Con đường chính trị của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz có gì đặc biệt?

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:30, 09/12/2021

Với 395 phiếu ủng hộ trên tổng số 707 phiếu, Quốc hội Đức (Bundestag) đã bầu ông Olaf Scholz, lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội (SPD) làm thủ tướng mới của nước này trong phiên họp đặc biệt sáng 8/12.

Cụ thể, với tổng cộng 416 ghế tại Quốc hội, liên minh “Đèn giao thông” (đỏ-vàng-xanh như màu đèn giao thông) gồm 3 đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) chiếm quá bán số phiếu cần thiết (chỉ cần 369/736 ghế Quốc hội) để có thể dễ dàng bầu ông Scholz làm Thủ tướng Đức.

Trước đó, vào ngày 24/11, các chính đảng của Đức đã đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh, mở đường cho ông Olaf Scholz kế nhiệm bà Angela Merkel giữ cương vị thủ tướng Đức. Theo đó, đảng Dân chủ Xã hội của ông Scholz đã đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do.

Cùng ngày, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã bổ nhiệm các bộ trưởng trong liên minh cầm quyền theo đề xuất của tân Thủ tướng Olaf Scholz. Ngay sau khi được bổ nhiệm, các bộ trưởng cũng đã tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội Đức.

Con đường chính trị của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz có gì đặc biệt?
Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: Reuters)

SPD ngoài chức thủ tướng còn nắm các vị trí khác như Chánh Văn phòng chính phủ do ông Wolfgang Schmidt đảm nhiệm; Bộ trưởng Y tế là ông Karl Lauterbach, Bộ trưởng Lao động và Xã hội là ông Hubertus Heil, Bộ trưởng Nội vụ là bà Nancy Faeser, Bộ trưởng Quốc phòng là bà Christine Lambrecht, Bộ trưởng Nhà ở, Phát triển thành phố và Xây dựng là bà Klara Geywitz, và Bộ trưởng Hợp tác Kinh tế và phát triển là bà Svenja Schulze.

Các bộ trưởng thuộc đảng Xanh gồm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu (siêu bộ) Robert Habeck, Ngoại trưởng Annalena Baerbock, Bộ trưởng Gia đình, Người cao tuổi, phụ nữ và thanh niên Anne Spiegel, Bộ trưởng Môi trường, An toàn hạt nhân và Bảo vệ người tiêu dùng Steffi Lemke, và Bộ trưởng Lương thực và Nông nghiệp Cem Özdemir.

Các thành viên Nội các của FDP gồm ông Christian Lindner giữ chức Bộ trưởng Tài chính, ông Volker Wissing giữ chức Bộ trưởng Kỹ thuật số và Giao thông vận tải, ông Marco Buschmann giữ chức Bộ trưởng Tư pháp, và bà Bettina Stark-Watzinger giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu.

Dưới đây là một số thông tin đáng chú ý về tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz:

Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz sinh ngày 14/6/1958 tại thành phố Osnabrück thuộc bang Niedersachsen, Đức. Năm 1985, ông nhận bằng luật tại Đại học Hamburg.

Năm 1975, ông gia nhập đảng Dân chủ Xã hội Đức. Năm 1982-1988, ông là Phó chủ tịch tổ chức thanh niên của SPD - Liên minh các nhà xã hội trẻ “Jusos”; năm 1987-1989, ông là Phó chủ tịch của Liên minh Thanh niên Xã hội Quốc tế.

Năm 1998-2001, ông là thành viên của Thượng viện Đức. Từ tháng 5-10/2001, ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ của thành phố Hamburg.

Từ năm 2002-2011, ông là nghị sĩ Quốc hội Đức. Năm 2005-2007, ông lãnh đạo đoàn nghị sĩ SPD trong Quốc hội Đức. Năm 2002-2004, ông là Tổng thư ký SPD.

Năm 2007-2009, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội liên bang Đức. Trong năm 2009-2011, ông là Phó chủ tịch của phe SPD tại Quốc hội Đức. Năm 2009-2018, ông là Phó chủ tịch SPD.

Năm 2011-2018, thị trưởng thành phố Hamburg. Vào tháng 3/2018, ông Scholz được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Phó thủ tướng Đức.

Vào tháng 8, đảng Dân chủ Xã hội xác nhận ông Scholz là ứng cử viên cho chức thủ tướng trong cuộc bầu cử tháng 9. Vào tháng 5, tại đại hội SPD, ông Scholz chính thức được phê chuẩn là ứng cử viên cho chức thủ tướng Đức.

Trong cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 26/9, đảng Dân chủ Xã hội do ông Scholz lãnh đạo đã giành vị trí đầu tiên, loại bỏ đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Angela Merkel cầm quyền kể từ năm 2005.

Trước đây, ông Scholz được biết đến là người chỉ trích các chính sách của Nga đối với Crimea và các sự kiện ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, vào tháng 5, ông được cho đã thực hiện chính sách để hỗ trợ cho dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2).

Theo các phương tiện truyền thông Đức, ông Scholz sẽ không xây dựng một “mối quan hệ đặc biệt” với Nga, không giống như ông Gerhard Schroeder, người đứng đầu chính phủ từ năm 1998-2005.

Theo tờ Bild, hồi năm 2016, trong khuôn khổ Đối thoại Đức-Nga ở Saint Petersburg, ông Scholz tuyên bố rằng không có một kịch bản nào là “hợp lý”, trong đó Nga có quan hệ tốt với Đức, đồng thời có mối quan hệ khó khăn với Liên minh châu Âu (EU).

Một số hình ảnh tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên thệ nhậm chức:

Con đường chính trị của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz có gì đặc biệt?
Con đường chính trị của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz có gì đặc biệt?
Con đường chính trị của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz có gì đặc biệt?
Con đường chính trị của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz có gì đặc biệt?
Con đường chính trị của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz có gì đặc biệt?
Con đường chính trị của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz có gì đặc biệt?
Con đường chính trị của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz có gì đặc biệt?

Thanh Bình (lược dịch)