F0 không khai báo, tự điều trị, Sở Y tế TPHCM nói gì?

Xã hội - Ngày đăng : 11:45, 08/12/2021

Có nhiều trường hợp tự làm xét nghiệm và phát hiện mình là F0, họ chọn cách âm thầm chữa trị. Đây là vấn đề thách thức, cần có biện pháp phù hợp - ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Sáng 8/12, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 bước vào ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thường niên cuối năm 2021. Tại kỳ họp lần này, HĐND thành phố dành một ngày làm việc cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Trong buổi chất vấn đầu tiên, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, là lãnh đạo sở đầu tiên ngồi bàn chất vấn tại kỳ họp. Trong hơn một giờ chất vấn, ông Tăng Chí Thượng nhận 9 câu hỏi từ 6 đại biểu liên quan đến các vấn đề trọng tâm như công tác phòng, chống dịch Covid-19, củng cố hệ thống cơ sở và vai trò của ngành y tế trong thời gian tới.

F0 không khai báo, tự điều trị, Sở Y tế TPHCM nói gì? - 1

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, là lãnh đạo sở ngành nhận chất vấn tại kỳ họp (Ảnh: Hữu Khoa).

Việc biến chủng Omicron đến chỉ là vấn đề thời gian

Tại phiên chất vấn, đại biểu Thích Minh Thành đặt vấn đề, hiện tại, biến chủng Omicron đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới và các nước lân cận. Ngành y thành phố đã đưa ra những dự báo gì và củng cố nguồn lực ra sao trong bối cảnh biến chủng này xâm nhập.

Vị thượng tọa cũng đưa ra câu hỏi, thành phố đã có phương án về nhân lực, vật tư y tế ra sao để ứng phó nếu đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh thêm lần nữa.

F0 không khai báo, tự điều trị, Sở Y tế TPHCM nói gì? - 2

Thượng tọa Thích Minh Thành đặt câu hỏi về việc ứng phó với biến chủng Omicron của TPHCM (Ảnh: Hữu Khoa).

Trả lời câu hỏi trên, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông tin, ngành y tế thành phố vẫn liên tục theo dõi sát biến chủng này thông qua tình hình các nước trên thế giới. Những thông tin đáng lo nhất về biến chủng này là khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp, kháng lại sự bảo vệ của vaccine, gây diễn tiến xấu cho người mắc.

"Qua khảo sát, chúng tôi gần như chưa thấy dấu hiệu xấu về chủng mới Omicron. Số người nhiễm loại virus này nhiều nhưng số lượng bệnh nhân có tình trạng xấu, bệnh nặng chưa có sự gia tăng đột biến", ông Tăng Chí Thượng chia sẻ.

Lãnh đạo ngành y TPHCM nhìn nhận, điều đáng mừng nhất là chủng Omicron chưa có dấu hiệu kháng vaccine Covid-19.

Để chủ động phát hiện, ngăn chặn biến chủng mới, TPHCM đã thực hiện kế hoạch giám sát đặc biệt, chặt chẽ người nhập cảnh. Trong trường hợp mắc Covid-19, bệnh nhân sẽ được giải trình tự gen ngay.

"Bộ trưởng Bộ Y tế mới có buổi làm việc với thành phố và lưu ý rằng, vấn đề chỉ là biến chủng này sẽ xuất hiện thời điểm nào, chứ chắc chắn sẽ đến. Thành phố đã dành riêng một bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân nhiễm biến chủng mới này và phối hợp chặt với Công an, Bộ Tư lệnh thành phố chuẩn bị các phương án", ông Tăng Chí Thượng trả lời chất vấn.

Nhiều F0 tự chữa trị mà không khai báo

Linh mục Trần Quang Vinh chất vấn lãnh đạo Sở Y tế thành phố, hiện tại tình trạng F0 trong cộng đồng nhưng không khai báo, tự cách ly, chữa trị xuất hiện rất nhiều. Lý do họ không khai báo là ngại ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống.

"Tình trạng này khiến không đảm bảo phòng, chống dịch cho người xung quanh và ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người mắc Covid-19. Sở Y tế có cách nào để F0 nhận thức rõ vấn đề, phối hợp tốt hơn trong công tác phòng, chống dịch", vị linh mục đặt câu hỏi.

F0 không khai báo, tự điều trị, Sở Y tế TPHCM nói gì? - 3

Sở Y tế nhận định, có nhiều F0 tự xét nghiệm và tự chữa trị tại nhà thời gian này (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Đại biểu Đặng Quốc Toàn đặt vấn đề, hiện nay, thuốc kháng virus đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM và cả nước. Vậy khi nào loại thuốc này được bán rộng rãi cho người dân.

Báo cáo với các đại biểu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cùng nhìn nhận, không giống giai đoạn trước, toàn địa bàn xét nghiệm từng phường, từng xã. Hiện nay, thành phố chỉ thực hiện xét nghiệm đối với người nghi ngờ, có triệu chứng.

