch sử của tỉnh Bình Định, huyện Tuy Phước đang từng bước nhanh chóng khắc phục lũ lụt để người dân sớm ổn định cuộc sống, trở lại đồng ruộng đón vụ Đông Xuân.

Thiệt hại nặng nề do mưa lũ

Do ảnh hưởng của đợt mưa, lũ lớn từ ngày 28-30/11/2021 đã gây thiệt hại rất lớn trên địa bàn huyện Tuy Phước, nhất là các công trình cầu, đường giao thông, thủy lợi, trong đó phải kể đến công trình cầu giao thông Đại Hàn nối liền từ xã Phước Lộc đi xã Phước Hiệp bị sụt lún 2 nhịp cầu, hiện tại giao thông đi lại cho xe và người dân không đảm bảo.

Cầu Đại Hàn từ xã Phước Lộc đi xã Phước Hiệp

Ngoài ra, các tuyến đường giao thông gồm: ĐT.640, ĐT.639, đường huyện ĐH42 và các tuyến giao thông nông thôn đều bị bong tróc mặt, gãy nền đường và xâm thực mái taluy đường, với tổng chiều dài trên 4,8 km. Kè bê tông bị sụp mái hư hỏng trên 260 m, hệ thống đê sông chưa được gia cố bị xâm thực, sạt lở trên 875 m. Kênh mương bê tông bị hư hỏng, bồi lấp gần 3.000 m.

Cầu Đại Hàn bị sụt lún 2 nhịp

Sạt lở hư hỏng xung quanh cầu Đại Hàn

Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng mưa lũ làm sập hoàn toàn 11 ngôi nhà của 11 hộ dân trên địa bàn huyện Tuy Phước, khiến người dân lâm vào cảnh khó khăn không có nhà để ở, hiện phải sống tạm nhà người thân, bà con hàng xóm.

Cuộc sống trở lại sau mưa lũ

Chỉ mấy ngày trước đó, mưa ngập trắng trời, nhà cửa chìm trong nước lũ, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị sa bồi thủy phá sau trận mưa lũ đi qua để lại thiệt hại nặng nề cho chính quyền và nhân dân huyện Tuy Phước, nhưng đến nay tất cả dần trở lại trạng thái bình thường.

Bà con xã Phước Hòa xuống đồng cày ải đồng ruộng

Hiện tại những cánh đồng bị sa bồi thủy phá được cải tạo, bà con tranh thủ trời nắng ấm xuống đồng cày ải, gieo sạ những hạt lúa hy vọng cho kịp mùa vụ Đông Xuân được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gặt hái đạt sản lượng.

Bà Nguyễn Thị Ái ở thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn chia sẻ nỗi vất vả

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Ái ở thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn cho biết: Mặc dù nhà cửa người dân chỉ ngập nước nhưng thiệt hại về đất sản xuất canh tác rất lớn, toàn bộ diện tích lúa vụ Đông Xuân gieo sạ trước khi trận mưa lũ kéo đến đều bị thiệt hại. Nhà tôi có 6 người con, chủ yếu làm nông mà gặp mưa lũ nên mất trắng đợt vừa rồi giờ phải gieo sạ lại.

Ông Nguyễn Tấn Châu tranh thủ ngày nắng ra đồng cày lại đám ruộng bị hư hỏng do lũ lụt để kịp vụ Đông Xuân

Ông Nguyễn Tấn Châu ở thôn Kim Đông, xã Phước Hòa chia sẻ thêm: Nhà tôi chỉ có hai vợ chồng già làm ruộng đã vất vả, mưa lũ kéo đến gây thiệt hại cho gia đình khiến cuộc sống thật khó khăn. Chỉ mong đợt gieo sạ mới này hy vọng được mùa để có gạo cho vợ chồng tôi sinh sống.

Người dân vớt những đám ruộng đã chết bị ngập nước

Riêng xã Phước Hòa, người dân không chỉ bị thiệt hại về đất sản xuất nông nghiệp mà còn thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản khiến người dân lâm vào cảnh khó khăn cùng cực.

Ngôi nhà bà Nguyễn Thị Nghĩa chỉ còn lại đống xà bần đổ nát

Chỉ sau trận mưa lũ kinh hoàng, ngôi nhà cấp 4 xây dựng từ năm 1990 của bà Nguyễn Thị Nghĩa (76 tuổi) ở thôn Kim Đông, xã Phước Hòa chỉ còn lại đống xà bần đổ nát. Chị Trương Thị Hạnh, con dâu bà Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ: Các cấp chính quyền đã hỗ trợ kịp thời giúp gia đình 60 triệu đồng do nhà bị sập. Ngôi nhà xây đã lâu, khi nước lớn tràn vào gây ngập lụt ngôi nhà không thể trụ vững. Gia đình chỉ mong chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, mạnh thường quân giúp đỡ để mẹ con tôi sớm có ngôi nhà mới để ở.

Nhiều diện sản xuất bị sa bồi thủy phá do mưa lũ đang cày đất lại

Nhằm sớm khắc phục thiệt hại hệ thống giao thông phục vụ đi lại và gia cố các công trình thủy lợi, kênh mương đảm bảo sản xuất kịp thời vụ Đông Xuân 2021-2022, UBND huyện Tuy Phước có tờ trình đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định quan tâm hỗ trợ kinh phí để UBND huyện khắc phục hậu quả do mưa lũ.

Tuy Phước xử lý môi trường sau lũ bởi rác nằm vắt vẻo trên đám cây dại bên sông Gò Bồi

Về giao thông, hỗ trợ xây dựng mới cầu giao thông Đại Hàn xã Phước Lộc đi Phước Hiệp kinh phí 40 tỷ đồng. Hỗ trợ khắc phục sạt lở hệ thống đường giao thông kinh phí 3,0 tỷ đồng. Về thủy lợi, hỗ trợ gia cố khắc phục các công trình thủy lợi kinh phí 6,6 tỷ đồng. Hỗ trợ khắc phục hệ thống kênh mương nội đồng bị sạt lở, bồi lấp kinh phí 0,4 tỷ đồng. Tổng kinh phí đề nghị quan tâm hỗ trợ là 50 tỷ đồng.

Người dân Phước Sơn gieo sạ những hạt lúa hy vọng vụ Đông Xuân

Trao đổi thêm với phóng viên, ông Huỳnh Nam – Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết: Mưa lũ năm nay khá lớn ngang với đỉnh lũ năm 2016 trên địa bàn huyện Tuy Phước. Khi lũ rút gây thiệt hại sa bồi thủy phá, tôi chỉ đạo cho lực lượng thanh niên xung kích, dự bị động viên, dân quân, công an, quân sự chia làm 3 cánh đi hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, đặc biệt các diện tích đất canh tác sa bồi nhỏ lẻ ở các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa. Hiện nay cơ bản công tác khắc phục hoàn thành, bà con đã bước vào sản xuất vụ Đông Xuân.

Người dân Phước Lộc đắp bờ bao bảo vệ diện tích lúa vụ Đông Xuân

Ông Huỳnh Nam chia sẻ thêm: Đối với các gia đình có nhà bị sập thì chính quyền địa phương huyện, xã đến thăm hỏi kịp thời, đồng thời hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con khó khăn vùng ngập nặng. Lãnh đạo tỉnh cũng đã về thăm và hỗ trợ cho 11 hộ có nhà bị sập trên địa bàn huyện, mỗi hộ 60 triệu đồng. UBND huyện đang kêu gọi xã hội hóa để hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập sớm xây lại nhà mới để người dân ổn định cuộc sống.

Mỹ Bình