"Đội bay" đặc biệt góp phần giúp Liên Xô thắng phát xít Đức

Đối ngoại - Ngày đăng : 19:44, 10/12/2021

Chiến thắng của Liên Xô trước phát xít Đức trong Thế chiến II có sự đóng góp của một đội quân đặc biệt, có khả năng bay lượn trên không trung.
Đội bay đặc biệt góp phần giúp Liên Xô thắng phát xít Đức  - 1

Một "quân nhân" bồ câu của Liên Xô (Ảnh: RBTH).

Từ thời Trung Hoa cổ đại tới Đế quốc La Mã, bồ cầu đưa thư đã được coi là một phương tiện liên lạc hiệu quả và được sử dụng rộng rãi trong các cuộc chiến tranh và xung đột. Ngay cả trong Thế chiến II, bồ câu tiếp tục đóng một vai trò quan trọng, hỗ trợ những người lính kết nối với nhau khi các trạm thu phát tín hiệu không hoạt động.

Nhìn chung, bồ câu đưa thư được hầu hết các lực lượng vũ trang của các bên tham gia Thế chiến II sử dụng. Liên Xô cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, họ không chỉ sử dụng bồ câu để chuyển tin mà còn từng tính sử dụng chúng để tấn công máy bay đối thủ.

Vào giữa những năm 1920, sự quan tâm của Hồng quân Liên Xô đối với bồ cầu đưa thư, vốn phần nào suy yếu sau khi Thế chiến I kết thúc, đã hồi sinh trở lại, đặc biệt với lực lượng không quân.

Vì liên lạc vô tuyến hàng không vào thời điểm đó còn ít, chim bồ câu bắt đầu được sử dụng để gửi thông tin tình báo hoặc tọa độ trong trường hợp hạ cánh khẩn cấp. Các thông điệp được viết trên giấy mỏng và đặt trong một hộp kim loại nhẹ gắn vào chân chim.

Các thử nghiệm thả chim bồ câu từ máy bay ở độ cao 300 m tới vài km cũng được tiến hành. Sau khi được thả, chúng sẽ ngay lập tức định vị, hạ cánh xuống đất và bay về chuồng.

Bồ câu phục vụ trong lực lượng mặt đất, không quân và hải quân và cũng được lính biên phòng huấn luyện. Một mạng lưới các căn cứ bồ câu quân sự cố định và di động đã được phát triển. Năm 1936, Liên Xô đã có hơn 250 "điểm đóng quân" cho bồ câu với 30.000 con chim.

Tuy nhiên, vào thời điểm cuối những năm 1930, khi cần điều động quân sự với tốc độ nhanh, Liên Xô nhận ra rằng việc tổ chức các điểm đóng cho chim bồ câu như vậy là không hiệu quả và họ từng muốn loại bỏ chúng.

Mặc dù vậy, chiến tranh với phát xít Đức đã bùng phát ngay khi Liên Xô có ý định như vậy. Vào thời điểm đó, Liên Xô hiểu rằng, việc loại bỏ bồ câu đưa thư vào thời điểm này là quá sớm vì nó vẫn được xem là có ích trên chiến trường.

Các con bồ câu được huấn luyện để truyền tin giữa các sở chỉ huy và đơn vị trên tiền tuyến. Khi các trạm vô tuyến gặp trục trặc, các con bồ câu là hy vọng duy nhất còn sót lại.

Bồ câu đưa thư trở thành một mắt xích quan trọng khi Liên Xô nỗ lực bảo vệ thành phố "trái tim" Moscow trước sự tấn công của phát xít Đức. Sau này, có 30 con bồ câu đã được trao tặng huân chương của nhà nước.

Phát xít Đức, bên cũng sử dụng bồ câu đưa thư, thừa hiểu được sự nguy hiểm của loại hình truyền thông tin này. Vì vậy, phát xít Đức từng yêu cầu toàn bộ người dân trong các vùng lãnh thổ bị lực lượng này chiếm đóng phải giao nộp toàn bộ bồ câu, nếu không sẽ bị xử tử.

Mặc khác, phát xít Đức tiếp tục huấn luyện chim ưng và diều hâu để đánh chặn chim bồ câu Liên Xô. Mặc dù vậy, đội quân bồ câu của Liên Xô vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đảm bảo đường dây thông tin liên lạc không bị gián đoạn giữa sở chỉ huy, quân nhân và các nhóm trinh thám hoạt động trong lòng đối thủ. Bồ câu được xem là biện pháp gửi và nhận thông tin mật đáng tin cậy nhất.

Đội bay đặc biệt góp phần giúp Liên Xô thắng phát xít Đức  - 2

Bồ câu là phương tiện truyền tin đáng tin cậy, bảo mật cao vào thời điểm Thế chiến II (Ảnh: RBTH).

Năm 1944, trên Mặt trận Baltic thứ 2, có một đại đội chim bồ câu đặc biệt được thành lập. 500 con chim bồ câu dưới sự giám sát của 80 người điều khiển đã được huấn luyện bay theo 22 hướng trong bán kính 10-15 km. Trong khoảng thời gian 6 tháng, các "quân nhân có cánh" đã giao hơn 4.000 thông điệp.

Ngoài bồ câu đưa thư, Hồng quân cũng cân nhắc sử dụng bồ câu để làm vũ khí tấn công đối thủ. Chúng được gắn vào người bộ phận kích hoạt bằng áp suất và tên lửa nhằm tiếp cận những quả bom treo trên cánh máy bay phát xít Đức. Sau đó, con bồ câu sẽ nhanh chóng bay đi trước khi những quả bom của đối thủ bị kích nổ

Tuy nhiên, dự án không được thực thi vì Hồng quân không thể huấn luyện bồ câu phân biệt được đâu là bom của đối thủ và đâu là bom của Liên Xô.

Sau Thế chiến II và các tiến bộ công nghệ xuất hiện, đội quân bồ câu đã ngừng hoạt động và chúng đã về hưu khi đơn vị bồ câu bị giải thể. Tuy nhiên, chúng vẫn được xem đã đóng góp một phần vào chiến thắng chung của Liên Xô và phe Đồng minh. Chúng đã chuyển đi hàng chục nghìn thông điệp quan trọng tới đích trong suốt thời kỳ dữ dội nhất cuộc chiến.

Đức Hoàng

Theo RBTH