Nhạc sĩ Phú Quang: Vinh quang từ lao động cực nhọc

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 12:10, 08/12/2021

Một sự nghiệp đồ sộ với hơn 600 ca khúc, âm nhạc của Phú Quang ở lại trong ký ức của bao thế hệ, nâng niu cảm xúc của bao tâm hồn và vinh quang ấy đến từ lao động cực nhọc.

Thông tin nhạc sĩ Phú Quang qua đời ngày 8/12 tại Hà Nội khiến không ít người bàng hoàng. Dù vào năm 2020, sức khoẻ ông đã yếu, nhiều lần nhập viện nhưng những ai yêu âm nhạc của ông vẫn mong chờ một điều gì đó. Để rồi giờ đây tất cả là hoài niệm...

Nhưng, âm nhạc của Phú Quang mãi còn ở đó với hậu thế. Những bản tình ca da diết, khắc khoải của ông vẫn còn ở đó trong ký ức của bao thế hệ, thứ âm nhạc nâng niu cảm xúc, hoài niệm của ông vẫn còn đó trong bao tâm hồn nhạy cảm.

pqu2.jpeg
Nhạc sĩ Phú Quang có một sự nghiệp âm nhạc rực rỡ

Nhạc sĩ Phú Quang được sinh ra tại Phú Thọ nhưng quê gốc ở Hà Nội. Cuộc đời ông gắn chặt với thủ đô từ lúc lên 5 tuổi nhưng hơn 20 năm ông sống và làm việc tại TP. HCM. Mãi đến năm 2008, cố nhạc sĩ mới trở lại Hà Nội.

Để bắt đầu sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, nhạc sĩ Phú Quang theo học hệ trung cấp kèn cor tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) từ năm 1967. Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. 

Năm 1978, ông quay trở lại Nhạc viện Hà Nội để theo học ngành Chỉ huy dàn nhạc và sau đó về công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam vào năm 1982.

nsips.jpeg
Hình ảnh ông đứng trên sân khấu tự đệm nhạc, tự dẫn dắt câu chuyện vẫn còn in sâu trong tim người hâm mộ

Những năm sinh sống ở TP. HCM, cố nhạc sĩ từng làm việc ở phòng ca múa nhạc của Sở Văn hóa thông tin thành phố và Nhà hát Giao hưởng thành phố Hồ Chí Minh.

Trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ với hơn 600 ca khúc để đời, ông dành trọn tình yêu cho Hà Nội với những bản tình ca và cả những bài được phổ thơ như: Em ơi Hà Nội phố, Biển, nỗi nhớ và em, Hà Nội ngày trở về, Mùa thu và em, Im lặng đêm Hà Nội, Dương cầm lạnh, Mơ về nơi xa lắm, Đâu phải bởi mùa Thu, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Heo may, Tình khúc 24, Gửi đôi mắt, Về lại phố xưa, Nỗi buồn, Thương lắm tóc dài ơi

Ông còn viết nhạc phim cho các bộ phim nổi tiếng là Bao giờ cho đến tháng Mười và Vị đắng tình yêu, Ai xuôi vạn lý, Tình khúc 68… Cố nhạc sĩ còn là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc, giao hưởng, concerto, thơ giao hưởng, tiểu phẩm.

Cố nhạc sĩ từng xuất bản Đâu phải bởi mùa thu (1990), Những tình khúc Phú Quang chọn lọc (46 bài, 1995). Ông cũng là nhạc sĩ hiếm hoi ra mắt 16 album phòng thu, 17 album do ông biên tập, 3 album tuyển tập – một con số đáng nể.

Nhưng trên hết, phải kể đến 6 liveshow đình đám của nhạc sĩ Phú Quang: Mơ về nơi xa lắm (1998), Hà Nội và em khi thu chớm đông sang (2013), Phú Quang - Dương cầm lạnh (2014), Những nẻo đường anh đã đi qua (2015), Dương cầm lạnh và Phố cũ của tôi (2018) và Mùa thu giấu em (2019).

Những ca sĩ gắn liền với âm nhạc của Phú Quang gồm có nghệ sĩ kỳ cựu Lê Dung, Ngọc Tân, Quang Lý và sau này có Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Ngọc Anh, Thu Phương… hay Mỹ Tâm, Lệ Quyên và nhiều giọng ca trẻ khác cũng thường hát nhạc Phú Quang.

Vào năm 2014, nhạc sĩ Phú Quang được trao tặng "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014" trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014).

Ngoài âm nhạc, nhạc sĩ còn thành lập công ty nhưng ông nói vui "vui là chính, kiếm tiền là chủ yếu".

Cả một đời người, nhạc sĩ Phú Quang dồn sức cho âm nhạc và đến khi lìa đời, ông để lại sự nghiệp vẻ vang, hiển hách. Và ông nhắc nhiều đến lao động bởi: “Tôi nghiệm ra một điều, ai cũng yêu vinh quang. Nhưng rất ít người yêu lao động để làm ra vinh quang bởi vì có vinh quang lao động rất cực nhọc”.

An Nhiên (Tổng hợp)