Sóng gió trong quan hệ Anh-Pháp và câu chuyện niềm tin

Đối ngoại - Ngày đăng : 23:01, 07/12/2021

Trong một động thái nhằm "hạ nhiệt" căng thẳng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu nhóm phụ tá không trả đũa những gì mà London coi là hành động khiêu khích gần đây từ Paris.
Câu chuyện niềm tin gây sóng gió cho mối quan hệ Anh-Pháp
Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng tống Pháp Emmanuel Macron gặp mặt ngày 18/6/2020 nhân dịp lễ kỷ niệm 80 năm ngày tướng Charles de Gaulle kêu gọi chống phát xít Đức. (Nguồn: Reuters)

Quan hệ Anh-Pháp và cuộc chiến ngôn từ

Theo tờ Financial Times, Thủ tướng Anh Boris Johnson tin rằng, ông Macron sẽ tiếp tục nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai và vì vậy ông muốn chuẩn bị cơ sở cho mối quan hệ tốt đẹp hơn thông qua một hiệp ước Anh-Pháp mới, sau khi ông Macron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 4 năm tới.

Theo một số nhà ngoại giao, việc ông Macron gán cho ông Johnson biệt danh "gã hề" trong cuộc tranh cãi gay gắt giữa hai bên về cách giải quyết vụ việc 27 người di cư thiệt mạng vào tháng trước khi cố gắng vượt qua Eo biển Manche để đến Anh, ý tưởng về một liên minh Anh-Pháp hậu bầu cử có vẻ xa vời.

Tổng thống Pháp còn coi Thủ tướng Johnson là không "nghiêm túc" và"gây thù chuốc oán" với Paris về một loạt vấn đề - ngoài vấn đề người di cư là Brexit và quan hệ đối tác an ninh mới giữa Australia, Mỹ và Anh (AUKUS).

Tuy nhiên, số 10 Phố Downing đã không phản bác lại những bình luận của ông Macron được đăng tải trên tờ báo châm biếm của Pháp Le Canard. Thay vào đó, xứ sở sương mù chỉ đưa ra yêu cầu khiêm tốn là mọi người cần lựa chọn ngôn từ “cẩn thận”, sau khi ông Macron nói rằng, việc xử lý các thỏa thuận thương mại hậu Brexit cho Bắc Ireland là vấn đề “chiến tranh và hòa bình cho Ireland”.

Anh cũng không phản ứng mạnh mẽ đối với tuyên bố vào tuần trước của Bộ trưởng châu Âu của Pháp, Clément Beaune, rằng những người di cư bị thu hút đến Anh bởi một mô hình kinh tế của “chế độ nô lệ thời hiện đại”.

Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao vẫn cho rằng, đã quá muộn để Anh có thể làm dịu căng thẳng giữa hai bên, hoặc Thủ tướng Johnson đã ảo tưởng khi nghĩ rằng, các cuộc tấn công nhằm vào Anh của ông Macron chỉ là một thủ đoạn tranh cử.

Bởi một thực tế là mặc dù các bình luận của ông Macron thu hút truyền thông Anh, song lại rất ít được quan tâm ở Pháp. Ngoài tranh chấp trong việc Anh cấp giấy phép cho ngư dân Pháp hoạt động trong vùng biển nước này, truyền thông Pháp tập trung nhiều hơn vào Covid-19, nhập cư và quan hệ với Đức.

Cựu Đại sứ Anh tại Paris, Peter Westmacott, cho biết: “Tôi không nghĩ rằng người Pháp chú ý tới những gì đang diễn ra ở Anh như chúng ta đang quan tâm về những gì đang xảy ra tại Pháp. Tôi không nghĩ rằng điều này giúp ông Macron giành được phiếu bầu”.

Nhưng những người trong cuộc ở Phố Downing không đồng tình với lập luận này. Ông Johnson và nhóm phụ tá cho rằng, quan hệ London-Paris sẽ tiếp tục rạn nứt trong vài tháng tới, dù khả năng ông Macron tái đắc cử có thể mang đến cơ hội cho một khởi đầu mới.

Mặt khác, đã có những dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng trong những ngày gần đây.

Thứ nhất là sự công nhận rằng, hai quốc gia có những ràng buộc về địa lý, kinh tế và an ninh để cùng hợp tác.

Thứ hai là việc đảo thuộc địa của Hoàng gia Anh, Guernsey, đã cấp 40 giấy phép đánh bắt cho các tàu thuyền của Pháp.

Đây là những chỉ dấu cho thấy, cuộc tranh chấp bắt đầu dịu đi, mặc dù chưa kết thúc.

Việc Pháp đe dọa tăng cường kiểm tra hàng hóa của Anh qua Eo biển Manche để trả đũa là lời nhắc nhở về cách Paris có thể nhanh chóng làm tắc nghẽn các tuyến đường thương mại của London, nếu muốn.

Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Jean Castex tuần trước đã viết thư cho người đồng cấp Johnson, đề xuất một khuôn khổ hợp tác mới giữa Anh và EU để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư vượt Eo biển Manche bằng thuyền.

Tuy nhiên, việc ông Castex, thay vì ông Macron, là người liên lạc với ông Johnson, là dấu hiệu cho thấy tình hình không mấy khả quan của mối quan hệ giữa hai nước.

Mong đợi vào sự khởi đầu mới

Các đồng minh của ông Johnson cho rằng, hai bên có khả năng cải thiện quan hệ thông qua một hiệp ước song phương mới sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Pháp kết thúc.

Theo giới chức Anh, hiệp ước này có thể tập trung vào hợp tác quốc phòng và an ninh, là lĩnh vực mà hai bên vẫn đang hợp tác tốt, song cũng bao gồm các lĩnh vực khoa học, công nghệ và văn hóa.

Các lĩnh vực quốc phòng đang được phía Anh xem xét bao gồm hoạt động tàu sân bay, hợp tác hạt nhân, và khả năng Anh và Pháp hợp tác chặt chẽ hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Bộ tứ, gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.

Tuy nhiên, cựu Đại sứ Anh tại Pháp Peter Ricketts cho biết, có khoảng cách lớn giữa ý tưởng về một hiệp ước mới và cách hai chính phủ hiện đang đối xử với nhau.

Những căng thẳng liên quan tới những nỗ lực của Thủ tướng Anh Boris Johnson nhằm viết lại các nội dung liên quan tới Bắc Ireland trong thỏa thuận Brexit có thể bùng phát trở lại vào đầu năm tới nếu Anh tìm cách đình chỉ các thỏa thuận thương mại cho Bắc Ireland.

Tại Paris, chính quyền của Tổng thống Macron nghi ngờ ý tưởng về một hiệp ước mới. Đối với ông Macron, một vấn đề quan trọng hơn nhiều là liệu Anh có thể một lần nữa chứng tỏ là đối tác đáng tin cậy mà Pháp mong muốn sau Brexit hay không.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao đặt câu hỏi, ngay cả khi ông Macron tái đắc cử vào tháng 4 tới, liệu hai bên có thể thiết lập được một liên minh mới hay không, khi mà Tổng thống Pháp không tin tưởng sâu sắc vào Thủ tướng Johnson?

Hồng Vân