Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” - 5 năm một hành trình: Chung nhịp đập xanh

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 16:13, 10/12/2021

Làm sạch biển; Chống ô nhiễm rác thải nhựa; Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần; Chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; Vì một Việt Nam xanh”…  là những chủ đề tuyên truyền với những hoạt động ý nghĩa, thiết thực mà Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức trong hành trình nửa thập kỷ qua.

Những “viên gạch” đầu tiên

Lan tỏa sâu rộng những thông điệp xanh để cùng chung tiếng nói, chung hành động bảo vệ Trái đất trong chuỗi sự kiện kết nối các Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp do Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan quản lý của ngành TN&MT là một con đường dài lâu, cần rất nhiều thời gian và nhiều phép thử. Những chuyển động đầu tiên dẫu khó khăn nhưng đã đặt nền móng mở ra “con đường xanh” kết nối triệu triệu những trái tim yêu môi trường.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn năm 2020 tại Bà Rịa - vũng Tàu. Ảnh: Trần Văn

Sự kiện đầu tiên diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1925 - 21/6/2017. Diễn đàn Nhà báo với môi trường và biển đảo được Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức với sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT, sự đóng góp của đông đảo các nhà quản lý là Lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, các doanh nghiệp và các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội theo dõi các lĩnh vực quản lý của ngành TN&MT. Sự kiện đó là tiền đề mở ra trang mới về sự phối hợp, sẻ chia của “ba nhà” Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp, những “cánh tay nối dài” quản lý ngành TN&MT.

Sự kiện tiếp theo mang tên Nhà báo với Môi trường và Biển đảo diễn ra dịp 21/6/2018, vinh dự được Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì Diễn đàn. Trong bài phát biểu quan trọng, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, nhu cầu thông tin về TN&MT rất lớn và cần được đầu tư thường xuyên. Do vậy, Bộ TN&MT luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền về hoạt động của ngành như: Họp báo thường kỳ hàng tháng, tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại, giao lưu trực tuyến, các cuộc thi viết, ký biên bản ghi nhớ, quy chế phối hợp tuyên truyền...

Chủ đề Diễn đàn năm 2019 tập trung vào nội dung “Chống rác thải nhựa: Trách nhiệm quản lý - truyền thông - doanh nghiệp” nhằm truyền thông mạnh mẽ hơn thực trạng và giải pháp giải thiểu rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần...

Từ hiệu ứng của 2 Diễn đàn trước, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tiếp tục đặt kỳ vọng lớn vào Diễn đàn lần này với mong muốn lan tỏa những hành động xanh, góp phần truyền tải mạnh mẽ thông điệp về ô nhiễm rác thải nhựa đến tất cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân, nhất là các cơ quan truyền thông, báo chí nhằm chung tay chống rác thải nhựa. Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ TN&MT đã phát động nhiều phong trào chống rác thải nhựa nhằm từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Những thông điệp và hành động mạnh mẽ của ngành TN&MT đối với rác thải nhựa cũng như sức lan tỏa từ 3 Diễn đàn do Báo TN&MT - Tổng cục Môi trường - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức trước đó cùng với thực trạng môi trường là cơ duyên mở ra Tọa đàm “Chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa: Trách nhiệm Nhà quản lý - Doanh nghiệp - Truyền thông”. Tọa đàm do Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở TN&MT TP. Đà Nẵng tổ chức dịp tháng 9/2019, tại TP. Đà Nẵng tiếp tục truyền đi thông điệp kêu gọi tất cả mọi người vì một cộng đồng không rác thải nhựa.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi tin Diễn đàn này sẽ phát huy hiệu quả lâu dài hơn nữa

Khó có thể quên được những câu thơ mà nửa thiên niên kỷ trước, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhắc nhở:

“Biển Đông vạn dặm dang tay giữ

Đất Việt ngàn năm trị vững bền.”

Bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc, chúng ta thường nghĩ đến chủ quyền về chính trị đối với biển đảo - những vấn đề thời sự hôm nay, nhưng bền vững song song là vấn đề môi trường ở không gian lãnh hải hơn 1km2 ngoài biển Đông. Biển là nguồn sống cho con người cả hôm nay và tương lai.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Thế nhưng, môi trường biển lại đang đứng trước những thách thức lớn, khi tình trạng biến đổi khí hậu và hành vi tiêu cực trong lối sống con người trên đất liền đã làm ô nhiễm không gian này. Một trong những yếu tố tác động hàng ngày, hàng giờ là rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, có thể gây tác hại lâu dài cho các thế hệ con cháu của chúng ta. Ý thức được điều đó, chúng ta phải hành động. Hành động như thế nào - đó là câu chuyện phải bàn tới! Tôi nghĩ rằng, trong Diễn đàn của chúng ta cần bàn những câu chuyện đó. Nâng cao ý thức là vấn đề quan trọng, nhưng quan trọng là phải hành động như thế nào, làm sao để ngấm vào thành tập quán trong lối sống con người, để con người luôn luôn nhìn biển là một phần đời sống của mình, một phần tương lai của mình, một phần di sản mà chúng ta để lại cho con cháu.

“Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp” chính là 3 yếu tố đảm bảo thành quả bền vững của một sự kiện. Sự kiện này cần gắn với hành động cụ thể, đồng thời cũng cần phát huy sáng kiến của cộng đồng để bảo vệ môi trường. Trong công tác bảo vệ môi trường, học hỏi kinh nghiệm của quốc tế là cần thiết, song, quan trọng vẫn là phát huy nội lực của mình, sáng kiến của mình. Bởi không ai có thể hiểu không gian sống của mình hơn chính mình; không gì bảo vệ không gian sống của mình tốt hơn bằng chính ý thức của mình. Tôi cho rằng, những gì mà mà chúng ta làm là nỗ lực ban đầu, và vừa làm chúng ta vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa cải thiện tính hiệu quả của nó. Cuối cùng là làm sao cho đến ngày mà ý thức của mỗi con người luôn nhìn biển chính là con đường thênh thang mà chúng ta bước tới trong tương lai.

Trong mối quan hệ con người - thiên nhiên, có nhiều vấn đề thiên nhiên có thể tự giải quyết, nhưng cũng có nhiều điều mà con người cần phải can thiệp, không những không phá hoại thiên nhiên vốn có mà còn làm nó giàu hơn, bền vững hơn. Việc bảo vệ bờ biển của chúng ta bằng dải cây xanh, từ xa xưa ông cha ta đã làm, tôi cho đó là điều hết sức cần thiết vì lợi ích hôm nay và mai sau.

Tại Tọa đàm, bên cạnh đề cao vai trò của các cấp chính quyền và doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khẳng định công tác tuyên truyền phòng chống rác thải cũng cần phải được phát huy và thực hiện đúng cách. Đồng thời, phát hiện gương điển hình, mô hình tốt, cách làm hiệu quả, tạo sức lan tỏa, thắp sáng nỗ lực của toàn xã hội để phong trào “Chống rác thải nhựa” ngày càng được nhân rộng.

Bước sang năm 2020, Diễn đàn lần thứ 4 “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” được tổ chức quy mô lớn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với sự chủ trì của Lãnh đạo Bộ TN&MT, sự tham dự của đại diện lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà báo, doanh nghiệp quốc tế và trong nước.

Khẳng định ý nghĩa thực sự của Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, các sự kiện này sẽ góp phần hỗ trợ các nhà báo trang bị thêm kiến thức và tư duy về lĩnh vực TN&MT trong quá trình tác nghiệp. Từ đó, đóng góp tích cực vào sự nghiệp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng như góp phần thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Nối vòng tay lớn bảo vệ môi trường

Duy trì, bảo vệ và kiến tạo môi trường sống trong lành, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai đã và đang tiếp tục là nhiệm vụ được Chính phủ ưu tiên hàng đầu, xuyên suốt và nỗ lực thực hiện bằng hàng loạt các chính sách phát triển, công cụ quản lý nguồn lực của quốc gia và các cam kết quốc tế.

“Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường”, “phát triển bền vững” không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động thực tiễn từ cơ quan quản lý Nhà nước lan tỏa đến các doanh nghiệp và từng người dân. Tất cả để hướng tới việc chúng ta có được tri thức sâu sắc về tự nhiên, giữ gìn và phục hồi được thiên nhiên Việt Nam để từ đó tạo dựng môi trường sống trong lành, duy trì nền sản xuất xanh cho nền kinh tế bền vững và hài hòa.