"Có nhiều trường hợp tự làm xét nghiệm và phát hiện mình là F0, họ chọn cách âm thầm chữa trị. Đây là vấn đề thách thức công tác phòng, chống dịch Covid-19, cần có biện pháp phù hợp", ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Biện pháp được đưa ra là ngành y tế thành phố sẽ tăng cường quy chế phối hợp trong quản lý F0 trên địa bàn. Cụ thể, UBND TPHCM đã ban hành quyết định về quy chế phối hợp quản lý, chăm sóc F0 tại nhà, cơ sở thu dung, điều trị, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Trong đó, TPHCM đã phân rõ trách nhiệm của từng bộ phận của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế, trạm y tế địa phương, trạm y tế lưu động...

"Ngoài kêu gọi ý thức của người dân, ngành y tế sẽ tham mưu thành phố triển khai kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật", Giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin.

Đối với câu hỏi về thuốc điều trị, ông Tăng Chí Thượng cho biết, các loại thuốc kháng virus đã phát huy hiệu quả sau thời gian thử nghiệm có kiểm soát. Một tin mừng là các công ty nắm bản quyền thuốc đã đồng ý nhượng bản quyền cho Việt Nam.

"Sắp tới, Bộ Y tế sẽ cấp phép sản xuất trong nước đối với các loại thuốc này, khi đó, thuốc điều trị Covid-19 sẽ không còn khan hiếm. Khi đưa vào sản xuất đại trà, có thể, người dân sẽ ra nhà thuốc để mua như các loại thuốc cảm thông thường khác", Giám đốc Sở Y tế TPHCM nêu tín hiệu đáng mừng.

Gần 8 tháng không được nghỉ ngơi, nhiều nhân viên y tế nghỉ việc

Bày tỏ sự quan tâm đến nhân lực y tế của TPHCM, đại biểu Tăng Hữu Phong phân tích, thành phố đang có tỷ lệ nhân viên y tế cơ sở/10.000 dân là 2,31, thấp hơn nhiều tỷ lệ 6,06 của Hà Nội và 7,42 của cả nước. Các đợt dịch vừa qua, lực lượng y tế cơ sở của TPHCM đã chống chịu với mức cao nhất, nhiều người đã quá tải, phải nghỉ việc.

"Hiện tại, trạm y tế phường, xã không được quá 10 biên chế, trong khi TPHCM có các phường xã trên 50.000 dân, thậm chí trên 100.000 dân. Câu hỏi đặt ra là thành phố cần bổ sung bao nhiêu nhân lực y tế và có đáp ứng được không", ông Tăng Hữu Phong nêu.

F0 không khai báo, tự điều trị, Sở Y tế TPHCM nói gì? - 4

Nhiều nhân viên y tế nghỉ việc sau gần 8 tháng chống dịch không có ngày nghỉ.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, khi sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành y tế đã rút ra 10 bài học quan trọng. Một trong số đó là bài học về củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Hiện tại, thành phố có chỉ số bác sĩ/10.000 dân là 20, cao gấp đôi cả nước nhưng vẫn còn thấp so với các nước trên thế giới. Sự hạn chế này khó nhìn thấy lúc bình thường nhưng bộc lộ rõ trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Trong năm qua, thành phố ghi nhận khoảng 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc vì nhiều lý do. Trong đó có nhiều trường hợp kiệt sức sau gần 8 tháng không nghỉ ngơi ngày nào, thu nhập thấp...

Trước bối cảnh đó, Sở Y tế đã có tờ trình gửi UBND TPHCM đề xuất một số cơ chế, chính sách củng cố, nâng cao hiệu quả nguồn lực y tế cơ sở. Trong đó, sở đã đưa ra một số chính sách nhằm giữ chân nhân viên y tế.

Nhiệm vụ trước mắt là thành phố cần kéo giảm số lượng nhân viên y tế xin nghỉ việc bằng cách nâng cao thu nhập, tạo ra các chính sách hỗ trợ.

Ngoài ra, Sở Y tế TPHCM cũng đưa ra phương án thu hút nhân viên y tế về công tác tại trạm y tế cơ sở. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ một phần chi phí công tác đối với các bác sĩ mới tốt nghiệp về các trạm y tế để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Báo cáo về tình hình dịch Covid-19 thời gian gần đây, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, từ ngày 20/10 tới nay, số ca mắc mới, số ca nặng, ca tử vong đang có xu hướng tăng dần.

Cụ thể, tuần từ 12/11-18/11, TPHCM có 8.432 ca mắc mới; tuần từ 19/11-25/11, TPHCM có 8.721 ca mới; tuần từ 26/11-2/12, TP có 9.301 ca mới.

Hiện tại, thành phố đang quản lý, chăm sóc hơn 85.000 F0, trong đó hơn 66.000 người điều trị tại nhà. So với đầu tháng 9, thành phố đã kéo giảm số bệnh nhân cần điều trị tại viện, số ca nặng, cần thở máy.

Quang Huy