Bộ Văn hóa có thực hiện một bản thu miễn phí cho nhân dân hay không?

Dòng chảy - Ngày đăng : 16:35, 07/12/2021

Đánh gậy" là thuật ngữ chỉ việc báo cáo vi phạm bản quyền trên YouTube. Và việc Quốc ca của một nước đã không thể phát trên các nền tảng số vì nỗi lo bị "đánh gậy" là điều khiến nhiều người suy nghĩ.

Khó hiểu, bởi trước trận cầu hôm qua, câu chuyện "bản quyền Quốc ca" trên nền tảng số không phải là vấn đề mới phát sinh.

Chưa kể, trận cầu giữa Việt Nam và Ả Rập Xê tại Út vòng loại thứ 3 của World Cup 2022 kênh YouTube "FPT Bóng Đá Việt" đã bị Naxos Digital Services US (thay mặt cho Hãng đĩa Marco Polo) thông báo xác nhận sở hữu bản quyền bản ghi Quốc ca Việt Nam.

Tức là, ngay trong phát sóng bóng đá trên nền tảng số, câu chuyện "bị gậy" cũng đã có tiền lệ.

Và, không chỉ đơn vị truyền thông trong nước, các đơn vị trong và nước ngoài đầu tư bản phối âm, bản ghi âm (với sự cho phép của tác giả) đều có quyền với các bản ghi này. Nếu không chủ động mang tác phẩm có tác quyền ở các giải đấu thể thao sẽ phụ thuộc vào ý thức bản quyền của đơn vị tổ chức giải đấu.

Bộ Văn hóa có thực hiện một bản thu miễn phí cho nhân dân hay không? - 1

Việc tắt tiếng Quốc ca dù là trên nền tảng Youtube cũng gây bức xúc, khó hiểu cho dư luận. (Ảnh chụp màn hình).

Các đơn vị trong và ngoài nước đang sở hữu bản quyền bản thu "Tiến quân ca" có thực sự đúng? Điều này cần các cơ quan chuyên môn minh định.

Song, sự cố ngày hôm qua đổ lỗi hoàn toàn cho các đơn vị đang sở hữu bản quyền các bản thu âm "Tiến quân ca" cũng không thực sự sòng phẳng. Bởi như đã nói ở trên, sự việc diễn ra từ trước và những tranh cãi không có hồi kết bởi các cơ quan chuyên môn chưa đưa ra quan điểm, giải pháp rõ ràng.

Và sự việc vẫn lặp lại kéo theo sự phẫn nộ của nhân dân không thể không nhắc đến trách nhiệm của Bộ VHTT&DL. Bởi gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca cho Tổ quốc và nhân dân năm 2006.

Bộ VHTT&DL đã được giao nhiệm vụ là cơ quan nhà nước quản lý, giữ gìn, phát huy giá trị của ca khúc.

Mới đây, Bộ đã đăng trên trang chủ của mình một thông báo: Ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ VHTTDL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết để gìn giữ, phát huy giá trị của Quốc ca.

Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.

Bộ VHTTDL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

Vậy còn bản thu, các đơn vị trong và ngoài nước đã bỏ tiền ra thực hiện Bộ sẽ xử lý sao: xung công hay dùng tác quyền với ca khúc để ngăn chặn hành vi "đánh gậy"? Bộ có thực hiện một bản thu miễn phí cho nhân dân hay không? Các đơn vị đã tuyên bố bản quyền, đã khai thác với các bản thu đã được Bộ cho phép sử dụng ca khúc với mục đích thương mại chưa?...

Có rất nhiều câu hỏi mà trong thông báo ngắn của Bộ hẳn là đang bỏ ngỏ.

Chúng ta nên rõ ràng, vấn đề đang gặp phải ở đây là bản quyền của bản thu chứ không phải quyền tác giả đối với tác phẩm.

Trước đó, vào đầu tháng 11, giữa lúc bản quyền với bản thu Quốc ca đang tranh cãi dữ dội, Bộ đã trả lời báo chí rằng: Bộ đã nắm được thông tin và giao cho các đơn vị chuyên môn giải quyết...

Phạm Mỹ