Bảo vệ môi trường bên cạnh những vấn đề mang tầm vĩ mô là những hành động nhỏ của mỗi người như tiết kiệm điện, nước, hạn chế sử dụng túi ni lông, giữ gìn vệ sinh đường phố và nơi ở, trồng cây xanh, yêu thương bảo vệ động vật… là chúng ta đang thể hiện một cách đúng đắn lối sống văn minh, sự quan tâm và ý thức bảo vệ môi trường. Đối xử thân thiện với môi trường đồng nghĩa với việc đối xử tốt với cuộc sống của chính mình.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng: Diễn đàn đã tạo hiệu ứng tích cực trong bảo vệ môi trường

Không khó để nhận ra rằng, môi trường của trái đất đang bị ảnh hưởng lớn bởi các hoạt động dân sinh và biến đổi khí hậu. Tại những Hội nghị thượng đỉnh thường kỳ của thế giới, môi trường đã trở thành vấn đề “nóng”. Riêng tại Việt Nam, sau nhiều năm trải qua chiến tranh rồi thời kỳ bao cấp, môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, khi kinh tế phát triển nhanh và thiếu bền vững, những hệ lụy về môi trường đã thấy rõ.

Trước những thách thức như vậy, việc các nhà quản lý - nhà báo - doanh nghiệp đồng hành để xã hội cùng nhận thức tốt hơn, trách nhiệm hơn với môi trường, tài nguyên đất nước. Giải quyết được những vấn đề như lãng phí tài nguyên, bảo vệ môi trường là chuyện có tính “vĩ mô”, nhưng lại bằng những hành động rất thiết thực.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng

Tôi cho rằng, vai trò của báo chí rất quan trọng. Báo chí là cầu nối giữa nhà quản lý với xã hội và doanh nghiệp. Báo chí sẽ đem chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên đến với người dân, doanh nghiệp và làm rõ thêm những vấn đề được và chưa được mà các cấp quản lý ở địa phương đang thực hiện.

Tôi cũng đánh giá cao vai trò tiên phong của Báo Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức Diễn đàn này. Tôi mong muốn Diễn đàn sẽ có sự tham gia nhiều hơn nữa, lan tỏa rộng hơn nữa trong xã hội. Những tiếng nói từ Diễn đàn sẽ truyền được thông điệp nhiều hơn đến mỗi người dân, khi thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những nỗi đau không gì bù đắp nổi từ đại dịch Covid-19.

Vừa qua, tại COP26, chúng ta đã thấy sự khẳng định mạnh mẽ của Việt Nam khi tham gia giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Những thông điệp mới nhất mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị này khiến chúng ta cần phải suy nghĩ và hành động. Ngay tại Diễn đàn này, chúng ta sẽ bàn đến trách nhiệm của nhà quản lý, của các nhà báo, của các công dân khi thực hiện các cam kết đó.

Về hoạt động trồng cây xanh trong khuôn khổ của Diễn đàn, tôi cho rằng, đây là việc làm thiết thực, giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nhất là ở dải đất miền Trung vốn hứng chịu thiên tai nhiều nhất. Không gì xúc động bằng việc chúng ta biết trân trọng và yêu thương mảnh đất mà mình đang sống. Góp thêm cây xanh cũng là góp phần thực hiện mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh mà Chính phủ đã đề ra.

Hoạt động của Báo Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua được xem là những ví dụ điển hình để lan tỏa những hành động đẹp, tử tế với môi trường sinh thái.

Đó là Lễ ra quân “Hãy làm sạch biển năm 2019” với chủ đề “Chung tay vì môi trường biển không rác thải nhựa được Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công an tỉnh Thanh Hóa, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Sầm Sơn phối hợp tổ chức. Sau Lễ ra quân, các đại biểu cùng hàng trăm đoàn viên thanh niên và ngư dân địa phương đã tham gia dọn rác làm sạch bãi biển tại xã Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn. Dọc bờ biển khoảng 2km của phường Quảng Vinh, các loại rác thải: túi ni lông, rác thải nhựa, rác thải tổng hợp… đã được thu gom và xử lý.

