Doanh nghiệp có thể bị phá sản vì tấn công mạng

Bất động sản - Ngày đăng : 23:41, 07/12/2021

Khi công nghệ và internet ngày càng xâm chiếm vào hoạt động doanh nghiệp, sự xao nhãng bảo mật có thể gây thiệt hại nặng nề khi bị tấn công mạng, thậm chí phá sản.
xforcecyberrange01-1068x601.jpg
Doanh nghiệp có thể bị phá sản vì tấn công mạng

Công ty IBM vừa đưa ra dự đoán về tương lai của an ninh mạng vào năm 2022. Một trong năm điểm chính của dự đoán này là “vào đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp sẽ bị phá sản”.

Cụ thể theo IBM, khi các tổ chức trên toàn thế giới chậm lại trong kỳ nghỉ lễ và phải chuyển đổi môi trường làm việc, sự xao nhãng sẽ tạo cơ hội cho tội phạm mạng xâm nhập vào mạng lưới mà không gây nghi ngờ. Kết quả là vào năm 2022, các cuộc tấn công mạng và những xâm phạm ban đầu sẽ “hiện nguyên hình”. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại nghiêm trọng, thậm chí phá sản.

Bên cạnh đó, IBM còn dự đoán các cuộc tấn công ransomware (mã độc tống tiền) sẽ gia tăng không ngừng với mật độ nhiều hơn gấp ba lần hiện nay. Theo đó một cuộc tấn công bằng ransomware do một doanh nghiệp trải qua sẽ trở thành mối đe dọa tống tiền đối với đối tác kinh doanh của họ. Những kẻ tấn công ransomware sẽ không ngừng tống tiền tổ chức nạn nhân để đòi tiền chuộc. Đồng thời, kẻ tấn công còn tống tiền các đối tác kinh doanh của nạn nhân có dữ liệu mà tội phạm mạng nắm giữ hoặc các đối tác kinh doanh không có khả năng gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng.

Vào năm 2021, thế giới cảm thấy gánh nặng của sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng do các hạn chế COVID-19. Nhận thức được điều này, tội phạm mạng sẽ tìm cách tận dụng sự phụ thuộc nhiều của mọi người vào chuỗi cung ứng - cả ở cấp độ người tiêu dùng và doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng có nhiều “điểm mù” hoặc “kẽ hở” mà những kẻ tấn công có thể lợi dụng.

Do đó, các cuộc tấn công bằng ransomware sẽ là mối đe dọa không chỉ đối với các công ty với tư cách là các thực thể riêng lẻ mà còn đối với toàn bộ chuỗi cung ứng của họ.

Ngoài ra, với việc các doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng phụ thuộc vào blockchain để quản lý chuỗi cung ứng và giao dịch kỹ thuật số, những kẻ tấn công cũng chuyển sang sử dụng nó để tìm cách hoạt động.

Vào năm 2022, blockchain sẽ trở thành một “công cụ” phổ biến hơn được tội phạm mạng sử dụng để chống lại việc ngăn chặn lưu lượng truy cập độc hại của chúng, tránh bị phát hiện và mở rộng khả năng tàng hình của kẻ tấn công. Điều này sẽ khiến những hệ thống bảo vệ ngày càng khó phát hiện ra các hoạt động độc hại trên mạng.


HAI LAM (tổng hợp)