Tiếp đó là Lễ ra quân “Làm sạch biển” kết hợp cùng Tọa đàm “Chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa: Trách nhiệm Nhà quản lý - Doanh nghiệp - Truyền thông” ngày 28/9/2019 do Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở TN&MT TP. Đà Nẵng tổ chức. Sự kiện đã thu hút 11 tỉnh, thành duyên hải từ Thanh Hóa đến Bình Định cùng ra quân “làm sạch biển” và kêu gọi "Chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa. Hơn 2.100 cán bộ, công chức viên chức, lực lượng quân đội, công an, nhân dân, đoàn viên… tại TP. Đà Nẵng đã tham gia thu dọn rác tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang.

Năm 2020, Lễ ra quân hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn và trao quà cho các ngư dân bám biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp thực hiện…

Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức đã trao tặng 300 bồn chứa nước ngọt chuyên dùng với dung tích 1.000 lít và 3.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vươn khơi bám biển. Ngay sau Lễ phát động, các đại biểu và người dân huyện Long Điền đã trực tiếp tham gia thu gom rác thải làm sạch bãi biển tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Minh Ngân hoan nghênh và biểu dương Báo Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các đơn vị, các nhà tài trợ đã tổ chức Lễ ra quân lần này. Thứ trưởng kỳ vọng, không chỉ có một ngày, mà hàng giờ, hàng ngày, làm sạch môi trường biển là trách nhiệm, là tinh thần tự giác trong mỗi chúng ta, bằng những hành động nhỏ nhất để hạn chế rác thải nhựa. Với nhận thức đó, chúng ta sẽ cùng hành động ngay từ bây giờ để tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa lớn nhằm đảm bảo các thế hệ người dân Việt Nam và toàn cầu sẽ được hưởng môi trường sống trong lành, an toàn và bền vững; để đất đai và vùng biển yêu quý của Tổ quốc, đại dương của toàn nhân loại không còn bóng dáng của rác thải nhựa, để cảnh quan sinh thái được bảo vệ trường tồn...

Nhân lên những hành động xanh

Tuyên truyền về lĩnh vực TN&MT, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường, trồng cây xanh, làm sạch biển là một trong những nhiệm vụ hết sức cần thiết, góp phần phát triển bền vững đất nước. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của cả hệ thống chính trị xã hội, trong đó, báo chí luôn là lực lượng xung kích đóng vai trò quan trọng.

Là cơ quan ngôn luận của Bộ TN&MT, Báo Tài nguyên và Môi trường đã thường xuyên, tích cực, chủ động phối hợp với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện nhiều chiến dịch tuyền thông về tài nguyên, môi trường và biển đảo. Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ V năm 2021 với chủ đề “Vì một Việt Nam xanh” và Lễ trồng cây rừng ngập mặn ven biển là sự tiếp nối thành công các Diễn đàn, Tọa đàm và sự kiện trước đây.

Diễn đàn một lần nữa khẳng định vai trò, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ TN&MT; mở ra một dư địa đầy tiềm năng trên vùng đất Khánh Hòa; thu hút sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa và các Sở, ngành chức năng, địa phương; các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn…

Chuỗi hoạt động với sự tham dự của các nhà quản lý ngành TN&MT từ Trung ương đến địa phương; các doanh nghiệp có hoạt động liên quan và quan tâm đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường và biển đảo, đông đảo các nhà báo, cơ quan thông tấn, báo chí, sẽ kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và từng người dân cả nước và tỉnh Khánh Hòa nói riêng, bằng những hành động thiết thực hãy thay đổi hành vi, cùng nhau gìn giữ và tái tạo, phủ xanh những cánh rừng ngập mặn ven biển, những vạt rừng trên đồi cao Tây Bắc, ngút ngát Trường Sơn cho đến bạt ngàn xanh Nam Bộ.

Sắc xanh cần được hiện diện trên khắp mọi miền của Tổ quốc, trên mọi con đường chúng ta đi qua. Chung tay hành động vì một Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, góp phần cùng cộng đồng quốc tế giải quyết tình trạng khẩn cấp về môi trường và khí hậu, để thế hệ tương lai có được cuộc sống tốt đẹp trên Trái đất màu xanh... chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu.

Phương Anh